Bánh giầy khổng lồ làm bằng bột và... mút xốp

Bánh giầy khổng lồ làm bằng bột và... mút xốp
Sáng 16/4, chúng tôi có mặt để chứng kiến người dân "mổ" chiếc bánh chưng. Bánh chưng đã vữa và lên men, có mùi khó chịu, còn bánh giầy bị mốc xanh, bên ngoài là một lớp mỏng bột, bên trong bánh hoàn toàn được làm bằng... mút xốp.

Sự kiện cặp bánh chưng - bánh giầy khổng lồ là lễ vật đặc biệt của nhân dân TPHCM, được đưa về đền Hùng trong dịp giỗ Tổ năm 2008 đã thu hút hàng vạn khách hành hương háo hức chờ đón.

14 giờ ngày 14/4, cặp bánh khổng lồ được hạ từ xe lạnh. Ông Nguyễn Tiến Khôi - Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng, Phó ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương năm 2008 tỉnh Phú Thọ - khẳng định:

"Ngày 15/4 (tức 10/3 âm lịch) sau khi dâng tiến các vua Hùng, hai lễ vật đặc biệt này sẽ được ban tổ chức cắt, chia đều cho khách hành hương về dự lễ và thưởng lộc".

Tuy nhiên, không như dự kiến, hai chiếc bánh khổng lồ đã không được cắt trong ngày 10/3 để "chia lộc" cho con cháu về nguồn, do bánh giầy bị... mốc. Ban tổ chức đã cho di dời hai chiếc bánh về đặt tại sân UBND xã Hy Cương.

Sáng 16/4, chúng tôi có mặt để chứng kiến hàng chục người dân trong xã "mổ" chiếc bánh chưng. Bánh chưng đã vữa và lên men, có mùi khó chịu, còn bánh giầy bị mốc xanh, bên ngoài là một lớp mỏng bột, bên trong bánh hoàn toàn được làm bằng... mút xốp.

Anh Hoàng Hữu Nghị - Phó ban Công an xã Hy Cương - một tay cầm con dao dài 25 cm thọc sâu vào trong ruột bánh và xẻ xung quanh, tay kia rút ra miếng xốp dày 20 - 25 cm.

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Hữu Trung - Phó giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen, đơn vị làm ra hai chiếc bánh - cho biết bánh giầy mang ra Phú Thọ nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương được công bố nặng gần 1 tấn, khối lượng này tính luôn cả khung sườn (bằng sắt) và đế của chiếc bánh. Còn riêng khối lượng nguyên liệu làm bánh (bột nếp) xấp xỉ 500 kg.

Liên quan đến chi tiết vì sao trong ruột bánh giầy có nhiều mút xốp, ông Trung cho biết việc sử dụng loại vật liệu này đặt trong lòng chiếc bánh giầy nhằm tạo hình dáng ban đầu cho bánh, sau đó mới đắp bột nếp lên xung quanh khối mút xốp để tạo thành chiếc bánh giầy.

Theo ông Trung, cách làm này những năm trước đã tiến hành, chỉ có điều năm nay khối lượng bột nếp ít hơn.

Cũng theo ông Trung, bánh giầy năm nay bị mốc phần mặt có thể do thời tiết nóng. Ông Trung cho rằng không nên cắt bánh giầy vì thực chất đây là khối bột nếp, mang ý nghĩa tượng trưng cho một lễ vật truyền thống dâng cúng nhân ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương hơn là để phục vụ người dân thưởng thức bánh giầy khổng lồ.  

Theo Q. Hội - G.Hương
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG