Ngày 23 tháng Chạp hằng năm các gia đình cúng ông Công ông Táo và dọn dẹp ban thờ gia tiên, sau nghi thức hóa vàng là hoạt động thả cá chép. Để tránh tình trạng người dân thả cá cùng túi nilon và đồ thờ cúng khác làm ô nhiễm môi trường, từ năm 2013 các bạn học sinh, sinh viên thành phố Hà Nội thành lập nhóm Cá chép và phát động phong trào “Đường Táo quân - thả cá không thả túi nilon".
Đây là hoạt động được tổ chức hằng năm nhằm giúp đỡ, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo về nguồn nước. Các tình nguyện viên sử dụng thùng nhựa và dây thừng dài làm “thang máy” đưa cá từ cầu Long Biên xuống sông Hồng, đảm bảo an toàn cho cá đến khi tiếp xúc với mặt nước.
Chia sẻ về hoạt động của mình, bạn Nguyễn Đức Toàn, Trưởng nhóm Cá chép cho biết, chương trình được khởi động từ năm 2013. “So với các năm trước, năm nay nhóm phải hạn chế số lượng thành viên tham gia để đảm bảo phòng chống dịch COVID – 19. Bên cạnh hoạt động thả cá, chúng em còn tuyên truyền người dân đeo khẩu trang, giữ đủ khoảng cách an toàn”, Toàn nói.
Nhiều năm nay tin tưởng giao cá cho nhóm bạn trẻ thả giúp, bà Nguyễn Thị Hồng (75 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là hoạt động thiết thực, vừa có ý nghĩa để bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Người dân cũng không phải mất công tìm kiếm địa điểm thả cá”.
Cá chép được bỏ vào trong thùng trước khi được đưa xuống mặt sông...
Bằng cách này cá sẽ không bị chết do va đập mạnh với mặt nước, đảm bảo an toàn cùng ông Công ông Táo lên chầu trời. Ảnh: Đức Văn
Không chỉ thả cá, bạn trẻ còn thu gom túi nilon, đồ thờ cúng để đưa đi xử lý tập trung. Thông điệp các bạn muốn truyền tải là "Thả cá đừng thả túi nilon". Ảnh: Đức Văn
Tuy nhiên, tại khu vực chân cầu Long Biên một nhóm người xuất hiện thường xuyên, dùng lưới bắt lại lượng lớn số cá vừa được thả xuống bất chấp ngăn cản khiến người dân bức xúc.