Tại tờ trình về việc sửa đổi Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chính phủ giải thích, việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thực tế xã hội lẫn các quy định pháp lý. Nếu quy định tuổi trẻ em từ 18 trở xuống thì sẽ có rất nhiều “trẻ em lấy vợ, lấy chồng” nhất là ở miền núi. “Các bác sỹ nói đùa rằng nếu nâng độ tuổi lên 18 có khi sắp tới phải xây khoa sản trong bệnh viện nhi. Hiện nay cũng đã có tình trạng các em gái 16, 17 tuổi, thậm chí nhỏ hơn đã mang thai”, bà Lan cảnh báo.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TPHCM khẳng định, quy định trẻ em dưới 18 tuổi trong Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ vênh với Dự thảo Bộ luật Hình sự mà QH chuẩn bị thông qua. Ông Ánh dẫn chứng, Bộ luật Hình sự đang sửa đổi đề xuất đã giảm độ tuổi đối với những tội xâm phạm về tình dục. Theo đó, nếu như trước đây quan hệ tình dục với người từ 16-18 tuổi là phạm tội giao cấu với người chưa thành niên. Nhưng theo Dự thảo sửa đổi lần này thì sẽ không quy định trách nhiệm hình sự nữa. “Nếu Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) quy định như thế này thì cần bàn với ban soạn thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) để sửa lại quy định liên quan cho phù hợp, nếu không sẽ vênh nhau rất lớn”, ông Ánh nói.
ĐB Lan cũng cho rằng, nếu quyết định nâng độ tuổi trẻ em lên 18 thì cần phải nghiên cứu cách thức xử lý hình sự thế nào cho phù hợp. Thực tế thời gian qua đã xảy ra một số vụ án nghiêm trọng do người dưới 18 tuổi gây ra như vụ Lê Văn Luyện. “Các nước khác có thể tuổi vị thành niên nhưng phạm tội trong tuổi từ 16-18 thì nhốt trong tù để đó, chờ đủ 18 xử đúng khung hình phạt chứ không có nương nhẹ. Ta có thể nghiên cứu mô hình tòa trẻ em hoặc hình thức như nào đó cho phù hợp trong thời gian chuyển tiếp”, bà Lan đề xuất.