Tay trắng
Về xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước - nơi gánh chịu thiệt hại nhiều nhất sau cơn bão số 4 ở Bình Định, tôi không khỏi ám ảnh bởi những ánh mắt thất thần trước đống đổ nát sau một đêm cơn bão đi qua. Chị Nguyễn Thị Xuân Hiền (thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) ngồi vẩn vơ, cố bới tìm gì đó lẫn trong đám gạch, ngói vỡ. “Lúc đó khoảng 1h sáng, hai mẹ con chỉ kịp khiêng bàn thờ chồng ra khỏi nhà. Một lúc sau quay lại căn nhà đã sập nát”.
Chồng mất cách đây đã 11 năm, chị Hiền làm công nhân nuôi hai con. Đứa lớn đã lấy chồng, đứa nhỏ hiện đang học lớp 6. Đều đặn làm việc, mỗi tháng chị thu nhập 2,5 triệu đồng, vừa đủ trang trải chuyện học hành cho con và một cuộc sống tạm bợ. Ngôi nhà cấp bốn hai vợ chồng tích cóp, cất dựng từ ngày mới cưới, tính đến nay đã 20 năm. Ở vùng quê nghèo này có năm nào mà mưa bão không tới, nên những căn nhà cũ như nhà chị lại nơm nớp lo sập. Nghe tin bão về, mẹ con cũng xúc đất, dựng cột chằng chống. Nhưng rồi điều mà hai mẹ con lo sợ nhất cũng đến, căn nhà rệu rã không đủ sức cự lại với mưa bão. Hỏi, nhà sập rồi mẹ con ở đâu? “Giờ dựng tạm lều bên cạnh. Rồi… tính. Mà cũng không biết tính sao nữa!” - chị Hiền nói. Sáng, lãnh đạo tỉnh, huyện có về thăm và trao tặng 5 triệu đồng chia sẻ. Hàng xóm mang đồ ăn qua, an ủi, hối thúc mãi ăn được vài miếng, nhưng cứ nghèn nghẹn nơi cổ họng.
Nhà chị Lê Thị Liên (43 tuổi) cùng thôn Bình Thái, cũng bị sập hoàn toàn. Chị Liên vốn thuộc hộ nghèo, chồng mất sớm, lại mắc chứng bệnh tim. Quanh năm dầm mình mò nghêu bắt ốc kiếm sống qua ngày và nuôi ba đứa con ăn học. Đứa lớn nhất học lớp 10, đứa lớp 9 và một đứa còn đang học mẫu giáo. Bốn mẹ con sống trong ngôi nhà dựng đơn sơ bằng gạch vồ, vôi vữa tạm bợ, bấy lâu đã hư hỏng nhiều. Nghe tin bão tới, chị dẫn các con sang nhà bên trú tạm. Nhưng cả đêm không ngủ, chỉ đợi gió ngớt, trời tờ mờ sáng mấy mẹ con đã kéo nhau chạy về. Ngôi nhà đã sập từ đêm qua.
Dù là bão nhẹ, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Xuân Hiền đã thành đống đổ nát
Chẳng ai nói với ai câu gì, chỉ cúi gằm mặt nhìn đống gạch ngói vỡ nát. “Trong đấy có gì không?” - tôi hỏi. Mãi chị mới lắc đầu, kéo đứa con nhỏ sát vào lòng, giấu giọt nước mắt trước con trẻ. Cháu 4 tuổi nhưng lại mắc chứng bệnh hen suyễn nên không được như những đứa bé cùng lứa được. “Mình thì sao cũng được, cái số sinh ra đã khổ rồi. Nhưng nghĩ tội mấy đứa nhỏ, cửa nhà thế này cũng chả tâm trí đâu để học hành” - chị ngậm ngùi.
Mấy năm nay, bà Huỳnh Thị Kim Tòng (76 tuổi) sống cùng đứa con gái mắc chứng bệnh down trong căn nhà ở cuối thôn. Nhà cất dựng 30 năm nay, mưa gió cũng đã hư hỏng nhiều nhưng chưa có tiền cất dựng lại. Con cái dựng vợ gả chồng cũng đã xây cất được nhà riêng, nhưng bà muốn ở lại đây để hương khói cho cụ ông, và chăm đứa con út mang bệnh. Trước lúc bão tới vài giờ, cậu con trai Võ Trọng Ánh kịp đưa mẹ qua nhà lánh bão. “Suốt đêm chập chờn khó ngủ, vừa nghe tiếng mưa ầm, gió gào riết. Sáng ra thì thấy nhà đổ sập rồi” - bà nói, đôi mắt nhăn nheo dừng lại rất lâu trước đống gạch vỡ.
Ông Lê Duy Trinh, Phó chủ tịch xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cho biết: Thống kê toàn xã có 27 nhà bị sập hoàn toàn, 5 nhà bị tốc mái, 10ha rau màu bị giập nát hư hỏng. Khoảng 6.325 con gia cầm bị chết hoặc cuốn trôi, 5 trụ điện bị gãy, ngã. Khoảng 50ha hồ tôm bị sạt lở do sóng đánh, ước tính thiệt hại khoảng 20 tấn tôm cá. Bốn phòng học trường tiểu học và THCS, 1 phòng của trường mẫu giáo bị tốc mái và hư hỏng. “Đây chưa phải là trận bão lớn so với các năm, nhưng thiệt hại lại dồn vào chủ yếu là các hộ nghèo, khó để khắc phục hậu quả. Có người mất cả đàn heo. Có người nuôi tôm sóng đánh vỡ bờ, trang trại, hoa màu vùi trong lũ” - ông Trinh chia sẻ.