Bàn tròn trực tuyến với sinh viên

Bàn tròn trực tuyến với sinh viên
TPO - Sinh viên Việt Nam sẽ “rèn đức, luyện tài” ra sao trước đòi hỏi lớn lao của đất nước? Những trăn trở, hoài bão và khát vọng của họ sẽ được chia sẻ trên Tienphong Online cùng bạn đọc cả nước vào 14 giờ chiều nay 13/2.

>> Đặt câu hỏi và theo dõi Bàn tròn trực tuyến tại đây

Cùng với anh Vũ Thanh Mai - Ủy viên thường vụ Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, sáu bạn trẻ là đại biểu dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII sẽ tham dự bàn tròn trực tuyến với chủ đề: Trí thức trẻ tương lai trước vận hội đất nước, do báo Tiền Phong tổ chức vào hồi 14 giờ, thứ Sáu, ngày 13/2.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể vào đây để nêu quan điểm về vấn đề này, cũng như đặt câu hỏi cho các vị khách mời.

Bàn tròn trực tuyến với sinh viên ảnh 1
Các gương mặt sinh viên ưu tú trong và ngoài nước tham dự bàn tròn trực tuyến trên Tiền phong Online.

Nữ tổng thư ký UEVF

Bàn tròn trực tuyến với sinh viên ảnh 2
Trần Ngọc Oanh

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương loại giỏi, Trần Ngọc Oanh (SN 1983) được Chính phủ Pháp cấp học bổng chương trình thạc sĩ tại Đại học Paris-Dauphine (trường Paris 9).

Hoàn thành khóa học, Oanh tiếp tục được Chính phủ Pháp cấp học bổng cho chương trình Tiến sĩ, chuyên nghành Tài chính tại trường đại học nổi tiếng trong đào tạo các ngành kinh tế, tài chính như Paris 9.

Sang Pháp được khoảng hơn 2 năm, Ngọc Oanh đã được tín nhiệm bầu làm Tổng thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF).

“Nhiều người hỏi vui, sao "thăng quan tiến chức" nhanh thế, mình cười bảo rằng, đều do may mắn được quen biết và làm việc với các anh chị đi trước. Vì thế, vị trí trên đối với mình cũng rất… tự nhiên thôi. Phải làm đã” - Oanh nói.

Oanh là một trong số những du học sinh đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII.

Thành công sẽ đến trên con đường nỗ lực

Bàn tròn trực tuyến với sinh viên ảnh 3
Nguyễn Xuân Tú

Nếu ví mỗi con người là một đoàn tàu thì thành công sẽ đến ở một ga nào đó trên đường ray mang tên nỗ lực. Ý thức được điều đó, Nguyễn Xuân Tú (SN 1986) - Cử nhân kinh tế quốc tế, Fontys University of Applied Scienced, Eindhoven, Hà Lan, Phó Chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam tại Hà Lan luôn không ngần ngại cất bước trên những chặng đường dài.

Vì thế, đang là sinh viên năm 2, ngành cử nhân kinh tế đối ngoại, khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tú quyết định lên đường sang Hà Lan du học.

Mồ hôi đổ xuống… giảng đường, Tú đã gặt hái được những thành công xứng đáng. Đó là bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan về thành tích xuất sắc trong các hoạt động cộng đồng.

Đó là 12 năm học đạt danh hiệu học sinh xuất sắc ở bậc THPT;

Đó là những tấm huy chương vàng cờ vua (thành viên của của đội tuyển cờ vua CLB Quân Đội) khi thi quận Ba Đình (Hà Nội) và toàn quốc.

Đó là bằng khen về những hoạt động cộng đồng.

Nhưng Tú bảo, thành công lớn nhất của cuộc đời vẫn còn nằm ở những ga phía trước, nên phải tiếp tục nỗ lực... 

Chẳng có gì là không thể

Bàn tròn trực tuyến với sinh viên ảnh 4
Chu Lê Trung

Chu Lê Trung, 23 tuổi; Đảng viên trẻ; Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thăng Long Hà Nội; giải nhất sinh viên thanh lịch khối các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập năm 2006; thủ lĩnh của một số CLB, giải vàng, đồng thời đạt giải nhì cuộc thi Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ tháng 12/2008.

Ngay sau khi là sinh viên, năm 2004, Chu Lê Trung đã hăng hái tham gia các hoạt động của Đoàn, Đội, đặc biệt trong phong trào tình nguyện. Vì những thành tích ấn tượng, Trung được trao bốn bằng khen của Hội sinh viên thành phố Hà Nội, ba bằng khen của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam.

“Hoạt động tình nguyện không chỉ là sinh viên giúp đỡ sinh viên mà chính bản thân mỗi người thấy nhanh trưởng thành và cứng cáp hơn”.

Từ trong hoạt động, phong trào, bạn bè thấy một Chu Lê Trung đa năng, vừa làm MC, vừa tổ chức chương trình của trường, kiêm khâu quản lý. Trung thổi vào những hoạt động tình nguyện nhiều làn gió sáng tạo, có dấu ấn riêng.

Về dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII, Trung mang tới tham luận đóng góp ý kiến về vấn đề sinh viên học và nghiên cứu khoa học.

Trong tham luận, Trung nhấn mạnh tới mối quan hệ chặt chẽ và vai trò của nghiên cứu khoa học trong sinh viên, tính khả thi ứng dụng của các đề tài nghiên cứu.

“Thay đổi nhận thức trong nghiên cứu khoa học là việc sinh viên cần làm. Học đại học là tự nghiên cứu, nó giúp mỗi sinh viên tiếp nhận kiến thức chủ động, dễ dàng hơn và nên có những mục tiêu rõ ràng trong học tập và nghiên cứu. Nếu cố gắng và đam mê thì chẳng có gì là không thể” - Trung nói.

Học giỏi, viết báo hay, hoạt động tình nguyện đầy nhiệt huyết

Bàn tròn trực tuyến với sinh viên ảnh 5
Hoàng Hà Phương

Nhỏ nhắn, dễ thương, ít ai biết rằng, cô gái có số điểm tổng kết thuộc hàng đỉnh của Đại học Dược Hà Nội - Hoàng Hà Phương lại luôn bùng nổ những ý tưởng về hoạt động Đoàn, Hội.

Phương học giỏi. Là học sinh chuyên Toán nhưng lại giật giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý từ năm lớp 11. Năm 2004, Phương nhận cùng lúc ba giấy gọi nhập học từ các trường Học viện Báo chí Tuyên truyền, Đại học Hà Nội và Đại học Dược.

Vào Đại học Dược, Phương vẫn duy trì phong độ với thành tích học tập rất đáng nể. Điểm tổng kết bốn năm học đạt 8,4, cao nhất toàn khoá K59. Phương liên tục được trao các danh hiệu sinh viên xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học, được nhận học bổng của Cty Dược phẩm BT Việt Nam, học bổng của Ngân hàng Viettin Bank.

“Dược là nghề tay phải và viết báo sẽ là nghề tay trái”, không ít người bất ngờ trước chia sẻ của Phương. Đã có thâm niên 5 năm viết bài cho Đài tiếng nói Việt Nam và hiện tại là biên tập viên tờ Biệt dược - tờ báo của sinh viên Đại học Dược.

Học giỏi, viết báo hay, và hoạt động tình nguyện đầy nhiệt huyết, đó là những cụm từ bạn bè thường nói khi nhắc tới tên Hà Hoàng Phương.

Là sinh viên năm nhất, Phương đã lên Hà Giang cùng đoàn tình nguyện khám chữa bệnh và phát thuốc cho người nghèo. Năm thứ hai, Phương về các huyện ngoại thành Hà Nội làm tình nguyện. Năm thứ ba, Phương cùng các bạn đến Hoà Bình trồng cây thuốc nam.

“Càng đi càng thấy mình cần phải học nhiều hơn nữa mới có thể giúp được mọi người nhiều hơn” - Đó là điều mà Phương đúc rút từ những chuyến đi vào lòng cuộc sống.

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Bàn tròn trực tuyến với sinh viên ảnh 6
Trần Vĩnh Sơn

Nếu là con chim, là chiếc lá/Chim phải hót, lá phải xanh/Lẽ nào vay mà không trả/Sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình.

Đó là phương châm sống của Trần Vĩnh Sơn - Sinh viên năm thứ tư trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM.

Không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập để cống hiến, Sơn cũng nhận được rất nhiều từ cuộc sống: Giải nhất và nhì Olympic Sinh viên môn Vật lý toàn quốc năm 2005; giải nhì và ba Olympic Sinh viên Vật lý toàn quốc năm 2006; giải thưởng “Sao tháng giêng” của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; bằng khen của T.Ư Đoàn trong chiến dịch mùa hè xanh năm 2007; sinh viên 3 tốt năm 2006, 2007, 2008; danh hiệu sinh viên tiêu biểu trong phong trào “Học tập và làm theo lời Bác” năm 2008 trường Đại học Khoa học Tự nhiên; nhận học bổng Odon vallet, Sumitomo, Mitsuba …..

“Mình là người sôi nổi, nhiệt tình với bạn bè và trong công tác xã hội. Những mùa hè xanh đi tình nguyện, được sống, sẻ chia và nhận những tình cảm chân thành của các em thiếu nhi, của người dân địa phương mà thấy vui vì thấy mình có ích” - Sơn tâm sự.

Về dự đại hội lần này, Sơn mong muốn cùng các đại biểu khác xây dựng được định hướng cho phong trào sinh viên trong giai đoạn đất nước hội nhập, từ đó phát huy được sức trẻ, năng động, sáng tạo và trí tuệ của sinh viên trong học tập, cũng như xây dựng đất nước.

Luôn tin tưởng

Bàn tròn trực tuyến với sinh viên ảnh 7
Phạm Yên Khang

“Cuộc sống là một chuỗi các thử thách mà không còn cách nào khác là mình phải vượt qua nó! Vì thế, tôi luôn lạc quan và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn” - Phạm Yên Khang - Sinh viên Đại học Sư phạm - Đại học Huế quan niệm.

Xin được trích những dòng tâm sự của Khang:

"Tôi là con thứ 4 trong gia đình có 4 chị em ở vùng quê nghèo bên dòng sông Gianh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Mẹ tôi là giáo viên cấp 2, bố đi bộ đội, từng đặt chân đến nhiều chiến trường ác liệt.

Cứ tưởng cuộc sống sẽ diễn ra một cách êm đềm nhưng đâu ngờ…Bố tôi mãi ra đi sau một tai nạn khi tôi mới 2 tuổi. Giờ đây, bao sự vất vả đều đặt lên vai mẹ.

Để giúp mẹ, sau mỗi giờ học, tôi lên rừng hái củi hay ra đồng. Cuộc sống khó khăn buộc các chị sau khi học xong cấp 2 phải vào Nam kiếm sống. Một mình mẹ lại phải tần tảo nuôi tôi ăn học. Mỗi ngày, tôi đạp xe 10 cây số đến trường. Tôi luôn cố gắng, vì mẹ.

Kết quả học tập, rèn luyện đã đáp lại những cố gắng của tôi và sự trông mong của mẹ. Nhiều năm đạt học sinh giỏi, tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi và đã đạt giải nhì, giải ba môn Toán, Hoá. Năm lớp 12, tôi còn vinh dự nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Hoá của tỉnh.

Ngoài học tập, tôi cũng tham gia các hoạt động. Suốt 3 năm làm lớp trưởng (nếu tính đến bây giờ là trọn 16 năm liên tục làm lớp trưởng, tôi tự hào vì điều đó), tôi luôn được thầy cô, bạn bè yêu mến.

Ngày nhận được giấy báo nhập học với số điểm 28, không khí gia đình tôi khác hẳn. Người vui nhất là mẹ.

Những kết quả tôi đạt được: Điểm trung bình cao nhất khối của Khoa, giải nhì hội thi Olympic Hoá học sinh viên toàn quốc, giải thưởng “Sao tháng Giêng” của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, là một trong 20 sinh viên tiêu biểu, được T.Ư Hội sinh viên Việt Nam tặng danh hiệu “Sinh viên Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”…

Đó mới chỉ là bước đệm ban đầu. Cuộc sống với bao thách thức đang chờ tôi phía trước. Nhưng tôi luôn tin tưởng rằng: Dù khó khăn đến đâu tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua và đạt được ước mơ trở thành giáo viên giỏi, góp sức nhỏ bé vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

MỚI - NÓNG