Muốn đi chơi phủ Tây Hồ ngày lễ ngày Tết cho đúng nghĩa, khách phải là người tiêu dùng cực thông thái. Ngay cửa ra vào, ban quản lý di tích phủ Tây Hồ phối hợp chính quyền địa phương làm rào chắn, bảng hướng dẫn lối đi xem ra khá cẩn thận. Nhưng ngay từ lối vào đã có “cạm bẫy”. Cảnh sát trật tự cùng vài người trong trang phục bảo vệ dân phố mặt lạnh tanh, cầm gậy ma trắc phất tay chỉ lối cho khách vào chỗ gửi xe.
Qua lối này, khách đối mặt nhân viên của không dưới hai chục nhà hàng nhào ra vẫy vào gửi xe, viết sớ, ăn uống v.v. Nếu không sợ những ánh mắt liếc xéo, nếu kiên quyết né những cú vồ đầu xe máy, khách sẽ được gửi xe miễn phí ở bãi gửi của UBND quận Tây Hồ cách đó gần 300m. Còn thì hàng loạt nhà hàng ngang nhiên mở dịch vụ trông xe máy giá 10.000 đồng/chiếc, không cần giấy phép, chỉ đơn giản là mẩu giấy không quy chuẩn, không dấu má mà nếu có lỡ mất xe, khách không biết kiện ai?
Dọc từ bãi gửi xe vào phủ, những “thầy đồ” thoạt nhìn dáng vẻ đạo mạo ngồi bên mực Tàu giấy đỏ luôn nhấp nhổm vẫy khách. Giá thường là 70.000 đồng/sớ. Nếu khách muốn cầu thêm tài lộc, bình an, nhân duyên v.v. thì mỗi tấm sớ đi kèm được bán với giá 40.000 đồng.
“Thầy đồ” có lẽ đều thuộc dạng tự phát, bởi chẳng nhẽ cả một phòng văn hóa của quận, rồi thì Sở Văn hóa của Thủ đô lại không đủ sức kiểm chứng xem những gì các thầy đồ viết đúng hay không. Ngữ pháp tiếng Hán cổ hay hiện đại, về cơ bản đều có trật tự có thể nói là ngược ngữ pháp Việt Nam. Nghĩa là người ta sẽ ghi tên nước, tên thành phố trước rồi mới đến tên phố, số nhà. Nhưng các thầy đồ ở đây thì lắm khi viết ra, lúc sau chính thầy không dịch nổi. “Kính chúc khách thập phương” nếu đúng chữ Tàu, người ta sẽ viết “Kính chúc thập phương nhân”. Người ta dùng chữ Hán nhưng ngữ pháp chữ Nôm.
Các nhà hàng quanh phủ Tây Hồ cũng có chiêu riêng, thực đơn không bao giờ ghi giá bên cạnh. Đĩa bánh tôm chừng chục con bé bằng ngón tay được tính 150.000 đồng, bát bún ốc lèo tèo cũng 80.000 đồng, bát ốc luộc 120.000 đồng. Một chàng trai nói giọng miền Nam bảo bạn gái: “Thôi em ạ, chắc là tôm ở Hà Nội người ta tẩm sâm đấy”. Cô bạn gái cũng nói giọng miền Nam, mặt thảng thốt không nói nổi câu gì khi nhìn hóa đơn gần nửa triệu bạc mà chủ quán đưa ra với khuôn mặt “hiển nhiên nó là vậy”.
Chẳng cứ phủ Tây Hồ, những lễ hội gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương v.v. năm nào cũng có chuyện tăng giá. Hỏi, người ta bảo: “Thông cảm, tết nhất nó phải thế”. “Nó” là cái gì, là thói chặt chém, bắt chẹt lẫn nhau? Đơn giản mỗi cái vé gửi xe bao năm vẫn không quản nổi, mỗi nơi mỗi giá bất chấp luật lệ.