Bần cùng, nông dân tự chuẩn bị tang lễ cho mình

Những thứ đồ tang lễ ông Malappa mua để tự chuẩn bị cho đám tang của mình. (Ảnh: BBC)
Những thứ đồ tang lễ ông Malappa mua để tự chuẩn bị cho đám tang của mình. (Ảnh: BBC)
TPO - Khi Mallappa, một nông dân ở bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ, rời khỏi nhà vào tháng 8 năm ngoái, ông nói với gia đình rằng sẽ đi ra cửa hàng thực phẩm. Nhưng thực ra lúc đó ông đi mua các thứ chuẩn bị cho tang lễ của mình.

Trong những thứ ông Mallappa mua hôm đó có một tấm khăn trắng để phủ thi thể, vòng tay cho vợ, hương, vòng hoa và bức ảnh để thờ sau khi chết.

Khi trở về làng, Mallappa đặt tất cả lên ngôi mộ của bố trên cánh đồng nhà mình.

Trong những vật đó có tờ giấy giải thích lý do Mallappa tự vẫn là do không thể trả được khoản nợ 285.000 rupee (gần 93 triệu đồng) tiền vay ngân hàng và những người cho vay tư nhân.

Mallappa viết trong tờ giấy rằng ông đã mua mọi thứ vì không muốn gia đình phải gánh thêm chi phí tang lễ.

Sau đó Mallappa ra túp lều nhỏ gần cánh đồng, nơi ông thường nghỉ ngơi sau thời gian làm đồng. Ở đó, ông đã tự kết liễu đời mình.

Sáng sớm hôm sau, con trai ông, Madhavayya, khi đi chăn gia súc đã phát hiện ra những món đồ mới trên mộ ông nội.

“Tôi cảm thấy điều gì đó không ổn và vội chạy vào trong lều. Tôi bị sốc, thi thể của bố tôi nằm đó”, Madhavayya nói với BBC.

Bần cùng, nông dân tự chuẩn bị tang lễ cho mình ảnh 1 Nông dân Ấn Độ vứt bỏ nông sản trên đường vì giá quá bèo. (Ảnh: Getty Images)

Câu chuyện của ông Mallappa không có gì lạ ở Ấn Độ.

Nông nghiệp Ấn Độ mấy năm qua rơi vào cảnh thê thảm vì giá nông sản giảm mạnh và hạn hán hoành hành.

Nông dân vật vã với những khoản nợ, và tình trạng mất mùa đẩy nông dân vào cảnh đường cùng đến mức phải chọn cái chết với số lượng cao đáng báo động. Từ năm 1995, ít nhất 300.000 nông dân trên cả nước đã tự kết liễu đời mình.

Khu ruộng nhà ông Mallappa, nơi ông thường trồng lạc, đã xác xơ vì hạn hán.

“Chúng tôi có 6 mẫu đất. Chúng tôi đã khoan 4 cái giếng để tưới cây, nhưng 3 cái chẳng bao giờ có nước. Còn cái giếng thứ tư không cho đủ nước. Chúng tôi trồng cà chua và lạc, và chúng tôi quyết định dành nước để tưới cà chua vì có thể bán được giá tốt hơn”, Madhavayya cho biết.

Thế nhưng giá cà chua đã rớt xuống đáy. Hy vọng của ông Mallappa là sẽ trả hết nợ cho gia đình cũng không thành hiện thực.

Giá cà chua năm 2018 thấp đến mức nông dân mất khoảng 1.000 rupee cho mỗi mẫu cà chua họ thu hoạch. Nhiều nông dân còn vứt cả cà chua bên đường để phản đối thương lái mua giá bèo.

Gia đình Mallappa cho biết họ không bao giờ thấy ông có dấu hiệu sẽ tự tử.

“Khi rời khỏi nhà vào hôm đó, bố tôi nói rằng ông sẽ đi trả ít tiền lãi, rồi sẽ mua ít dụng cụ và phân bón về. Có vẻ ông ấy đã định tự tử khoảng 1 tuần trước đó, nhưng không ai trong nhà tôi nhận thấy dấu hiệu nào”, Madhavayya kể.

Madhavayya sống cùng mẹ, bà Marekka, trong căn nhà 1 gian. Ba con gái của bà Marekka đã kết hôn và đang sống ở làng bên, còn con trai út xuống thành phố Bangalore ở phía nam để tìm việc làm.

“Ông ấy nhiều lần phải vay tiền để trồng trọt, nhưng mùa màng thất bát liên tiếp vì hạn hán kéo dài. Năm nay, ông ấy hy vọng có thể trả xong nợ, nhưng cuối cùng chẳng được”, bà Marekka cho biết.

Vào ngày chuẩn bị đi mua đồ làm đám tang cho mình, ông Mallappa đã có một vị khách viếng thăm vào sáng hôm đó. Bà Marekkha cho biết ít nhất một trong những chủ nợ đã đe dọa gia đình bà.

Giới chức địa phương cho biết hạn hán ở vùng này nghiêm trọng chưa từng thấy trong ít nhất 54 năm qua.

“Cái chết của ông Mallappa là một ví dụ cho tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở đây. Thay vì bảo đảm cuộc sống, đất nông nghiệp ở đây trở thành gánh nặng cho nông dân”, SM Bhasha, một nhà họa động nhân quyền ở địa phương, cho biết.

Bần cùng, nông dân tự chuẩn bị tang lễ cho mình ảnh 2 Những người nông dân Ấn Độ mang theo ảnh người thân của họ đã tự tử để xuống đường biểu tình. (Ảnh: Getty Images)

Một phần nợ của anh Mallappa được chính quyền bang miễn, theo đề án giảm bớt gánh nặng cho nông dân.

Sau cái chết của nông dân này, chính phủ cho biết sẽ hỗ trợ cho gia đình anh 500.000 rupee. Chính quyền địa phương còn nói sẽ thanh toán khoản nợ ngân hàng 150.000 rupee giúp gia đình anh.

Nhưng gia đình Mallappa cho biết đến nay họ vẫn chưa nhận được khoản tiền nào.

Madhavayya nói rằng cậu vẫn hy vọng mùa cà chua tiếp theo sẽ được giá hơn.

“Chúng tôi không biết số phận sẽ ra sao. Tôi chỉ biết tưới cà chua với hy vọng có thể kiếm được tiền. Nếu không có mưa và mất mùa, chúng tôi không có cách nào khác là phải bán đất và gia súc rồi chuyển đến một thị trấn để kiếm việc”, Madhavayya nói.

Theo theo BBC
MỚI - NÓNG