Có không ít hiểu lầm xung quanh chế độ ăn chay, kể cả đối với những người đang thực hiện. Dưới đây là 5 quan niệm sai và sự thật về ăn chay trang Times of India liệt kê.
Người ăn chay bị thiếu đạm
Trước đây các nhà dinh dưỡng học cho rằng ăn chay khiến cơ thể thiếu đạm. Ngày nay người ta biết rằng ăn chay vẫn hấp thụ đủ đạm nhờ lượng hoa quả, rau, hạt đa dạng và không rơi vào tình trạng thừa đạm như nhiều người ăn thịt.
Người ăn chay bị thiếu canxi
Người ăn chay trường không sử dụng các thực phẩm từ sữa bị cho là thiếu canxi. Thế nhưng rau lá xanh cũng là nguồn canxi rất quan trọng. Trên thực tế người ăn chay ít bị loãng xương vì loại canxi họ hấp thụ rất dễ tiêu hóa.
Chế độ ăn chay không cân bằng và có thể gây hại cho sức khỏe
Thực ra trong chế độ ăn chay, tỷ lệ 3 chất dinh dưỡng nền tảng là tinh bột, protein và chất béo đều cân bằng. Hơn nữa rau củ quả tốt cho sức khỏe hơn là các loại thịt. Nếu so sánh, người ăn thịt dễ ăn uống mất cân bằng hơn vì có xu hướng ăn quá ít rau.
Ăn chay chỉ dành cho người lớn, trẻ em cần thịt để phát triển
Quan niệm này xuất phát từ nhận định protein thực vật không tốt như protein động vật. Sự thật là mọi loại đạm đều như nhau, cùng được tạo thành từ các axit amin. Trẻ em cần 10 loại axit amin để phát triển và chúng được tìm thấy cả trong rau lẫn thịt.
Con người sinh ra là động vật ăn thịt
Dù chúng ta có thể tiêu hóa được thịt, nhưng cấu tạo cơ thể người thiên về chế độ ăn rau củ quả hơn. Hệ tiêu hóa con người gần với động vật ăn cỏ chứ không giống các loài ăn thịt. Con người có răng nanh nhưng nhiều động vật ăn cỏ cũng có loại răng này và chỉ chúng mới có xương hàm. Ngoài ra nếu con người được "lập trình" để ăn thịt thì sẽ không bao giờ bị bệnh tim, ung thư, gút, tiểu đường hay loãng xương.