Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng:

Bão chuyển hướng, chưa nên sơ tán dân

Bão chuyển hướng, chưa nên sơ tán dân
TPO - Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay, 1/11 về công tác đối phó với bão Cimaron.
Bão chuyển hướng, chưa nên sơ tán dân ảnh 1
Hướng di chuyển của bão số 7 tính đến 4h sáng nay, 1/11. Ảnh: Trung tâm KTTV T.Ư

Sau khi nghe báo cáo về những diễn biễn mới nhất xung quanh việc cơn bão Cimaron chuyển hướng đi về phía đông đảo Hải Nam và tiến vào lục địa Trung Quốc, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các tỉnh miền Trung tiếp tục có những biện pháp kiên quyết, cấp tập hơn nữa trong việc kêu gọi tàu thuyền đang đánh bắt tại các ngư trường xung quanh khu vực Bắc biển Đông, gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Đông Sa và vùng biển tiếp giáp Đài Loan, và những ngư trường ở vĩ độ từ 17 trở lên phải quay trở về đất liền ngay lập tức.

Đối với các tàu thuyền vẫn còn trên biển và hiện chưa liên lạc được thì lực lượng biên phòng, thủy sản cần tìm mọi biện pháp để liên lạc, hướng dẫn để đưa các tàu quay về nơi trú ẩn an toàn. 

“Với những diễn biến và hướng đi của bão hiện nay có thể cho phép ngư dân quay trở lại đánh bắt tại các ngư trường ở vĩ độ từ 12 trở xuống. Tuy nhiên, trước khi ra khơi các ngư dân phải được phép của lực lượng bộ đội biên phòng và phải liên tục liên lạc và theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết để nắm được hướng đi cũng như diễn biễn của cơn bão”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Thủy sản, Bộ Ngoại giao, bộ đội Biên phòng, lực lượng cứu nạn, cứu hộ tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng các phương án để thực hiện việc cứu hộ ngư dân trong trường hợp cần thiết.

Về công tác chuẩn bị đối phó với cơn bão của các lực lượng trên bờ, Phó Thủ tướng nhận xét các địa phương đã chuẩn bị tốt việc đối phó với bão số 7. Nhưng ông cũng yêu cầu Ban chỉ đạo tiếp tục liên lạc thường xuyên với các tỉnh để chuẩn bị các phương án sẵn sàng trong trường hợp bão đổ bộ vào đất liền.

Một vấn đề mà chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong công tác sơ tán dân ở các địa phương. Đến thời điểm này chưa nên sơ tán dân. Việc sơ tán chỉ nên thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Do hiện nay bão chưa vào đất liền nên một số địa phương đã cho học sinh nghỉ học thì để học sinh quay trở lại học bình thường”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý các địa phương ở phía Bắc từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh không được chủ quan trong công tác phòng chống bão dù hiện nay hướng đi của bão không cho thấy bão sẽ gây ảnh hưởng đến các khu vực này. Cơ quan Khí tượng thủy văn phải  có trách nhiệm đưa ra những cảnh báo trước 48 h nếu như bão số 7 có sự thay đổi và gây ảnh hưởng đến các khu vực phía Bắc.

Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ: Tài chính, Lao động… thực hiện có phương án cứu trợ cho người dân đồng thời phải quản lý chặt chẽ các khoản hỗ trợ cho người dân đảm bảo không để xảy ra các tiêu cực.

Theo báo cáo của Bộ Tham mưu – Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h sáng ngày hôm nay, 1/11, số tàu thuyền đã liên lạc được nhưng vẫn còn đang hoạt động trên biển tại các địa phương là 1.833 tàu thuyền (đến chiều qua còn 3.120) với 18.850 người (chiều qua là 30.320).

Số tàu thuyền đang hoạt động, tránh bão ở khu vực nguy hiểm là 106 tàu thuyền với 1.120 người. Số tàu thuyền vẫn chưa liên lạc được là 199 tàu thuyền với 1.464 người.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư cũng cho biết trước những diễn biễn của bão Cimaron, hồi 22h ngày hôm qua, 31/1, Ban Chỉ đạo đã có công điện khẩn số 69 yêu cầu Bộ Thương mại có biện pháp tăng cường cung ứng các loại vật liệu cho các tỉnh miền Trung phục vụ phòng, chống bão.

Trước đó Ban chỉ đạo cũng có công điện yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, TP: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bạc Liêu kiểm đếm toàn bộ số tàu thuyền và tìm mọi biện pháp kêu gọi về nơi trú, tránh bão. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Tổng Cty Dầu khí Việt Nam triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại các công trình thăm dò, khai thác dầu khí.

* Theo dự báo của Trung tâm KTTV T.Ư, đến 4 giờ sáng nay, 1/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ vĩ bắc; 116,4 độ kinh đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 620 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật trên cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển rất chậm theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 đến 10 km. Đến 4 giờ ngày 2/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 115,7 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 540km về phía đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 - 150km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 sẽ di chuyển chậm theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 đến 10 km. Đến 4 giờ ngày 3/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ vĩ bắc; 115,0 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 455km về phía đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Đông Sa và vùng biển tiếp giáp Đài Loan); vùng biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), có gió bão mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Khu bốn cũ có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.

MỚI - NÓNG