Kết quả kiểm toán Đề án 112:

Ban điều hành Đề án 112 chi sai 167 tỷ đồng

Ban điều hành Đề án 112 chi sai 167 tỷ đồng
TP - Tiền phong đã nêu các “chiêu” chi tiền Nhà nước đến mức “chóng mặt” suốt 5 năm thực hiện Đề án 112. Trong số gần 250 tỷ đồng sử dụng sai, thì có tới 167 tỷ đồng liên quan đến vai trò của Ban điều hành Đề án 112 .
Ban điều hành Đề án 112 chi sai 167 tỷ đồng ảnh 1
Giáo trình đào tạo tin học của Đề án 112 này còn hàng trăm ngàn cuốn lưu kho, mục nát

Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ là cơ quan thẩm định kỹ thuật Đề án cho các bộ, ngành, địa phương, đồng thời phối hợp với Bộ KH&ĐT phân phối vốn đầu tư XDCB của ngân sách T.Ư cho các Đề án con, nhiệm vụ này đã tạo ra quyền hạn lớn trong quản lý và điều hành (vừa thẩm định vừa cấp vốn), tạo ra cơ chế “xin- cho”. 

Việc thẩm định thì quá chung chung, sơ sài, chưa có định hướng về công nghệ cho các bộ, ngành và địa phương v.v... Nhưng Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ lại có quyền phân bổ vốn đầu tư một cách “vô tư”: phân bổ vốn cho các đơn vị khi chưa có quyết định đầu tư, không có đề án hoặc đề án chưa được phê duyệt, hoặc không căn cứ vào dự toán, kế hoạch vốn đầu tư .v.v… Bởi vậy, dường như đối với các địa phương, bộ, ngành thì  Ban điều hành 112 Chính phủ chẳng khác “ông vua”!

Nguồn vốn chi thường xuyên từ ngân sách T.Ư cho Đề án 112 được Bộ Tài chính giao dự toán qua Văn phòng Chính phủ (đơn vị dự toán cấp I), nhưng việc lập và giao dự toán cho Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ năm 2002 lại không theo quy định của Luật NSNN, Bộ Tài chính phân giao dự toán trước, sau đó Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ mới lập dự toán chi tiết để sử dụng.

Và vì vậy mới có chuyện xài tiền đến “chóng mặt” như đã đề cập ở số báo trước. Hay chuyện, Ban Điều hành 112 Chính phủ phân bổ vốn XDCB của Đề án cho các  bộ, ngành, địa phương nhưng các đơn vị này không  sử dụng hết, phải nộp trả NSNN 13,6 tỷ đồng; một số đơn vị khác không sử dụng hoặc sử dụng chưa hết còn để tồn đến 31/12/2006 là  56 tỷ đồng.  

Nhưng vai trò “vua” mà Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ có được phần nào còn do thiếu sót  của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Việc Bộ Tài chính chậm hướng dẫn xây dựng định mức, đơn giá trong đào tạo, triển khai phần mềm ứng dụng tin học hóa, lại không hề kiểm tra, hướng dẫn, duyệt quyết toán hàng năm ...khiến quyền của Ban điều hành lớn hơn!

Hơn thế, việc Bộ Tài chính đồng ý cho Ban điều hành 112 Chính phủ quyết toán cả kinh phí không có trong dự toán, sử dụng định mức chi đào tạo thí điểm để quyết toán... càng khiến Ban 112 này nhiều quyền hành!

Còn Bộ KH&ĐT thì tăng thêm quyền cho Ban khi cứ phân bổ vốn khá vô tư, như năm 2006 khi giai đoạn I của Đề án đã kết thúc, chưa có dự toán tổng thể và từng năm cho giai đoạn kế tiếp, nhưng bộ này vẫn phân bổ vốn đầu tư cho Đề án 150 tỷ đồng!?

Và việc “hồn nhiên” chi sai 167 tỷ đồng…

Sau kết quả kiểm toán Đề án 112, KTNN đã  đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, xử lý trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức có liên quan với số tiền 247,19 tỷ đồng sử dụng sai, chi sai.

Quyền hành của Ban Điều hành Đề án 112 lớn như thế, nên cứ “hồn nhiên” xài tiền Nhà nước.

Ban điều hành 112 đã  “vung tay” chi  gần 140 tỷ đồng cho các hạng mục vô hình, khó nghiệm thu, khó kiểm tra, chưa có định mức và đơn giá. Đó là đào tạo cán bộ ứng dụng tin học: 103,848 tỷ đồng; đào tạo quản trị mạng: 17,3 tỷ đồng và triển khai dịch vụ cơ bản: 15,5 tỷ đồng...

Nếu hiểu nôm na Đề án 112  gồm 3 phần, thì phần “hồn” là 48 phần mềm ứng dụng dùng chung và để xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia. Ban điều hành 112 Chính phủ lựa chọn xây dựng 48 phần mềm.

Nhưng mới chỉ 3 phần mềm- lại tốn nhiều tiền nhất: hơn 87 tỷ đồng- được xây dựng xong và triển khai diện rộng là: hệ chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc cấp tỉnh; hệ thống thông tin điện tử tổng hợp KT-XH cấp tỉnh; và trang thông tin điện tử phục vụ quản lý.

Song thật đáng tiếc, qua kiểm tra, chỉ có một phần mềm đơn giản nhất sử dụng được. Đó là phần quản lý văn bản và hồ sơ. Tuy vậy, ngay trong phần mềm này cũng chỉ khai thác được một phần nhỏ chức năng của nó là quản lý công văn đến và công văn đi. Thực chất mới dừng ở công đoạn cập nhật, tức là giống như việc ghi vào sổ mà các nhân viên văn thư xưa thường viết tay.

Gần 23 tỷ  đồng đã được tạm ứng thanh toán cho 45 phần mềm dùng chung còn lại, dù chúng vẫn đang nằm ở dạng... ý tưởng “triển khai bước đầu” mà chưa ai biết được hình dáng chúng ra sao!?

Ban điều hành 112 Chính phủ quả thật đã “năng động” trong xài tiền khi cứ “vô tư” chi cho dự án, hạng mục không thuộc nhiệm vụ của mình hết  21 tỷ 47 triệu đồng (gồm: kinh phí chi thường xuyên  727,9 triệu; và kinh phí vay ADB 20,32 tỷ đồng). Khoản này KTNN đề nghị phải thu hồi nộp NSNN.

Song, có lẽ chương trình đào tạo công chức của Đề án 112  mới là  tốn kém nhất. Ban điều hành Đề án 112 đã ký hợp đồng với các đơn vị mở các khóa đào tạo tin học và quản trị mạng cho chuyên viên công tác tại các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, UBND các tỉnh, thành phố.

Với nguồn vốn vay của Ngân hàng ADB, Ban Điều hành đề án 112 đã  sử dụng để chi đào tạo ứng dụng tin học, mà đơn giá chưa được phê duyệt 73,63 tỷ đồng; chi đào tạo ứng dụng tin học, quyết toán chưa có nguồn 29,75 tỷ đồng… (KTNN đã kiến nghị giảm quyết toán 103,84 tỷ đồng những khoản chi sai này).

Chi ra cả trăm tỷ đồng, cả núi giáo trình (riêng tiền in giáo trình đào tạo là 8,429 tỷ đồng, nay hơn 600 triệu đồng bị lãng phí vì tài liệu vẫn xếp xó), tổ chức hơn 2.600 lớp học với 5,1 vạn học viên, nhưng việc đào tạo lại ồ ạt đó chỉ được đánh giá là không đạt yêu cầu.

Điều gì phải đến đã đến khi KTNN yêu cầu xử lý thu hồi nộp ngân sách và giảm chi trong quyết toán hơn 167 tỷ đồng mà Ban điều hành Đề án 112 đã chi sai. Trong đó, phải thu hồi nộp NSNN 21,047 tỷ đồng; phải điều chỉnh  quyết toán 146, 673 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG