Tiếng gọi “bố” “mẹ” lơ lớ các bạn trẻ đến từ bên kia bán cầu mở đầu cho chiến dịch tình nguyện suốt 3 tháng liền tại Yên Mông. Trước đó, suốt chặng đường từ Hà Nội đến Hòa Bình, bạn trẻ Canada tranh thủ học cách phát âm từ Việt đơn giản để có thể hòa đồng ngay với gia đình họ sẽ ba cùng trong những tháng tới.
Xe dừng bánh, TNV ùa xuống tìm gia đình mình, trong khi các ông bố, bà mẹ ở Yên Mông vội xách túi, cầm hộ đồ cho các con đã vượt nửa vòng trái đất để đến với xóm nghèo. Không biết tiếng Anh, bác Nguyễn Văn Cảnh nhờ TNV Việt Nam dịch cho bác trò chuyện, thăm hỏi các con đến từ Canada rằng có mệt, có hợp khí hậu và đồ ăn không?
Nữ sinh Sophie Gariepy đề nghị chụp ảnh với gia đình mẹ nuôi ngay khi mới gặp mặt để làm kỷ niệm. Sophie vừa tốt nghiệp THPT đã đăng ký đến Việt Nam làm tình nguyện rồi mới tính hướng đi tiếp trong tương lai. Em cho biết, ban đầu chỉ mẹ đồng ý, còn bố rất lo lắng. Trước khi đi, em đã tìm mua các cuốn sách nói về Việt Nam để tìm hiểu về con người và văn hóa.
Lê Thị Hà, sinh viên ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), một trong những TNV được phía Việt Nam tuyển chọn tham gia chiến dịch, chia sẻ: “Mình từng làm tình nguyện tại các huyện nghèo, nhưng đợt này sẽ là trải nghiệm tuyệt vời vì chương trình kéo dài và có các bạn Canada”. Hà vừa tốt nghiệp ĐH loại giỏi, chưa lo kiếm việc ngay để tham gia chiến dịch. Hà sẽ sống cùng nhà với Sophie trong một gia đình.
Không ngại khó
Khi được hỏi đến sống với đồng bào dân tộc ở vùng xa còn nhiều khó khăn so với điều kiện tiện nghi ở quê nhà các bạn có lo lắng không, Oliver Madore, thành viên ít tuổi nhất trong nhóm TNV, nói: “Em nghĩ sẽ có nhiều trở ngại nhưng cũng không chuẩn bị gì nhiều. Chúng em sẽ thích nghi nhanh nếu biết chia sẻ với người dân ở đây”. Đến Việt Nam mới 3 ngày, nhưng Oliver đã học được khá nhiều từ tiếng Việt. Có thời gian, Oliver lại nhờ TNV Việt Nam dạy tiếng Việt. Nhờ đó, gia đình tiếp nhận Oliver rất tự hào vì có con giỏi tiếng Việt nhất. “Em hi vọng sẽ nói được những câu cơ bản trong tiếng Việt và dạy được nhiều tiếng Anh cho bạn trẻ ở đây”, Oliver tâm sự.
Từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện ở Canada, Philip Kendini cho biết nhóm TNV đã được tập huấn và thực hành về mọi hoạt động nên không thấy quá khó khăn. “Chưa có nhiều thời gian để hiểu thêm điều kiện sống của người dân ở đây. Tuy nhiên, nếu có khó khăn họ mới cần tới Philip. Chúng em đến đây để giúp đỡ họ mà”, Philip nói.
TNV Canada giao lưu trong ngày đầu ở Yên Mông. Ảnh: Nguyễn Hà |
Người dân Yên Mông chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, sống bằng nghề nông và đi rừng. Ông Hà Văn Huy, Chủ tịch xã Yên Mông, bày tỏ tin tưởng với sức trẻ, TNV sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân, nâng cao trình độ văn hóa cho trẻ em nơi đây.
Nhà chị Nguyễn Thị Khanh ở lưng chừng núi xóm Mời Mít là gia đình xa nhất có TNV đến ở. Chị cho biết, hôm nay cả nhà dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa để đón thành viên mới. Chị hơi lo lắng vì nghĩ TNV ăn uống không hợp khẩu vị.
Trưởng ban Quốc tế (T.Ư Đoàn) Phạm Thị Phương Chi cho biết, ngoài việc giúp địa phương, chương trình còn có ý nghĩa thiết thực khi TNV hai nước có cơ hội học hỏi, chia sẻ lẫn nhau về kỹ năng tình nguyện. Theo chị Chi, việc chỉ chọn một địa phương để thực hiện chiến dịch với nhiều nội dung suốt thời gian 3 tháng cũng nhằm tạo sự gắn kết, tạo chuyển biến rõ nét cho nơi này.