Băn khoăn quỹ phát triển du lịch

TP - Sau hơn 10 năm ấp ủ trên giấy, cuối cùng ý tưởng thành lập Quỹ phát triển du lịch cũng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Trong  thời gian chờ đợi quỹ đi vào hoạt động, có nhiều đề xuất, đóng góp ý kiến để  quỹ này thực sự trở thành “cú hích” thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Sự ra đời của Quỹ phát triển du lịch được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để thay đổi bộ mặt của ngành du lịch Việt Nam.

Nuôi bằng gì?

Trong bối cảnh ngành du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, việc thành lập quỹ phát triển du lịch để hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực… được đánh giá là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để du lịch bứt phá.

Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng nguồn vốn của quỹ trên, 70% còn lại lấy từ xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch. Nhà nước sẽ cấp vốn ban đầu 300 tỷ đồng để hình thành quỹ. Sau đó, quỹ sẽ sử dụng một phần từ nguồn lệ phí thị thực nhập cảnh, tham quan, các khoản đóng góp của các doanh nghiệp du lịch, các chủ thể hưởng lợi từ du lịch và nhiều nguồn khác. Bộ VH-TT-DL cũng đề ra phương án trong đó 2 năm đầu tiên sẽ trích từ mỗi khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 10.000-20.000 đồng/khách/đêm, lưu trú khách sạn từ 3 sao trở lên. 

Tuy nhiên, theo ông Lê Tấn Thanh Tùng (Phó Tổng công ty cổ phần Du lịch Việt Nam- VITOURS): “Không nên thu từ doanh thu khách sạn vì có thể khách sạn sẽ kê khai không rõ ràng, hơn nữa tạo sự phân biệt giữa khách sạn 3 sao với các đơn vị lưu trú khác. Theo tôi, khi một khách nhập cảnh vào Việt Nam thì thu luôn 1 USD. Mỗi năm Việt Nam đón 8- 9 triệu lượt khách, nghĩa là sẽ có 8-9 triệu USD để duy trì quỹ rồi”, ông Tùng phân tích.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt (Phó Giám đốc Tranviet Travel) có một nguồn tiền nữa để bổ sung cho quỹ là “tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế”. Ông Đạt cho biết, hàng năm doanh nghiệp lữ hành nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng và được ngân hàng trả lãi cho số dư tiền gửi ký quỹ này. Tiền ký quỹ được xem như một khoản đặt cọc để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh lữ hành. Số tiền phải nộp từ 250 triệu- 500 triệu đồng/năm. “Tuy nhiên, số tiền ký quỹ này đang hưởng lãi suất không kỳ hạn nên tiền lãi rất thấp. Cần có chính sách đổi thành có kỳ hạn và lấy số tiền lãi này nộp vào quỹ phát triển du lịch. Việt Nam có gần 1.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang khai thác du lịch, như vậy, nếu làm theo cách này, mỗi năm sẽ thu được 2 triệu USD cho quỹ phát triển du lịch”, ông Đạt đề nghị.

Khá nhiều doanh nghiệp lữ hành băn khoăn về khoản đóng góp cho quỹ. “Trong đề án thành lập quỹ có nói đến khoản đóng góp của doanh nghiệp du lịch. Chúng tôi đã phải đóng thuế rồi, nếu tiếp tục phải đóng góp cho quỹ thì sẽ tăng thêm gánh nặng. Các đơn vị lữ hành cũng chỉ làm công tác cầu nối, xúc tiến phát triển du lịch. Qũy nên thu từ các đơn vị hưởng lợi trực tiếp như khách sạn, hàng không...”, ông Nguyễn Công Hoan (Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours) chia sẻ quan điểm.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Qúy Phương (Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch Việt Nam) cho biết việc đóng góp của doanh nghiệp là không bắt buộc mà dựa trên sự tự nguyện. Đại diện Tổng cục du lịch còn tiết lộ: “Hiện nay, dù quỹ chưa ra đời nhưng nhiều doanh nghiệp lớn đã ngỏ ý muốn được đóng góp để duy trì quỹ ổn định phát triển lâu dài”.

Đấu thầu quản lý: Tây hay Tàu cũng có thể làm chủ?

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn (Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch), các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đều có cơ hội quản lý quỹ thông qua đấu thầu. Đơn vị quản lý sẽ phải cam kết vận hành quỹ hiệu quả, cùng với mục tiêu thực hiện trong từng thời điểm. Đơn vị này sẽ hoạt động dưới sự giám sát của ban giám sát. Cơ quan quản lý sẽ không chỉ định đơn vị nào điều hành quỹ, chỉ cần có năng lực thì ai cũng có thể tham gia.

Về vấn đề này, đại diện doanh nghiệp lữ hành Redtours cho rằng đây là quỹ hoạt động phi lợi nhuận nên không thể đấu thầu quản lý được. “Theo tôi, phải tổ chức đấu thầu ở từng hạng mục để các đơn vị liên quan được tham gia, ví dụ như đơn vị lữ hành, hàng không, khách sạn. Nếu là quỹ của ngành du lịch thì nên để những người làm du lịch tham gia chứ không phải cứ có tiền là được quản lý”- Ông Hoan đề nghị. Đồng thời, ông cũng cho rằng để minh bạch cần phải xây dựng cơ chế rõ ràng: số tiền thu bao nhiêu, gửi ngân hàng nào, chi cho hoạt động gì, đơn vị nào làm, nếu làm sai sẽ xử lý ra sao...

Đồng quan điểm trên, lãnh đạo Tranviet Travel cũng cho rằng nên tổ chức đấu thầu theo vụ việc và cơ quan quản lý cần đưa ra những bài toán xúc tiến du lịch hiệu quả nhất, sử dụng vòng vốn tốt nhất, tránh lãng phí, đó mới là điều các doanh nghiệp quan tâm.

Đem những trăn trở đó hỏi đại diện Tổng cục du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Qúy Phương cho biết: “Bây giờ ngân sách nhà nước không kham nổi nên phải dùng mọi cách huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng quỹ. Ai quản lý quỹ không quan trọng, mà cái chính là tạo ra hiệu quả. Chúng tôi đảm bảo quỹ sẽ hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý, minh bạch, công khai. Sẽ có một hội đồng lập ra để quản lý, tư vấn, giám sát..., bao gồm cả cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp lữ hành. Bên cạnh đấu thầu quản lý, chúng tôi cũng sẽ chia nhỏ các hạng mục để đấu thầu”.

Theo lộ trình mà chính phủ đề xuất thì đáng lẽ quỹ phát triển du lịch sẽ được thành lập vào tháng 9/2016. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi thứ vẫn im hơi lặng tiếng. Nói về nguyên nhân chậm trễ này, Vụ trưởng Vụ Lữ hành chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi vẫn đang phải chờ Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được Quốc hội thông qua rồi mới triển khai. Bên cạnh đó, vì quỹ sử dụng cả ngân sách nhà nước nữa nên cũng phải phù hợp với Luật Ngân sách. Mỗi năm, Việt Nam chi 2 triệu USD dành cho phát triển du lịch, con số quá nhỏ, chỉ bằng 2% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của các nước trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi rất mong chờ quỹ ra đời sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển đi lên”.