Lật lại tranh giả
Nghiên cứu Paintings can be forged, but not feeling: Vietnamese art-market, fraud and value (Bức tranh có thể làm giả, nhưng cảm xúc thì không: Nghệ thuật Việt Nam-Thị trường, giả nhái và giá trị) công bố ngày 9/10 trên một tạp chí trong cơ sở dữ liệu ISI Web of Science (ESCI). Nhóm nghiên cứu gồm sáu người trong đó có TS Vương Quân Hoàng, Giám đốc Trung tâm ISR, Đại học Thành Tây - Hà Nội, TS. Trần Kiên, giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm ISR, Đại học Thành Tây bỏ ra khoảng 6 tháng thu thập dữ liệu, phân tích về 35 trường hợp tranh giả được chú ý trên truyền thông Việt Nam và ý kiến đánh giá từ chuyên gia. Nhóm nghiên cứu dẫn chứng điều kiện kinh tế tốt lên mở đường cho thị trường tranh Việt Nam. Chỉ trong vòng ba thập kỷ qua, người Việt Nam từ chỗ ăn uống dè sẻn nay có thể tới các tiệm McDonald bất cứ khi nào họ muốn. Việc này cũng tác động đến thu nhập của nghệ sĩ, thúc đẩy người sưu tập, các bảo tàng tham gia vào thị trường mỹ thuật.
Nhóm nghiên cứu đề cập câu chuyện bức Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân để chứng minh cho việc thị trường tranh giả, tranh nhái ở Việt Nam kéo dài từ lâu. Kiệt tác của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân là tác phẩm được sao chép khá nhiều. Bức tranh gốc do nhà sưu tập Đức Minh sở hữu, từng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mượn triển lãm ở nước ngoài. Bảo tàng từng nhờ chép tranh nhưng không đề rõ đó là tác phẩm sao chép, nhưng cũng từ chối chấp nhận số tranh do nhà sưu tập Đức Minh hiến tặng bảo tàng. Sau khi ông Đức Minh qua đời, con trai ông bán bức này với giá 15 nghìn USD, nó bị tuồn ra nước ngoài, sau đó được bán với giá 200 nghìn USD rồi nghe nói quay trở lại Việt Nam khi được mua lại với giá khoảng 400 nghìn USD, tuy nhiên tới nay rất ít người biết rõ về bản gốc kiệt tác vẽ năm 1943 này.
Dữ liệu và phân tích của nhóm nghiên cứu tập trung vào 35 trường hợp tranh giả được chú ý trên truyền thông những năm gần đây. Trong số này không thể không nhắc tới bức Mơ về một ngày mai được cho là tranh của Tô Ngọc Vân, được nhà Christie’s Hong Kong đấu giá, tuy nhiên sau đó được phát hiện là tranh giả, tác phẩm sao chép ngớ ngẩn từ tác phẩm nổi tiếng của hoạ sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 17. Ngoài ra có thể kể đến những vụ tranh giả khác như làm giả bức Thiếu nữ uống trà của Vũ Cao Đàm, Ra chơi của Mai Trung Thứ và đem đấu giá ở Pháp, bức Phố cũ của Bùi Xuân Phái dù trong nước nhận định tranh giả vẫn được đấu giá thành công tại các sàn đấu giá danh tiếng thế giới.
Lí giải tranh giả
Kết quả công bố trên tạp chí ISI này là nghiên cứu hàn lâm đầu tiên về nạn tranh giả, tranh nhái của Việt Nam. Hồ Mạnh Toàn, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho rằng nhóm nghiên cứu đi tới ba điều đúc rút chính: Bất chấp tính gây tranh cãi về tranh giả, tranh nhái giá vẫn tăng-chứng tỏ sự tranh cãi này không ảnh hưởng tới giá trị kinh tế của tác phẩm. Chẳng hạn một bức tranh về đề tài gia đình của hoạ sĩ Lê Phổ được đấu giá hơn 535 nghìn USD tại nhà Sotheby’s, nhưng vẫn bị nghi ngờ tranh giả. Các nhà đầu tư, nhà đấu giả nước ngoài đẩy cao giá tranh Việt Nam nhưng chưa có căn cứ chuẩn xác về lịch sử và chất lượng. Trước thực trạng này, hiếm có trường hợp nào cơ quan chức năng Việt Nam can thiệp, xử lý, còn giới hoạ sĩ ngày càng bất lực trước tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Chỉ trong ngày đầu công bố, bài nghiên cứu thu hút 1 nghìn lượt xem, 10 ngày sau có gần 5 nghìn lượt xem và hơn 700 lượt tải về. Trong cùng chủ đề số đặc biệt về tội phạm nghệ thuật, một nghiên cứu khác của hai tác giả ở Mỹ, Đức chưa đầy 1 nghìn lượt xem dù công bố từ tháng 6. TS. Trần Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội đánh giá nhờ tính liên ngành của nghiên cứu, những người thực hiện cố gắng mổ xẻ hiện tượng này dưới nhiều góc độ từ nghệ thuật, kinh tế, pháp luật và tâm lý. Có lẽ vì thế mà tạp chí khá ưu ái cho nhóm nghiên cứu đăng tải bài viết dài tới 33 trang.
Câu chuyện xử lý tranh giả, tranh nhái được đề cập dưới nhiều góc độ. TS. Trần Kiên phân tích thêm, mặc dù chế tài áp dụng cho các trường hợp phát hiện tranh giả, tranh nhái tương đối rõ ràng, tuy nhiên gần như không có trường hợp nào được xử lý rốt ráo dù bắt tận tay day tận trán, tang chứng rõ ràng.
“Khi đặt câu hỏi tại sao tác giả ngại đi kiện, chúng tôi phân tích dưới nhiều lăng kính khác nhau. Ở góc độ luật pháp, đúng là quy trình khởi kiện hơi phức tạp, mất thời gian, đòi hỏi có bằng chứng. Xét về mặt kinh tế, có thể tác giả thấy giá trị bán bức tranh đó quá thấp, hoặc xuất phát từ tâm lí e ngại, công việc bận rộn”, TS. Trần Kiên nói. Ông cho rằng nghiên cứu lần này mang tính nền tảng, tiếp cận vấn đề liên ngành nên sẽ là cơ sở để các nhà nghiên cứu sau đào sâu, giải quyết từng vấn đề về tranh giả, tranh nhái ở Việt Nam.
Bộ VHTTDL mới thành lập Trung tâm giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Bộ cũng thành lập hội đồng giám định, chia thành ba hội đồng nhỏ: Giám định tác phẩm hội hoạ, điêu khắc và sắp đặt, hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh. Ngoài ra, Cục Mỹ thuật hợp tác với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để nhờ tới máy móc thẩm định trong một số trường hợp chưa chắc chắn như nghi ngờ về chất liệu sơn, toan vẽ và năm tuổi của gỗ.