Băn khoăn câu chuyện thương hiệu truyền hình

Băn khoăn câu chuyện thương hiệu truyền hình
TP - Truyền hình Việt Nam liệu có trở thành thương hiệu không? Đó là một trong những nội dung của hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc vừa qua tại TP Hải Phòng.
Băn khoăn câu chuyện thương hiệu truyền hình ảnh 1
Game show “Ô cửa bí mật” trên VTV3

Ông Đỗ Thắng Hải- Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại- Bộ Công Thương khuyến nghị: Xây dựng thương hiệu truyền hình không phải đến từ việc tăng mức độ nhận biết hay tăng số lượng kênh hay phát triển các ứng dụng truyền thông trên nền công nghệ mới mà phải xuất phát từ việc nâng cao chất lượng nội dung đồng thời phát triển công nghệ nội dung hướng đối tượng.

Ông Hải dự báo, tốc độ phát triển truyền thông năm 2008 sẽ đạt 4-5%. Trên thị trường truyền thông nội địa, Đài Truyền hình VN vẫn chiếm vị trí thống lĩnh với độ phủ sóng 90% hộ gia đình.

Một xu hướng của truyền hình thời gian qua là chia nhỏ các kênh theo đối tượng và nội dung, nhưng theo ông Hải, ngoại trừ các kênh giải trí nước ngoài, các chương trình của VN vẫn chưa đặc sắc và phần nào chỉ phản ánh bề nổi của các vấn đề xã hội.

Ông Võ Hùng Phong- Phó GĐ Đài PTTH Bình Dương cho rằng, đầu tư cho kỹ thuật truyền hình cũng chính là tạo nên nền tảng vững chắc cho xây dựng thương hiệu- một hành động không có nghĩa “chơi nổi, lãng phí”. Đài Bình Dương BTV đang quen thuộc với khán giả phía Nam và sắp tới sẽ tràn ra chinh phục người xem cả nước.

Nói về kênh VTV6, bà Tạ Bích Loan nói, thương hiệu phải gắn với chiến lược, thể hiện những thông điệp mang tính chiến lược của đơn vị. Theo bà Tạ Bích Loan, ở kênh này, người lãnh đạo không nên áp đặt ý kiến chủ quan mà phải dựa vào nghiên cứu thị trường, dù, không có ý chí của người đứng đầu thì không thể xây dựng thương hiệu.

VTV6 cũng chịu khó thăm dò thái độ của khán giả - hành động cần thiết mà không phải kênh nào, đài nào cũng làm được.

Ông Hoàng Tuấn Dũng- Thạc sỹ Quản trị Truyền thông Đại học Báo chí Missouri (Mỹ), cho rằng định vị (vị trí của sản phẩm trong đầu, trong nhận thức của khách hàng) rất quan trọng trong marketing, với 3 thành tố chính là sức mạnh thương hiệu, mức độ ưa thích đối với thương hiệu và sự độc đáo của thương hiệu.

Ông Dũng nhấn mạnh, nếu không có sự độc đáo thì kênh mới thành lập sẽ không giành được lợi thế đang thuộc về kênh hiện có- lợi thế được tạo nên từ sức mạnh của thói quen.

Khi thành lập vào những năm 1980, kênh Fox đã thành công trong việc thách thức các “đại gia” NBC, ABC, CBS, và trở thành kênh bóng đá (kiểu Mỹ) khi mua được bản quyền truyền hình các trận đấu của Liên đoàn bóng đá quốc gia.

Bóng đá mang đến cho kênh này khán giả nam giới, và đó chính là cơ hội để Fox cung cấp cho đối tượng này những thứ mà họ thường xem ở NBC, ABC, CBS. “Tuy nhiên sự khác biệt cũng có cái giá của nó. Nghiên cứu, xây dựng nội dung và hỗ trợ khán giả là những việc khá tốn kém”- thạc sỹ Dũng nói.

Trong khi Truyền hình VN đang khắc khoải định vị thương hiệu, thì ở hội thảo Xã hội hóa sản xuất các chương trình truyền hình hôm 2/1 tại Hà Nội, ông Hoàng Hữu Lượng- Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin- Truyền thông) nói: Trên thế giới chia ra hai hệ thống truyền hình: công cộng (do người dân đóng thuế) và thương mại.

Đài Truyền hình Việt Nam đang làm cả hai dạng ấy. Nếu chúng ta xã hội hoá đến mức người ngoài cũng có thể làm được thì Nhà nước sẽ không để cho VTV độc quyền, mà chuyển sang dạng khác.

Ông Lượng cũng cho rằng chúng ta đang lãng phí cột phát sóng. Tại sao lại không tiết kiệm cho Nhà nước bằng cách một cột phát sóng có thể dùng chung cho cả kỹ thuật số thu mặt đất lẫn hệ thống analog?

Cùng với các phương tiện truyền thông hùng hậu và tăng trưởng lớn như đại diện Cục Xúc tiến Thương mại- Bộ Công Thương đưa ra, năm 2008, VNPT rục rịch triển khai truyền hình internet (IPTV).

Sự tiện lợi, chủ động, tương tác, đặt khách hàng lên trên hết, chính là những điểm mạnh của IPTV. Và khi truyền hình internet xâm nhập đời sống, như Fox đã thách thức các hãng truyền hình lớn ở Mỹ, ai dám chắc truyền hình VN có lỗi thời hay không và có còn là lựa chọn của đa số khách hàng như thời hoàng kim của nó? Câu chuyện thương hiệu lúc ấy sẽ thật khó nói.

MỚI - NÓNG