Chỉ còn một năm nữa, Bộ GD&ĐT bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học để đáp ứng chương trình mới đang gặp không ít khó khăn.
Hiện cả nước có gần 400 nghìn giáo viên tiểu học, TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết có ba trở ngại bồi dưỡng giáo viên, cụ thể: Việc điều động giáo viên chưa vào biên chế, chủ yếu là giáo viên môn chuyên như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật tham gia bồi dưỡng, nhất là khi tỉ lệ chưa vào biên chế chiếm 15%. Nhóm giáo viên sẽ về hưu 5-7 năm tới, chiếm tới gần 10%. Trình độ của giáo viên môn chuyên không cao.
Ông Nguyễn Thúc Sinh, Phó Trưởng phòng phụ trách Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng, giáo viên tiểu học mới chỉ chủ yếu dạy kiến thức đang có ở sách giáo khoa. Cấp quản lý hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn mới kiểm tra việc đánh giá giáo viên thông qua việc dạy có hết bài hay không, chứ chưa có động thái kiểm tra dạy phát triển năng lực.
Hơn nữa, giáo viên, quản lý vẫn đánh giá theo cách cũ đã ảnh hướng đến tuyển sinh đầu vào lớp 6 vẫn coi trọng điểm số. Điều này cản trở triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán giáo dục phổ thông mới hết sức phê phán cách học và thi cử như hiện nay và cho rằng sẽ không thay đổi được giáo dục.
GS Thái cho rằng: "Ngày xưa ông học rất giỏi cũng không thể làm được như vậy. Chúng ta đang làm “hàng fake” từ nhỏ”.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái nhận định thi cử còn áp lực như hiện nay thì việc học sẽ vẫn như vậy. Cũng trong tuần trước, ông thấy thi vào lớp 6 của Trường THCS Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, khó ngang với tuyển sinh vào ĐH Harvard. “Chúng ta còn học như thế thì không bao giờ thay đổi được giáo dục”, ông nói.
Nhìn nhận thực tế, danh sách thi vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, số thí sinh tham gia thi có điểm tổng kết từ lớp 1 đến lớp 5 toàn điểm 10. “Ngày xưa, tôi học rất giỏi nhưng cũng không làm được như vậy. Chúng ta đang làm “hàng fake” từ nhỏ”, ông Thái nói.
GS Thái cho rằng, điều quan trọng nhất không phải dạy học sinh biết mà phải biến cái biết đó thành cái gì. Kiến thức không mất đi mà phải biến thành hành động. Nếu kiến thức chỉ phục vụ cho kỳ thi là không ăn thua.
Tại một cuộc hội toạ đàm về giáo dục mới đây, nhiều đại biểu nhận định, giáo dục Việt Nam thuộc dạng kém nhất thế giới chứ không phải tiên tiến nhất thế giới. Nếu không có sự thay đổi, 5 năm nữa chúng ta sẽ ngày càng tụt hậu.
Mâu thuẫn lớn trong giáo dục phổ thông hiện nay là một mặt ta lên án bệnh học vẹt, học vì mảnh bằng và luôn hô hào cải tiến phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, học đi đôi với hành… Mặt khác vẫn duy trì cách thi cử cổ lỗ, khiến việc dạy thêm, học thêm còn tràn lan. Những việc đó, cộng thêm chương trình và sách giáo khoa bất cập, là nguyên nhân trực tiếp tạo ra nếp dạy và học lạc hậu trong nhà trường; khiến giáo dục lún sâu vào xu hướng hư học, đi ngược hẳn các phương châm giáo dục tiến bộ.
Minh chứng là vụ việc gian lận thi cử đình đám vẫn chưa được xử lý dứt điểm tại Hà Giang, Sơn la, Hoà Bình...thời gian qua đang khiến xã hội mất niềm tin vào giáo dục.
PGS.TS Phan Thanh Bình cũng cho rằng khi nào không còn văn mẫu, học sinh không ngại nói khác những điều giáo viên truyền đạt thì giáo dục mới khác được.