Bản tin 8H: Bộ Y tế ‘mù mịt’ việc học phí trường Y tới 70 triệu/năm

Bảng học phí trường Đại học Y dược TP.HCM cho năm học 2020-2021. Nguồn: VietNamNet
Bảng học phí trường Đại học Y dược TP.HCM cho năm học 2020-2021. Nguồn: VietNamNet
TPO - Bộ Y tế đánh giá, việc Đại học Y Dược TP.HCM tăng học phí gấp 4-5 là quá cao, đồng thời cũng không được thông báo vào thời điểm trường công bố mức học phí mới.

Những ngày qua, thông tin Đại học Y Dược TP.HCM công bố mức học phí năm học 2020 - 2021 có nhiều ngành học tăng gấp 4-5 lần so với năm 2019 gây xôn xao dư luận. Cao nhất là ngành Răng-Hàm-Mặt với học phí 70 triệu đồng/năm, ngành Y khoa 68 triệu đồng/năm, Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm, Dược học 50 triệu đồng/năm. Ông Ngô Việt Thắng, Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, Bộ không hề nhận được thông báo vào thời điểm trường công bố mức học phí mới, khi hỏi thì trường cho biết giá học phí mới được xây dựng theo luật Giáo dục đại học sửa đổi. Ông cũng yêu cầu trường gửi bảng định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học nhưng chưa nhận được. Ông Thắng đánh giá mức tăng học phí trên là quá cao.


Ngày 5/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, các tỉnh, thành phố ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Riêng khu vực Bắc Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 45-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C tập trung từ lúc 10-17 giờ. Đợt nắng nóng này còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Ngày 5/6, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 7-9, nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.


15h30 ngày 4/5, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang chơi đùa ở sân thì cây phượng vĩ bật gốc. Các em bỏ chạy tán loạn, riêng 3 nữ sinh lớp 8 ngồi ở ghế đá dưới gốc cây bỏ không chạy kịp nên bị sây sát nhẹ. Cây phượng vĩ này cao khoảng 15-20m, đường kính 40-50cm. Khi đổ, nó đè lên bàn và ghế đá phía dưới khiến bộ bàn ghế này sập đổ. Một sợi dây điện cũng bị đứt ngang. Cây phương vĩ 20 năm tuổi bị bật gốc sau cơn mưa.


Chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm vừa ký quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần bột giặt LIX hơn 1,1 tỷ đồng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, công ty bột giặt này để nguyên liệu ngoài trời. Khi mưa lớn tối 8/4, chất này bị cuốn trôi xuống cống nước thải không đậy nắp rồi chảy ra kênh Suối Chợ (thị xã Tân Uyên), tạo bọt trắng, kết thành tảng cao 2 m, kéo dài hơn 200 m. Hai ngày sau, số bọt này mới tan hết nhưng vẫn bốc mùi khó chịu, gây ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh. Nhiều loài cá trong khu vực bị nguồn nước ô nhiễm gây chết hàng loạt, nổi trắng mặt nước.


Chiều 4/6, trên địa bàn TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) xuất hiện mưa lớn kèm theo giông lốc khiến cổng chào, biển báo, biển quảng cáo… bị đánh sập, thổi bay. Tại đường số 9 trong khu hành chính TP Dĩ An, một cổng chào bằng sắt đã đổ sập chắn ngang đường. May mắn không ai bị thương vong. Theo lãnh đạo TP Dĩ An, cổng chào mới làm được 2 tháng, thời điểm bị sập có xảy ra mưa lớn và giông lốc. Ngoài cổng chào bị đổ sập, một cổng chào khác và nhiều công trình biểu tượng chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập thành phố Dĩ An cũng bị nghiêng đổ.


Sáng ngày 5/6, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 50 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. Tiểu ban Điều trị cho biết, đến thời điểm này Việt Nam đã chữa khỏi 302/328 ca bệnh COVID-19 (92,1% tổng số ca bệnh), hiện chỉ còn 26 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, đa số đều có sức khoẻ ổn định. Về bệnh nhân 91, kết quả chụp XQ phổi của bệnh nhân có nhiều cải thiện. Bệnh nhân hiện đang thở máy áp lực. (XEM CHI TIẾT)


Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến chiều 28/5, đã có 409 đại biểu hồi âm sau khi được xin ý kiến. Trong đó có 317/409 đại biểu (chiếm 77,51%) chọn phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, 91 vị chọn phương án không cấm và 1 người không thể hiện chính kiến. Phần "ý kiến khác" có đại biểu cho rằng, không cần quy định ngành nghề này trong Luật Đầu tư, tạo ra một hành vi “đòi nợ” trái pháp luật. (XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG