Bangladesh cam kết góp nhiều quân nhất

Bangladesh cam kết góp nhiều quân nhất
TP - Sau một ngày thảo luận, hội nghị bàn về đóng góp cho đội quân giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc với sự tham dự của 50 quốc gia và tổ chức đã bế mạc hôm qua, 18/8. Bangladesh đã cam kết đóng góp nhiều nhất với 2.000 quân.
Bangladesh cam kết góp nhiều quân nhất ảnh 1
Lính Chính phủ Li băng triển khai xuống miền Nam gần biên giới với Israel.

Nước được chờ đợi sẽ đóng góp nhiều quân nhất là Pháp để có thể đảm trách vai trò lãnh đạo đội quân chỉ cam kết được 400 quân, trong đó có 200 quân đã có sẵn trong lực lượng lâm thời LHQ ở Libăng (UNIFIL) từ năm 1978.

Bangladesh cam kết đóng góp nhiều nhất với 2.000 quân, chiếm gần 2/3 tổng số quân mà LHQ muốn huy động đợt đầu.

Theo các quan chức LHQ, Bangladesh sẽ đưa tới Libăng 2 tiểu đoàn cơ giới, Indonesia một tiểu đoàn cơ giới và một đại đội kỹ thuật, Malaysia cam kết gửi tới 1 tiểu đoàn cơ giới, Nepal 1 tiểu đoàn bộ binh được cơ giới hóa.

Số quân được biên chế trong một tiểu đoàn tùy từng nước có khác nhau nhưng nói chung khoảng từ 600 đến 1.000 quân.

Tại hội nghị, Đại sứ Liên hiệp Anh tại LHQ Emyr Jones Parry công bố phần đóng góp của London vào đội quân giữ gìn hòa bình quốc tế ở miền nam Libăng chỉ hoạt động trong hai lĩnh vực hải và không quân.

Theo đó, Anh sẽ huy động 6 máy bay chiến đấu Jaguar, 2 máy bay trinh sát cảnh báo sớm AWAC và 1 hải đội tàu tuần dương. Ngoài ra Anh sẵn sàng cung cấp căn cứ hải quân của mình tại quốc đảo Síp để hỗ trợ cho các hoạt động của đội quân giữ gìn hòa bình LHQ tại Libăng.

Đại sứ Đức tại LHQ Thomas Matussek chỉ cam kết góp phần tuần tra bảo vệ trên biển ngoài khơi Libăng giúp ngăn cản mọi sự thẩm lậu vũ khí từ nước ngoài vào Libăng.

Ngoài ra Đức cũng gửi đến Libăng một số ít nhân viên hải quan, cảnh sát và nhân viên bảo vệ biên giới khu vực giữa Libăng và Syria.

Đan Mạch cam kết gửi 2 tàu tuần dương tới Libăng trong khi Ý, Tây Ban Nha, Aicập, Bỉ, Marốc cho biết còn đang nghiên cứu kế hoạch hoạt động của lực lượng giữ gìn LHQ tại Libăng cũng như bản dự thảo về qui định hoạt động của đội quân quốc tế này trước khi đưa ra cam kết cụ thể.

Riêng Hoa Kỳ không tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ tại Libăng. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Trung Đông David Welch cho biết: Hoa Kỳ không tham gia đội quân này vì lịch sử quan hệ Mỹ –Libăng không tốt đẹp.

Phó Tổng Thư ký LHQ Mark Malloch Brown thông báo tại hội nghị nói trên rằng trong khoảng 10 ngày tới LHQ sẽ có khoảng 3.500 lính quốc tế được bổ sung vào 2.000 quân UNIFIL hiện đang làm việc ở nam Libăng.

Ông Malloch Brown cho biết bản dự thảo qui định hoạt động của đội quân LHQ lần này cho phép sử dụng vũ lực trong các trường hợp phải ngăn chặn những hành động thù địch, những âm mưu cản trở hoạt động của lực lượng LHQ tại vùng đệm giữa Israel-Libăng.

Dự thảo qui định cũng cho phép UNIFIL sử dụng vũ lực để trợ giúp Chính phủ Libăng trong trường hợp Chính phủ này yêu cầu hỗ trợ việc đảm bảo an ninh biên giới nhằm ngăn chặn các âm mưu đưa bất hợp pháp người, vũ khí, đạn dược từ nước ngoài vào Libăng.

Phó Tổng Thư ký LHQ Malloch Brown khẳng định lực lượng giữ gìn LHQ ở nam Libăng sẽ không có vai trò giải giáp trên qui mô lớn đối với Hezbollah. Lực lượng này chỉ giữ vai trò như cảnh sát trong việc bảo vệ  hiệp định chính trị đã được thỏa thuận giữa Hezbollah và Chính phủ Libăng về việc giải giáp mà thôi.

Một số quốc gia khác tuy tham gia hội nghị nhưng chưa đưa ra cam kết cụ thể nào có thể là do còn sợ phải đối đầu với Hezbollah hoặc e ngại rơi vào khả năng bị mắc kẹt nếu trong thời gian tới lại xảy ra xung đột giữa Israel và Hezbollah.

Đ.P
Theo AP

MỚI - NÓNG