Tham dự buổi Tọa đàm có Ban Giám hiệu các trường: THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, Tiểu học Thái Thịnh, Tiểu học Trung Hòa, Tiểu học Nam Trung Yên và Ban Lãnh đạo Trung tâm Ngoại ngữ E-connect.
Mục đích của buổi Tọa đàm nhằm tạo cơ hội cho Ban Giám hiệu các trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức và triển khai Đề án tăng cường tiếng Anh cho học sinh (theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) để từ đó nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học tại các trường.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, cho biết: “Đến nay, Đề án tăng cường tiếng Anh cho học sinh của trường Phan Huy Chú - Đống Đa đã được Sở cấp phép, đưa vào giảng dạy đại trà cho toàn bộ học sinh khối 10 và các lớp Chất lượng cao khối 11, khối 12, bước đầu có những thành công nhất định.
Để đạt được những thành công đó, Ban Giám hiệu nhà trường và Trung tâm Ngoại ngữ E-connect đã trải qua rất nhiều khó khăn và thách thức, từ việc thuyết phục các giáo viên, phụ huynh và các em học sinh cho đến việc sắp xếp lịch học, số lượng học sinh và thời lượng sao cho phù hợp để đảm bảo chất lượng dạy và học.
Khó khăn lớn nhất là tình trạng con số đăng ký học ít dần khi vào năm học do nhà trường triển khai với tinh thần tự nguyện và các giờ học tiếng Anh được xếp vào giờ học trái ca. Thế nhưng, Ban Giám hiệu nhà trường và Trung tâm Ngoại ngữ E-connect đã phối hợp giải quyết tốt.
Sau gần một năm triển khai Đề án, bà Nguyễn Thị Nhiếp đã đúc kết một số kinh nghiệm để chia sẻ cùng các đồng nghiệp.
“Trước tiên là phải xác định rõ mục tiêu để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền bền bỉ tới nhiều đối tượng (học sinh, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhân viên,…), áp dụng nhiều hình thức khen thưởng, tổ chức các cuộc thi, các chương trình ngoại khóa…".
"Phải triển khai đại trà và đồng bộ để nâng cao hiệu quả về môi trường ngôn ngữ, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời”.
Tặng quà Giáng sinh tại Trường Tiểu học Trung Hòa
Đồng tình
Các giáo viên và Ban Giám hiệu các trường đều rất đồng tình về việc cần phải triển khai đồng bộ Đề án và cùng trao đổi về kinh nghiệm thực tế áp dụng tại trường mình.
Cô Nguyễn Linh Chi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Thịnh, cho biết: “Những lời chia sẻ của cô Nhiếp và các đồng nghiệp đã khẳng định chất lượng đào tạo của E-connect. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Trung tâm ngay sau khi hết năm học này”.
Chương trình học, chuyên môn nghiệp vụ của các giáo viên và trợ giảng là hai vấn đề quan tâm hàng đầu của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trung Hòa khi đưa Đề án vào thực hiện.
Bà Trần Thị Phúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Hòa cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi khi thực hiện Đề án là nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống và tổ chức các hoạt động ngoại khóa sôi nổi cho học sinh. Bên cạnh đó là tuyển chọn học sinh có chất lượng cho đội tuyển tiếng Anh của trường.”
Đại diện Trường Tiểu học Nam Trung Yên, bà Nguyễn Thị Hương, cho rằng: “Chỉ trong hai ngày lấy ý kiến, toàn bộ giáo viên và phụ huynh học sinh đều đồng tình ủng hộ thực hiện Đề án”.
Cô cũng bày tỏ nguyện vọng gặp gỡ và học hỏi kinh nghiệm tổ chức thực hiện Đề án từ Ban Giám hiệu các trường, đặc biệt là Trường Tiểu học Trung Hòa.
Ban Giám hiệu Trường THCS Trung Hòa, THCS Láng Hạ và Tiểu học Nghĩa Đô dù chưa có điều kiện tham gia Tọa đàm nhưng cũng đều đánh giá cao việc hợp tác với Trung tâm Ngoại ngữ E-connect trong việc đào tạo tiếng Anh tăng cường cho học sinh.
Hiện nay, Trung tâm Ngoại ngữ E-connect đang hợp tác giảng dạy tiếng Anh với 100% giáo viên bản ngữ tại các trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, THCS Láng Hạ, THCS Trung Hòa, Tiểu học Trung Hòa, Tiểu học Nghĩa Đô và Tiểu học Nam Trung Yên.
Trong đó, Đề án tại trường Phan Huy Chú - Đống Đa đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thẩm định và cấp phép.
Sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo ra toàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.