Báo chí thời… sôi sùng sục

Báo chí thời… sôi sùng sục
TP - Bức tranh toàn cảnh xã hội hiện thời đang được soi chiếu kỹ càng qua tấm gương khổng lồ là báo chí. Báo chí nhà nước, báo chí của các ban ngành, tổ chức đoàn thể, các địa phương.

Rồi vô số chuyên san, phụ san, đặc san được “cấy” dưới măng sét của nhiều tờ báo ngành, mà phương thức sản xuất điều hành mang bóng dáng của tư nhân, dù nhà nước chưa hề công nhận báo chí tư nhân.

Cũng không thể tránh không nhắc tới một loại hình tồn tại tất yếu, tạm gọi là “báo chí công dân”, tức các trang web, blog, facebook cá nhân...

Mỗi ngày, mỗi giờ, hàng vạn hình ảnh, thông tin, sự kiện lớn nhỏ đến cực nhỏ đều không thoát khỏi tầm phản chiếu nghiệt ngã của tấm gương khổng lồ ấy.

Bức tranh tâm thế xã hội đang quá nhiều mảng loang lổ, hoen ố, thậm chí rệu rã đang được truyền thông soi rọi đến từng chi tiết. Nhiều đến mức mệt mỏi. Mệt mỏi bởi quá ít tin vui.

Nhiều người được hỏi, đã nói thẳng không muốn đọc, muốn xem gì nữa, vì không muốn chuốc thêm sự mệt mỏi khi tâm thế và đời sống chính họ vốn đang trĩu nặng từng giờ.

Thế nhưng báo chí truyền thông vẫn cứ sôi sùng sục. Từ truy bám gắt gao các vụ tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, giải tỏa cưỡng chế đất đai, tiêu cực trong học hành, thi cử, thầy hãm hại trò, rồi thì lộ hàng, chân dài bán dâm, đâm chém, hiếp giết…

Cứ sùng sục, sốt sột từ tít bài nóng, hình ảnh nóng, phát ngôn nóng, những “phi vụ quăng bom” …, kể cả với những vấn đề chính trị xã hội quan trọng và nghiêm túc nhất. Trong khi đem lại cho người đọc quá ít niềm an ủi để hy vọng.

Không nóng thì không còn là báo chí. Chối bỏ hiện thực càng không phải là báo chí. Nhưng nhà báo trước khi phóng chiếu cho xã hội thấy về một vấn đề, có khi nào tự hỏi liệu mình đã cố gắng đến gần nhất sự thật chưa?

Và có cần chỉ “quăng” cho bạn đọc thật nhiều những sự thật đen tối trần trụi để gây sốc, mà cắt bỏ đi nhiều mảng sáng quanh nó?

Có khi nào chỉ ra sức moi những phát ngôn gây sốc, hớ miệng của ai đó để chụp mũ, miệt thị, kích thích dư luận xúm vào “ném đá”? Có nghĩ bạn đọc không chỉ cần thông tin, mà còn đang rất cần niềm vui sống?

Quy định đạo đức của tờ Los Angeles Times (Mỹ), bàn về độ chính xác của thông tin: “Chúng ta đang sống và làm việc trong một môi trường tràn ngập với những lời nói cường điệu phóng đại. Nhà báo có trách nhiệm phải tiếp cận trực tiếp chủ thể (được đề cập trong bài báo theo hướng không có lợi - NV) và nỗ lực thấu hiểu lý lẽ của họ. Chúng ta không tạo ra, thêu dệt hay bóp méo các lời trích dẫn…”.

Để có thể nhìn rộng ra, rằng nhà báo cần nỗ lực tiếp cận hơn nữa với đời sống, thấu hơn lý lẽ của đời sống để tránh thêu dệt hay bóp méo hiện thực. Một hiện thực đời sống không bao giờ chỉ toàn cái xấu, cái ác…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG