Báo động sức khỏe công nhân

Bếp ăn của Cty Pouyeun ở KCN Bình Tân cung cấp suất ăn với giá 9.000 đồng. Ảnh L.N
Bếp ăn của Cty Pouyeun ở KCN Bình Tân cung cấp suất ăn với giá 9.000 đồng. Ảnh L.N
TP - Thời buổi giá cả đắt đỏ, suất cơm công nhân không chỉ teo tóp mà còn thiếu chất. Sau hai năm khảo sát 1.000 công nhân đang làm việc trên địa bàn TPHCM, có đến 30% số công nhân bị suy dinh dưỡng. Đối với lao động làm việc trong môi trường độc hại, gần 30% công nhân có sức khỏe từ kém tới rất kém.

> 100 công nhân ngộ độc thực phẩm

Bếp ăn của Cty Pouyeun ở KCN Bình Tân cung cấp suất ăn với giá 9.000 đồng. Ảnh L.N
Bếp ăn của Cty Pouyeun ở KCN Bình Tân cung cấp suất ăn với giá 9.000 đồng. Ảnh L.N.
 

Giá suất cơm bằng một lần đánh giầy

Sau một ngày tăng ca, buổi chiều trở về, Nguyễn Thị Cẩm, công nhân Cty Copal ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, vẫn chỉ dám mua suất cơm bình dân 8 nghìn đồng. Lương công nhân chỉ hơn 1,7 triệu đồng/tháng nhưng phải chi tiêu đủ thứ: tiền thuê nhà, xăng xe, điện nước…nên chỉ còn cách tiết kiệm tối đa, trong đó có tiền ăn uống. Đó là cách của Cẩm và hàng nghìn công nhân ở các KCN - KCX tại TPHCM phải làm.

Ông Nguyễn Xuân, gần 10 năm bán cơm bình dân cho công nhân ở đường Bùi Văn Ba, quận 7 nói rằng, quán cơm nhà ông vẫn có giá 15-20 nghìn đồng/đĩa nhưng hiếm khi thấy công nhân nào hào phóng tự “thưởng” cho mình suất cơm như vậy.

Chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân một công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử 100% vốn nước ngoài ở KCN Tân Bình cho biết, giá điện, nước, nhà liên tục tăng nên việc chi tiêu trong đó có ăn uống không thể tùy tiện. “Ở công ty em nhiều công nhân nhịn ăn, thiếu chất, có khi đang làm việc bỗng dưng chóng mặt rồi ngất xỉu”- Phượng kể.

Anh Hòa công nhân công ty này, nói thêm: “Đối với chị em ăn suất cơm này còn đói huống gì nam giới như tụi em. Ăn hết đĩa cơm mà vẫn thấy bụng lưng lửng”. Trong khi công nhân phải dè sẻn chi tiêu trong ăn uống để tích cóp tiền gửi về quê, để có tiền về ăn Tết, thì ở các công ty suất ăn dành cho họ vẫn chỉ ở mức 8-10 nghìn đồng/suất.

Anh Trần Văn H., quản lý của công ty may có vốn nước ngoài ở khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết, nhiều năm nay, công ty đã ký hợp đồng suất ăn với doanh nghiệp cung cấp suất ăn cho công nhân với giá 14 nghìn đồng/ phần. “Thực tế đợt kiểm tra giữa năm nay của công đoàn công ty cho thấy chất lượng dinh dưỡng trong bữa cơm 14 nghìn đồng chỉ còn khoảng 10 nghìn”- anh H. trình bày.

Chất lượng bữa ăn giảm còn do cơ sở cung cấp suất ăn phải chi hoa hồng lại quả cho người quản lý phải cắt bớt khẩu phần định lượng. “Khi chúng tôi khảo sát suất ăn của công nhân thì thấy các công ty đặt 10-15 nghìn đồng/suất. Nhưng phân tích thấy giá trị thực thế chỉ 6-8 nghìn đồng” - ông Nguyễn Văn Đạt - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương, cho biết.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi Cục trưởng chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, vấn đề bớt xén suất ăn hay đặt cơm càng rẻ càng tốt cho công nhân khiến nguy cơ suy dinh dưỡng ở công nhân càng gia tăng.

Cứ 10 người có 3 người bị suy dinh dưỡng

Từ đầu năm đến nay, tại TPHCM đã có 10 vụ công nhân ngừng việc tập thể do doanh nghiệp không cải thiện bữa ăn, suất cơm teo tóp, thiếu chất. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho biết, sau hai năm khảo sát về dinh dưỡng bữa ăn của 1.000 công nhân, kết quả cho thấy, gần 30% số công nhân bị suy dinh dưỡng.

“Trong số 1.000 công nhân may trên địa bàn TPHCM được thăm dò thì 93% bị mệt mỏi sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 17% nặng đầu, nhức đầu; 15% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai” - Khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM.

 

Cứ 10 công nhân đang làm việc tại các KCN – KCX ở TPHCM thì có 3 người bị suy dinh dưỡng. Trong đó, 20% công nhân bị thiếu máu và trên 70% bị thiếu i ốt, thiếu vitamin nhóm B. “Không chỉ chịu cảnh ăn uống thiếu chất từ các công ty cung cấp suất ăn, mà không ít công nhân vì lương thấp, chi phí sinh hoạt tăng nên nhịn ăn, thiếu kiến thức về bữa ăn hợp lý, an toàn”- bác sĩ Diệp nhìn nhận.

Khảo sát của Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, trong phần trắc nghiệm gửi công nhân về “bữa ăn hợp lý và an toàn”, chỉ có 25% công nhân trả lời đúng, còn lại kiến thức dinh dưỡng rất mù mờ. Theo bác sĩ Diệp, đó là một trong những nguyên nhân khiến công nhân ngày càng mắc nhiều căn bệnh, làm giảm công suất lao động.

Không chỉ suy dinh dưỡng, đại diện Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường TPHCM cho biết, gần 30% người lao động có sức khỏe từ kém tới rất kém do làm việc trong môi trường độc hại, bữa ăn không đảm bảo.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, bữa ăn giá rẻ, thiếu chất còn là nguyên nhân khiến nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra trong thời gian qua. “Bữa cơm 8-10 nghìn đồng thì không thể có thức ăn tươi ngon được”- ông Hòa khẳng định.

Bác sĩ Diệp cho biết, để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho người lao động nên dùng nhiều loại thực phẩm khác nhau; ăn nhiều cá và đậu hũ; ăn nhiều rau xanh, củ quả và trái cây tươi; dùng muối i-ốt trong chế biến bữa ăn. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, một công nhân trung bình cần khoảng 2.800 - 4.000 calo/ngày, nhưng bữa cơm của họ chỉ được doanh nghiệp đặt 8-12 nghìn chắc chắn không thể đủ chất tái tạo sức lao động.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG