Bản tin 8H: ‘Ém’ tiền hỗ trợ người nghèo để chữa bệnh ung thư

Trụ sở UBND xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Ảnh: T.N.
Trụ sở UBND xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Ảnh: T.N.
TPO - Nhân viên kế toán “ém” tiền hỗ trợ điện cho người nghèo và gia đình chính sách với lý do “mượn đỡ” để vào TP.HCM chữa bệnh ung thư.

Ngày 22/4, ông Phạm Văn Tem, Chủ tịch UBND xã Ba Xa (Ba Tơ, Quảng Ngãi) xác nhận, kế toán viên Phạm Thị Giang đã không chi trả tiền hỗ trợ tiền điện cho người nghèo, gia đình chính sách ở địa phương. Bà Giang thừa nhận, “mượn đỡ” để vào TP.HCM chữa bệnh ung thư, đồng thời cam kết chịu trách nhiệm trả lại tiền. Trước đó, cảnh sát điều tra phát hiện, giai đoạn năm 2016-2017, bà Giang không không cấp phát tiền hỗ trợ điện (mức hỗ trợ tương đương 30 kWh, khoảng 46.000 đồng). Giai đoạn 2018-2019, bà Giang chỉ chi cho dân ở 4/7 thôn. Được biết, năm 2016 - 2019, xã Ba Xa lập danh sách gần 3.100 người được thụ hưởng với tổng số tiền khoảng 2,4 tỷ đồng.


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 23/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ. Dự báo, từ ngày 23/4 đến ngày 24/4, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa dông diện rộng. Ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 23/4 đến ngày 26/4, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 15-18 độ C, vùng núi có nơi dưới 14 độ C.


Biên bản làm việc giữa cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân TP Thanh Hóa và đại diện gia đình xác định ông Lê Đăng Giang (SN 1972, Trưởng phòng Kiểm tra 3 Cục thuế Thanh Hóa) nhảy cầu tự tử là do bị bệnh lý trầm cảm. Đồng thời, gia đình ông Giang có đơn từ chối giải phẫu pháp y và cam đoan không có yêu cầu, kiến nghị hay thắc mắc gì. Trước đó, tối ngày 19/4, ông Giang nhảy xuống sông Mã tự tử từ cầu Nguyệt Viên, TP Thanh Hóa. Ông Giang để lại thư tuyệt mệnh là bị bệnh hiểm nghèo, không có mâu thuẫn trong cuộc sống.


Theo thông tin từ tiểu Ban điều trị-Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến 6h sáng 23/4 không có ca mắc mới COVID-19 nào. Như vậy, đến nay đã tròn 1 tuần, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19. Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó: 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. Hiện chỉ có 45 ca đang điều trị. (XEM CHI TIẾT)


Hơn 22h tối 22/3, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) phát đi thông báo, từ sáng 23/4, Transerco sẽ vận hành từ 20 đến 30% tần suất xe buýt. Việc vận hành vẫn tuân thủ Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xe chở số khách không quá 50% sức chứa. Thông báo của Transerco cũng nêu rõ, khuyến cáo và đề nghị người dân hiểu và chia sẻ, chưa nên sử dụng phương tiện công cộng nếu chưa thực sự cần thiết. (XEM CHI TIẾT)


Chiều 22/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, thành phố đưa ra kịch bản dự kiến: các trường từ bậc PTTH đến bậc đại học đi học từ ngày 4/5, các trường THCS, tiểu học và mẫu giáo đi học sau đó 1 tuần từ ngày 11/5. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 ngay sau đó, ông Chung lưu ý, nếu đi học trở lại, phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh. (XEM CHI TIẾT)


Tối 22/4, Sở GTVT TPHCM phát đi thông báo “hỏa tốc” gửi các đơn vị liên quan về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ trong thời gian dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, Sở GTVT thông báo tiếp tục tạm ngưng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ), xe du lịch hoạt động trên địa bàn TPHCM. Thời gian dừng hoạt động từ 0h ngày 23/4 đến khi có thông báo mới. (XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG