Cháu năm nay 24 tuổi bạn trai cháu 28 tuổi. Chúng cháu yêu nhau được 5 năm rồi. Gia đình 2 bên đã biết, nhưng gia đình cháu không cho chúng cháu tiến tới hôn nhân vì anh ấy là con một và tuổi chúng cháu không hợp. Cháu cũng đã phản đối quyết định của ba mẹ cháu nhưng vẫn không làm thay đổi được. Cháu rất buồn và lo. Trong khi đó ba mẹ anh ấy lại bắt anh ấy lấy vợ trong năm sau. Cháu có hỏi anh sẽ định như thế nào thì anh ấy trả lời nếu ba mẹ cháu năm sau không chịu, anh ấy sẽ cưới người khác để chiều lòng ba mẹ anh ấy.
Bây giờ cháu không biết làm sao cho phải giữa tình và hiếu cháu không biết làm sao cho hài hòa nữa. Cháu không muốn mất đi tình yêu cũng không muốn phật lòng ba mẹ. Cháu định 2 đứa sẽ từ từ thuyết phục ba mẹ cháu, nhưng anh ấy vẫn giữ ý định năm sau lấy vợ theo ý của ba mẹ anh ấy. Cô ơi cô cho cháu một lời khuyên cháu có nên tiếp tục tình yêu này hay không? Cháu đang rất khó xử.
le thanh ngoc - lethanhngoc@
Chào bạn,
Nếu bạn không muốn mất đi tình yêu thì câu hỏi của bạn phải là Anh ấy phải làm sao nữa chứ không chỉ là bạn phải làm sao. Nhưng câu trả lời của anh ấy cũng quá rõ ràng: Anh ấy sẽ cưới vợ khác, theo lời ba mẹ anh ấy nếu ba mẹ bạn không đồng ý, chứ không phải là anh ấy sẽ cùng bạn đấu tranh tới cùng và anh ấy không yêu ai khác, không thể cưới ai khác ngoài bạn.
Thật lòng, khi nghe câu chuyện của bạn, có cảm giác bạn là người con trai, còn bạn trai bạn mới là một cô gái đang e lệ và buồn rầu vâng lời cha mẹ đi lấy người khác. Một người con trai sao có thể có quyết định quá yếu đuối, sẵn lòng từ bỏ tình yêu được nuôi dưỡng đã 5 năm trời của mình một cách dễ dàng như vậy ngoại trừ hai điều: anh ta là người không có chút bản lĩnh, nghị lực nào và hai là anh ta chẳng còn yêu thương gì bạn, anh ta đã hoàn toàn mệt mỏi và chán chường.
Vậy thì, dù nguyên nhân của câu trả lời buông xuôi đó của một người đàn ông đã 28 tuổi là 1 hay là 2 thì cũng có một lời khuyên đơn giản với bạn cho câu hỏi làm gì: hãy cân nhắc xem bạn có cần thiết phải chiến đấu vì tình yêu đó hay không? Trên “mặt trận” này, bạn không thể là người chiến sĩ đơn độc, bạn phải có đồng đội là anh ấy. Thậm chí anh ấy phải là người quyết tâm hơn bạn, mạnh mẽ hơn bạn, là nguồn động viên, là chỗ dựa cho bạn, là chính sự quyết tâm của bạn. Thế nhưng người chiến sĩ ấy đã buông vũ khí, dựa vào chiến hào và thở dốc, tuyên bố rằng nếu “quân địch” còn tiến công nữa thì anh ta… bỏ chạy. Bạn có lẽ nào vừa chiến đấu vừa nắm… lưng quần anh ta kéo lại?
Theo Hạnh Dung