Bản người Dao có 40 “ông Cử”

Bản người Dao có 40 “ông Cử”
TP - Một bản người Dao có 69 hộ dân sinh sống tại huyện miền núi khó khăn bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa nhưng đã có 40 người đã và đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng.
Bản người Dao có 40 “ông Cử” ảnh 1
Lớp mẫu giáo của bản Phùng Sơn

Đây cũng là bản người dân tộc thiểu số đầu tiên trên cả nước có quỹ khuyến học. Những “kỳ tích” này được lập nên từ bản Phùng Sơn (xã Phùng Giáo - Ngọc Lặc).

Không có cái chữ thì xấu hổ lắm!

Đó là câu cửa miệng mà người dân bản thường nhắc nhau mỗi khi nói chuyện học hành của con em mình. Hơn ai hết, những người dân tộc Dao ở đây hiểu được nỗi khổ nhục khi không có cái chữ.

Ông Bàn Văn Đăng - Bí thư Chi bộ bản Phùng Sơn hào hứng khi kể chuyện gieo chữ ở nơi đất cằn nước kiệt này. Người gieo chữ gặt được quả đầu tiên chính là gia đình ông Trưởng bản Bàn Văn Khoa.

Cách đây gần 20 năm, cậu con trai cả của ông là Bàn Hữu Văn đã vượt qua các vòng sơ tuyển để được đi học tại Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Luật, Bàn Hữu Văn trở về phục vụ tại quê hương.

Hiện nay, anh là Chánh án Tòa án huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Tấm gương của gia đình ông Khoa càng tỏa sáng hơn khi hai người con khác là Bàn Văn Vinh và Bàn Văn Lợi đều tốt nghiệp ĐH Biên phòng và đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới phía Tây Thanh Hóa.

Nhận thức sự học không chỉ giúp bản thân được ăn cơm trắng cá kho, đi đường nhựa mà còn là cơ hội để giao lưu, học hỏi với các dân tộc anh em, đồng thời góp chút sức mình cho sự phát triển của đất nước, người dân bản Dao Phùng Sơn đặt việc học lên hàng đầu.

Cái chữ trở thành thước đo của người Dao nơi đây. Cách đây gần chục năm, bản đã có quỹ khuyến học để động viên, khích lệ sự học đối với con em, trở thành bản người dân tộc thiểu số đầu tiên trong cả nước có quỹ khuyến học.

Ban đầu, quỹ khuyến học được bà con trong bản đóng góp bằng cân gạo, bắp ngô. Nếu trong bản có người đỗ đạt (đại học, cao đẳng, trung cấp, học sinh giỏi các cấp…) thì Trưởng bản sẽ tổ chức buổi lễ thành danh trang trọng, ấm cúng với sự có mặt đầy đủ của các thành viên trong bản chúc tụng, tặng quà (chỉ dăm bảy cân thóc…); đồng thời khích lệ học sinh trong bản phấn đấu vươn lên “bằng chị bằng em”…

Cũng chính từ đó, phong trào học tập đã được xã hội hóa. Nhiều gia đình có 2, 3… con học ĐH, Cao đẳng. Gia đình bà Triệu Thị Lan có 3 con đã tốt nghiệp ĐH: Triệu Văn Bình (ĐH Quốc gia HN; hiện làm tại Văn phòng Quốc hội); Triệu Văn Thịnh (ĐH Sư phạm Vinh; hiện là giảng viên ĐH Tây Nguyên); Triệu Văn Thắng (ĐH Mỏ - Địa chất; hiện công tác tại tỉnh Kiên Giang).

Cả 4 người con của ông Triệu Ngọc Dương đều là cử nhân: Triệu Văn Mạnh (ĐH An ninh); Triệu Văn Tuấn (ĐH Dược); Triệu Văn Bích (ĐH Luật HN); Triệu Văn Luận (ĐH Bưu chính - Viễn thông). Rồi gia đình các ông Bàn Văn Thọ, Triệu Hoàn Cảnh, Bàn Văn Đăng… đều có các con đỗ đạt…

Can đảm xóa hủ tục

Khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc người dân bản Phùng Sơn đang tổ chức Tết ăn chay hay còn gọi Tết tất niên. Do tập tục du canh - du cư, chết đâu chôn đấy nên người Dao quan niệm phải cúng trước Tết cổ truyền thì âm hồn những người thân đã chết mới có thể về kịp.

Cúng càng sớm, cỗ càng to thì gia chủ sẽ được nhiều lộc. Bởi thế, trước kia, cứ sang tháng 12 dương lịch, người dân trong bản lại họp nhau ở nhà già làng bắt thăm xem nhà nào được cúng trước…

Tục này vẫn được người Dao gìn giữ nhưng nay đã giản đơn rất nhiều. Các hộ dân trong bản thay phiên nhau tổ chức; thay vì tổ chức cho cả bản ăn uống linh đình mấy ngày như trước, gia chủ chỉ mời đại diện các nhà.

Cỗ trong ngày Tết tất niên không cần phải giết vài con trâu, con bò như trước; không còn phải cúng bái rườm rà…

Lễ bái ma của người Dao trong Tết cổ truyền cũng được đơn giản nhiều. Theo tục lệ, một trong những lễ vật không thể thiếu trong Lễ bái ma là thú rừng (thường là nai).

Sau khi tế xong, chủ nhà sẽ bắn chết bằng cung - với mong muốn sang năm mới sẽ săn bắn được nhiều thú.

Thay vì con thú thật, nay người dân bản Dao làm hình nộm con thú rồi mang ra bắn để cầu may, không phải cầu săn bắn được nhiều muông thú mà cầu cho việc chăn nuôi được suôn sẻ.

Người Dao còn quan niệm, sáng mùng Một Tết, con gái không được ra khỏi nhà, kỵ nhất là đến nhà khác khi chưa có người bái ma.

Khi Hội Phụ nữ bản Phùng Sơn được thành lập, nhờ được học cái chữ, nhiều chị em đã vận động dân bản bỏ tập tục này. Từ đó, việc bái ma có thể dành cho con gái nếu như chủ nhà muốn.

MỚI - NÓNG