Bản lĩnh và trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Hơi bị "động chạm" nhưng phải công nhận Bộ Công Thương thẳng thắn và sòng phẳng"… là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI khi đánh giá về những sửa đổi của dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu và sứ mệnh gỡ toàn bộ nút thắt, vá toàn bộ lỗ hổng trong các Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thực hiện.

Cùng với ghi nhận của đại diện VCCI khi nhìn vào tốc độ tiếp thu và sửa Nghị định về xăng dầu. Việc trao quyền điều hành dầu cũng nóng lên với những thông tin về “quả bóng trách nhiệm” liên tục được xới lên trên các diễn đàn khi Bộ Tài chính đề xuất ngược lại về việc giao toàn bộ việc điều hành giá cho Bộ Công Thương. Người dân ngơ ngác, doanh nghiệp hoang mang khi không hiểu nội tình đằng sau việc "đá bóng" giữa hai bộ cho dù trong khi chính dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra 1 đề xuất giao cho Bộ Tài chính và 1 đề xuất giao chính Bộ Công Thương thực hiện chính việc điều hành giá.

Bản lĩnh và trách nhiệm ảnh 1

Tác giả: Phạm Tuyên

Cũng rất nhanh, chỉ vài ngày sau, lắng nghe ý kiến góp ý, Bộ Công Thương lập tức bổ sung, sửa đổi đề xuất và đề nghị Chính phủ giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong quản lý đối với xăng dầu. Không có chuyện chỉ một bộ đứng ra điều hành, làm thay nhiệm vụ, chức năng của bộ ngành khác. Việc điều hành cần sự phối hợp nhịp nhàng của các bên liên quan là thông điệp được Bộ Công Thương nêu ra trong bản sửa đổi mới nhất.

Cũng phải thừa nhận, điều hành xăng dầu trong bối cảnh có quá nhiều dị biệt của năm 2022 và dự báo lan tiếp sang cả năm 2023 là nhiệm vụ rất khó. Cả Bộ Tài chính và Công Thương đều nhận được lời phê từ dư luận liên quan đến việc điều hành theo từng vai của mình trong năm qua. Việc các bộ từ chối, đề xuất "nhường" quyền điều hành cho bộ khác, trong bối cảnh đó cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng câu chuyện quan trọng nhất, với thị trường xăng dầu, chính là công tác dự báo, phối hợp điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian tới làm sao cho sát với thực tiễn. Cùng đó, tính toán chi phí của cơ quan quản lý cũng phải đảm bảo cho doanh nghiệp tính đủ chi phí, có lãi và không còn cảnh doanh nghiệp phải mang tiền nhà ra bán bù lỗ.

Với Bộ Công Thương, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp trên toàn quốc sao cho hài hòa, tối ưu nhất cũng là thách thức không nhỏ. Đi kèm đó là phải rà soát lại việc cấp phép, thay đổi toàn bộ cơ chế điều hành giá xăng dầu, thực hiện cùng Bộ Tài chính bình ổn hiệu quả, tối ưu việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng là nhiệm vụ không dễ dàng để thực hiện.

Với vai của Bộ Tài chính, sử dụng tốt công cụ quan trọng nhất và thuộc chức năng, thẩm quyền của Bộ Tài chính là tính toán giá cơ sở cũng như các chi phí, mức thuế và thu, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp, cùng Bộ Công Thương dự báo tốt thị trường, xây dựng các kịch bản, giải pháp bình ổn giá xăng dầu và giải bài toán kịp thời về chi phí cho doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ không hề nhẹ nhàng.

Việc không rút lui khỏi chiến tuyến hay "đẩy việc" sang nơi khác là yêu cầu được đặt ra với cả hai bộ trong lúc này và cũng thể hiện được bản lĩnh, độ chuyên nghiệp của chính người đứng đầu của cả hai Bộ Tài chính và Công Thương lúc này.

Chỉ khi các bộ làm hết vai, hết trách nhiệm, sự bình ổn với thị trường xăng dầu sẽ trở lại. Nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp cũng sẽ bớt khổ khi thị trường không còn những xáo trộn bất ngờ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.