BẢN TIN TÌNH NGUYỆN: Điệu múa của trẻ vùng biên

Nguồn: Thanh niên
Nguồn: Thanh niên
TPO - Khuôn viên của Trường THCS Bù Gia Mập, những ngày cuối tuần trở nên rộn rã và vui nhộn bởi những điệu nhảy múa và lời ca tiếng hát của thiếu nhi vang vọng cả núi rừng vùng biên.

Học sinh và thiếu nhi của 2 xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ, thuộc huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) những ngày hè cuối tháng 7 đã được các anh chị sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Kinh tế-kỹ thuật Bình Dương đến đây dạy cho những điệu múa hiện đại mà các em rất thích. Ngoài việc dạy múa, Vũ Thị Huyền Trang (sinh viên năm nhất) của trường còn dạy cho các em các bài hát thể hiện sự yêu thương ba mẹ, thầy cô, bạn bè.


Trong những ngày hè sôi động khí thế tình nguyện, đoàn viên thanh niên tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí và kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm dưới nước cho hàng trăm em nhỏ. Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, cứ vào khung giờ 7h30-9h30, lớp dạy bơi do Huyện Ðoàn Văn Giang (Hưng Yên) tổ chức lại nhộn nhịp tiếng đùa vui của trẻ thơ, tiếng nước đập bì bõm. Người phụ trách lớp dạy bơi này là anh Nguyễn Việt Dũng (SN 1992), cán bộ Huyện Ðoàn Văn Giang. Anh đã có thâm niên ba năm trực tiếp dạy bơi cho các em nhỏ. Lớp dạy bơi của Huyện Ðoàn ban đầu dự kiến có 600 em từ độ tuổi 8-15 tham gia, nhưng đến nay con số tăng vọt. Mỗi khoá học kéo dài 20 hôm.


Ngày 28/7, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đông đảo đoàn viên thanh niên đã khí thế ra quân cấp trung ương chiến dịch "Hãy làm sạch biển" năm 2018. Tại Lễ ra quân, Ban Tổ chức tặng thùng rác, tặng 2 xe tuyên truyền lưu động cho đội hình tình nguyện nòng cốt bảo vệ môi trường biển của huyện Phú Quốc. Trong khuôn khổ Chiến dịch, nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Hùng - nghệ danh Lekima sẽ thực hiện Dự án “Chụp ảnh và quay phim vì môi trường 3000km dọc bờ biển” với mục tiêu thông qua hình ảnh để thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng. Dự án dự kiến sẽ chụp 3.000 bức ảnh với 30 bộ ảnh theo chủ đề, 05 video và tổ chức triển lãm ảnh  để giới thiệu đến công chúng.


Ngày 27.7, tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Huyện đoàn Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) tổ chức chương trình 'Tuyên tuyền pháp luật bảo vệ rừng biên giới', tuyên truyền "Ngày toàn dân phòng chống mua bán người'. Hơn 150 thanh thiếu nhi địa phương của 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đã đến tham dự, lắng nghe những kiến thức bổ ích, cần thiết cho bản thân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Sau khi nghe các hoạt động tuyên truyền, thanh thiếu nhi địa phương và sinh viên tình nguyện đã đến thăm Khu di tích nhà Dài và Vườn sưu tập thực vật (Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập).


Viettel Hà Tĩnh hỗ trợ 70 triệu đồng để sửa chữa lại căn nhà dột nát, bà Phạm Thị Tứ - cựu thanh niên xung phong ở thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân (Thạch Hà). Từ số tiền 70 triệu đồng của cán bộ, nhân viên Chi nhánh Viettel Hà Tĩnh đã giúp bà dựng lại căn nhà cấp 4, rộng 60m2, đảm bảo “an cư” trong nững năm tháng cuối đời. Bà Tứ là một trong 8 gia đình chính sách được Viettel Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng nhà trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Viettel Hà Tĩnh còn hỗ trợ các địa phương, tập thể, cá nhân trên địa bàn Hà Tĩnh với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng thông qua các chương trình như: “Trái tim cho em”, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ đồng bào bị bão lụt, tặng quà đối tượng chính sách, tài trợ phần mềm y tế, giáo dục…


Từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), qua 2 lần chuyển xe mới đến được nơi các thanh niên tình nguyện chuyển giao kỹ thuật cho người dân về cách trồng bơ trĩu trái. Đội tình nguyện đến từ chương trình “Tri thức khoa học trẻ tình nguyện” do Trung tâm khoa học trẻ, Thành đoàn TP.HCM tổ chức, kết nối các nhà khoa học trẻ và sinh viên với người dân vùng cao. Chị Nguyễn Thị Bích Ngân (ngụ xã Quảng Khê, H.Đắk Glong, Đắk Nông) sau khi nghe các chuyên gia tình nguyện tập huấn kỹ thuật trồng bơ theo hướng bền vững và năng suất cao mới vỡ lẽ lâu nay mình trồng cây bơ quá lung tung, đụng đâu trồng đó.


Đều đặn mỗi ngày, thanh niên tình nguyện mở các lớp tin học miễn phí cho các em nhỏ tại xã Đắk Som. Để học sinh đến lớp, các tình nguyện viên phải thay phiên nhau lội bộ đường rừng, đến từng nhà dân vận động các em. Vừa thấy nhóm tình nguyện viên ghé vào, cô bé K’Hâm (10 tuổi) vừa chạy trốn vừa nói: “Không đi học”. Nhưng cuối cùng, sau khi được thuyết phục, cô bé đã đồng ý. Tình nguyện viên Phan Trí Lực, Trường ĐH Trần Đại Nghĩa, vui mừng: “Cuối cùng cô bé cũng đồng ý đi học. Mình đã đến nhà bé lần này là lần thứ 2 rồi”. Chương trình đưa về 20 bộ máy tính để phổ cập tin học cho học sinh trong suốt chiến dịch tình nguyện. Sau đợt tình nguyện, tất cả máy tính sẽ được tặng lại cho 3 trường tiểu học tại xã của H.Đắk Glong.


Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, vượt đoạn đường núi gần 20 km lên điểm Trường tiểu học Vừ A Dính để thực hiện vườn rau sạch cho học sinh bán trú và hướng dẫn các kỹ thuật trồng rau an toàn cho giáo viên. Cầm trên tay nắm đất phía sau lưng trường, chị Phạm Thị Thùy Dương, giảng viên Khoa Nông học Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, phân tích: “Đất này thành phần sét rất nhiều, vì thế sẽ thoát nước kém. Muốn tránh ngập, tránh hư rau vào mùa mưa thì phải làm luống cao. Bên cạnh đó, nên có các giá thể đất sạch để phủ lên bề mặt, hoặc tận dụng vỏ cà phê của vùng mình phủ lên trên để tạo độ tơi xốp của đất”.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG