Bão giá thức ăn chăn nuôi: Nhiều làng nghề nuôi lợn trước nguy cơ xóa sổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giá lợn hơi duy trì ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng gấp 2,3 lần và neo trong thời gian dài đang khiến người nuôi thua lỗ nặng. Không ít làng truyền thống nuôi lợn bỗng chốc đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” khi có đến 80 % số hộ phải bỏ nghề…

Cứ xuất chuồng là lỗ

Tự bao đời nay, huyện Văn Giang nổi tiếng là “thủ phủ” nuôi lợn sầm uất của tỉnh Hưng Yên. Nhiều xã trong huyện được mệnh danh là “làng tỷ phú” nhờ phất lên từ nghề nuôi lợn. Những ngày này, không khí chăn nuôi của Văn Giang trở nên khác hẳn, ảm đạm chưa từng có.

Đã hơn 15 năm gắn bó với nghề nuôi lợn, ông Bùi Ngọc Khanh (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang) chia sẻ, bao nhiêu thăng trầm của ngành chăn nuôi, ông đều đã trải qua. Nhưng chưa lúc nào, ông cảm thấy “oải như lúc này”.

Khoảng 3-4 năm trước, ông Khanh là hộ nuôi lợn quy mô lớn nhất nhì của xã Cửu Cao với gần 1.000 con lợn thịt và gần 200 lợn nái. Từ ngày dịch lở mồm long móng và tả lợn châu Phi càn quét qua, đàn lợn của ông đã giảm gần một nửa. Thời điểm đó, bao nhiêu vốn liếng đầu tư của gia đình đều trôi sạch. Nhưng chưa kịp hoàn hồn sau cơn dịch bệnh, trong hai năm qua, cơn bão giá thức ăn chăn nuôi khiến gia đình ông gần như kiệt quệ.

“Giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 15 lần liên tiếp. Trong khi giá lợn hơi giảm sâu xuống còn 47.000-49.000 đồng/kg. Bây giờ cứ xuất chuồng, chúng tôi đều lỗ hơn 1 triệu đồng/con”, ông Khanh nói.

Bão giá thức ăn chăn nuôi: Nhiều làng nghề nuôi lợn trước nguy cơ xóa sổ ảnh 1

Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã trong khi giá lợn hơi duy trì ở mức thấp khiến không ít hộ chăn nuôi vỡ nợ Ảnh: Dương Hưng

Trước đây, xã Cửu Cao có gần 1.000 hộ sống dựa vào chăn nuôi. Thời điểm dịch tả châu Phi, người dân vẫn có niềm tin giá lợn sẽ lên khi hết dịch. Nhưng giờ đây với đà tăng phi mã của giá cám, hàng loạt hộ nuôi lợn của xã Cửu Cao đều bỏ nghề, số hộ nuôi lợn hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Nếu giá cám chỉ tầm 250.000 đồng/ bao 25kg như thời điểm trước, người chăn nuôi còn có lãi, chứ giá này đúng là không có cách gì. Ngân hàng không dám cho vay, đại lý, công ty giờ người ta cũng sợ không cho mình mua nợ nữa. Người dân trong xã giờ oải quá rồi, dân không vỡ nợ thì cũng bán mạng cho các đại lý, công ty thức ăn chăn nuôi”, ông Khanh nói.

Bão giá thức ăn chăn nuôi: Nhiều làng nghề nuôi lợn trước nguy cơ xóa sổ ảnh 2

Ông Bùi Ngọc Khanh (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) trầm ngâm lo vỡ nợ vì nghề nuôi lợn đang khiến gia đình lỗ nặng. Ảnh: Dương Hưng

Không chỉ chăn nuôi nông hộ bị bóp nghẹt hoàn toàn, các trang trại lợn hiện cũng bi đát không kém. Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Chiến Thắng (xã Xuân Quang, huyện Văn Giang) cho biết, trước đây hợp tác xã có 5 thành viên nuôi lợn với quy mô khoảng 7.000-8.000 con lợn thịt, và gần 600 con lợn nái. Từ ngày giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt, số đàn lợn của hợp tác xã đã giảm đến gần 70%.

Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, đến nay cả huyện chỉ còn khoảng 200 hộ nuôi lợn. “Phần lớn các gia đình đều chuyển sang nghề khác như dịch vụ hoa cây cảnh hay trồng trọt. Thậm chí, có những hộ vỡ nợ, vay nặng lãi giờ phải lánh mặt đi nơi khác làm thuê. Nếu không có cách gì cứu ngành chăn nuôi, sẽ có nhiều hộ chết ngoắc ngoải vì lợn”, bà Phương Anh nói.

Đa phần các hội viên đều phải vay ngân hàng, thế chấp sổ đỏ để đầu tư nuôi lợn nên những lúc thế này, nhiều hộ phải ngậm đắng “cắt máu”. Với giá lợn hơi hiện tại, ông Hùng tính toán: một con lợn xuất chuồng nặng khoảng 100 kg sẽ tốn khoảng 4,2 - 4,5 triệu đồng tiền cám, chưa kể tiền giống khoảng 1-1,5 triệu đồng và tiền điện nước, thuốc thú y…

“Tính ra mỗi con lợn, trang trại lỗ khoảng 600.000 - 1.000.000 đồng. Với cả nghìn con lợn, chúng tôi lỗ hàng tỷ đồng. Trang trại giờ chỉ lay lắt cầm cự. Một số hội viên đã chán nản, rút dần. Nếu không vì kế sinh nhai gắn bó mấy chục năm, tôi cũng bỏ lâu rồi”, ông Hùng nói.

Xóa sổ hàng loạt trại nuôi

Rời vùng đất Văn Giang, chúng tôi tiếp tục dạt về huyện Bình Lục (Hà Nam). Đây cũng là nơi có chợ lợn lớn bậc nhất cả nước. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục), bà Trần Thị Bốn, cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y của xã cho biết, từ vị thế của một xã chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh Hà Nam, thậm chí lớn nhất khu vực miền Bắc với quy mô đàn khoảng hơn 100.000 con/ mỗi lứa và tổng số hộ nuôi xấp xỉ 1.600, giờ đây Ngọc Lũ chỉ còn khoảng 19.000 con, tập trung trong các trang trại chăn nuôi kiểu “hàng xáo” của mười mấy hộ gia đình.

“Đợt vừa rồi Ngọc Lũ thống kê có hơn 70% người dân nuôi lợn đã bỏ nghề chuyển sang kiếm việc làm khác. Một số chuồng nuôi được cải tạo thành chỗ để máy may do người dân xin việc ở các công ty về làm. Còn số khác bị đập bỏ để trồng cây ăn quả. Nói chung bây giờ nhắc đến lợn, dân Ngọc Lũ đều ngao ngán”, bà Bốn nói.

Cạnh xã Ngọc Lũ là Bồ Đề. Đây cũng là xã chăn nuôi lớn tốp đầu của huyện Bình Lục. Tiếp chúng tôi, ông Trần Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Bồ Đề thở dài: Dân giờ nghe đến lợn sợ lắm các chú ơi vì nhiều hộ đang vỡ nợ. Gia đình tôi cũng đang nợ đại lý mấy trăm triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi chưa biết lấy gì để trả.

Những năm trước, xã Bồ Đề có khoảng hơn 1.000 hộ dân sống dựa vào chăn nuôi với tổng đàn lợn khoảng hơn 30.000 con, còn lại là trồng trọt, nuôi gà, nuôi vịt, nuôi cá…Đa số các hộ chăn nuôi đều phải vay vốn ngân hàng, nhiều thì 2-3 tỷ đồng, ít cũng tầm hai ba trăm triệu. Đợt dịch tả lợn châu Phi 2019, xã Bồ Đề phải tiêu hủy hàng nghìn con lợn khiến người dân nơi đây được một phen khiếp vía. Nhưng giờ đây, nhiều gia đình lại đối mặt với nỗi lo lớn hơn khi cơn bão giá thức ăn chăn nuôi ập đến.

“Mỗi bao cám 25 kg tăng từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng rồi leo một mạch lên hơn 350.000 đồng/bao. Cơn lốc này khiến các nông hộ kiệt quệ, bao nhiêu vốn liếng đều ngốn sạch vào thức ăn cho lợn khiến không ít hộ cầm cắm sổ đỏ. Nhà nước phải làm sao để hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi chứ kéo dài hai năm thế này dân không tài nào chịu nổi. Lợn “ăn” sổ đỏ, ăn nhà ăn cửa, có khi sắp tới còn “ăn” cả mạng người mất thôi”, ông Ngọc nói.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam), cách đây mấy năm, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện vào khoảng gần 250.000 con mỗi lứa, giá trị kinh tế từ lợn vào khoảng 1.600 - 1.700 tỷ đồng/năm. Nhưng giờ đây con số này chỉ còn khoảng 100.000 con.

“Mấy đợt bão giá thức ăn chăn nuôi như thế, chăn nuôi nông hộ trong huyện cơ bản xóa sổ hết. Với tình cảnh này, không trang trại nào trụ nổi”, ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Lục nói day dứt.

MỚI - NÓNG