Băn khoăn việc ban hành Luật lý lịch tư pháp

Băn khoăn việc ban hành Luật lý lịch tư pháp
TP- Sáng qua, 10/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật lý lịch tư pháp.
Băn khoăn việc ban hành Luật lý lịch tư pháp ảnh 1
Đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận

Một số đại biểu đồng tình với quan điểm của Chính phủ là đã đến lúc cần thiết phải ban hành Luật lý lịch tư pháp.

Quản lý lý lịch tư pháp có ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, chứng minh về nhân thân của công dân, tạo điều kiện cho người từng bị kết án trong việc xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, không ít đại biểu tỏ ý băn khoăn, thậm chí có đại biểu cho rằng không nên ban hành Luật lý lịch tư pháp, do hiện nay đã có cơ quan khác thực hiện việc lưu trữ rất tốt.

ĐB Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) cho rằng, nếu dự luật chỉ giới hạn quản lý, cung cấp các thông tin về án tích là quá hạn hẹp, và trong 60 năm qua ngành công an đã và đang làm việc này rất tốt. Theo đại biểu Ngũ, vấn đề này chỉ cần thể hiện dưới hình thức nghị định của Chính phủ.

Đồng tình với ý kiến này đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn), đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng, chỉ nên ban hành một nghị định về vấn đề này. Theo đại biểu Vượng, nếu chỉ để quản lý án tích mà phải thành lập một Trung tâm quốc gia về lý lịch tư pháp và 63 tỉnh, thành lại có 63 trung tâm nữa thì cần hết sức cân nhắc.

Đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) dẫn chứng thêm, theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 9 năm (1999 - 2007), tại các tỉnh miền núi phía Bắc có rất ít người có nhu cầu xin cấp phiếu lý lịch tư pháp, do vậy  thành lập ở tất cả các tỉnh là lãng phí.

Nhiều ý kiến đề nghị, việc quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp nên giao cho Công an hoặc Tòa án quản lý chứ không để ở Bộ Tư pháp như dự luật.

Có vi phạm quyền công dân về đời tư?

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng, cần đặt vấn đề ai có nhu cầu, hay tất cả công dân cần cung cấp lý lịch tư pháp. Có thể chấp nhận việc một công dân nào đấy muốn truy cập được tất cả thông tin của những người khác theo hệ thống điện tử không? “Tôi nghĩ quyền công dân không cho phép như vậy”- Đại biểu Ngũ nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn  (Đồng Tháp) nói vấn đề cung cấp lý lịch tư pháp là quyền của công dân và trách nhiệm của Nhà nước, nhưng phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân, dù đó là đối tượng nhỏ hẹp nào đó. “Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước thì phải đảm bảo bí mật về đời tư, cho nên tại Điều 4 của nguyên tắc này phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, không thể công khai đưa lên trang web”- Đại biểu Nhơn nói. 

Không được để phát sinh thêm nợ xây dựng cơ bản

Chiều qua (10/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2009. Quốc hội yêu cầu các địa phương không được để phát sinh thêm nợ xây dựng cơ bản trong năm 2009; người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm về sử dụng ngân sách tại địa phương, đơn vị mình quản lý.

Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách ở T.Ư năm 2009 là: 273.141 tỷ đồng; tổng thu cân đối ngân sách địa phương là: 130.859 tỉ đồng; tổng chi cân đối ngân sách là: 314.544 tỷ đồng (chưa kể khoản 45.897 tỷ đồng dành chi điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2007-2008 chuyển sang).

Như vậy, tổng chi cân đối ngân sách T.Ư năm 2009 là 360.441 tỷ đồng. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Nghị quyết, các quy định về sử dụng ngân sách; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; hoãn, dừng những hội nghị, hội thảo, việc đi nước ngoài không thật cần thiết.

MỚI - NÓNG