Ngày 25-10, trao đổi với báo chí về việc 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo bị UBND TP Cần Thơ xử lý đấu giá sung công quỹ, chủ tiệm vàng Thảo Lực (quận Ninh Kiều) cho biết đang cân nhắc việc khởi kiện quyết định này.
Theo đó, quyết định tịch thu 2.260.000 đồng của ông Nguyễn Cà Rê (nhân viên điện lực) và 100 USD của tiệm vàng mua của ông Rê chuyển vào kho bạc. Số kim cương và đá nhân tạo trị giá hơn 548 triệu đồng trên cũng sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ để xử lý.
Vi phạm đến đâu, phạt đến đó
Như chúng tôi đã thông tin, trước đó ông Rê đem 100 USD vào tiệm vàng Thảo Lực đổi thì bị phát hiện và bị phạt 90 triệu đồng. Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực) ngoài việc bị phạt 180 triệu đồng vì mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ còn bị phạt 115 triệu đồng với một số lỗi vi phạm hành chính khác.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết Nghị định 96/2014 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) được bổ sung, sửa đổi từ Nghị định 2002, đó là gia tăng hình thức xử phạt đối với người mua bán vàng và ngoại tệ trái phép. Từ khi Nghị định 96 có hiệu lực thì đã thiết lập được trật tự kỷ cương trên thị trường vàng với thị trường ngoại hối. Cũng nhờ nghị định này mà sức ép về tỉ giá trên thị trường tự do cũng đã giảm mạnh.
Việc xử phạt với hành vi của ông Rê và tiệm vàng là cần thiết nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi quy định này theo hướng phải định lượng giá trị ngoại tệ vi phạm để xử phạt.
Theo ông Huỳnh Minh Khánh (cán bộ TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang), Điều 24 nói trên được thiết kế theo kiểu hành vi vi phạm hành chính cấu thành hình thức. Nghĩa là chỉ cần vi phạm, không cần xác định số ngoại tệ mua bán nhiều hay ít đều bị xử phạt cùng một mức tiền. Điều này khiến một người mua bán 1 USD cũng bị phạt giống người mua bán 1 triệu USD, cùng bị phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng. Nó tạo ra sự bất bình đẳng và không hợp lý đối với những người vi phạm.
Trong khi về bản chất, hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ là hành vi vi phạm hành chính cấu thành vật chất. Tức là có thể xác định được mức độ của hành vi này dựa trên giá trị vật chất số ngoại tệ mua bán. Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng quy định mức xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm. Ví dụ, giá trị ngoại tệ mua bán được quy đổi thành tiền VNĐ dưới 20 triệu đồng thì bị phạt 10-20 triệu; từ 20 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt 20-50 triệu đồng…
Đồng tình, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM, phân tích: Quy định như hiện nay là chưa phân hóa được mức độ vi phạm, đánh đồng hành vi vi phạm. Chính vì thực tế quy định này mà mức xử phạt với ông Rê trong vụ này khiến ai cũng giật mình. Ông Rê chỉ đổi 100 USD (tương đương hơn 2 triệu đồng) mà bị xử phạt đến 90 triệu đồng, gấp vài chục lần. “Tôi nghĩ cần sửa đổi quy định theo hướng phân chia rõ mức vi phạm và phân hóa thành nhiều mức xử phạt hợp lý, tránh tạo ra những phản ứng thái quá của người vi phạm” - LS Hồng nói.
“Gần như toàn bộ quy định liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính ở nhiều lĩnh vực đều áp dụng chế tài xử phạt bằng việc quy định mức xử phạt dựa trên giá trị vi phạm. Thế nhưng Nghị định 96/2014 lại quy định mức xử phạt chỉ dựa vào hành vi vi phạm” - LS Lê Trung Phát, Công ty Luật TNHH LS Riêng, đánh giá. Theo LS Phát, phải sửa đổi quy định để phân loại rõ tính chất vi phạm, tránh việc cào bằng trong xử phạt.
Không gom chung hành vi mua, bán “cùng một rọ”
Theo các chuyên gia, Nghị định 96/2014 còn gom tất cả vi phạm trong hành vi mua, bán vào “cùng một rọ” khiến họ có chung một mức xử phạt, vừa không đảm bảo công bằng vừa khó áp dụng.
LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS TP Cần Thơ, phân tích: Theo quyết định xử phạt về hành vi thu đổi USD của tiệm vàng Thảo Lực thì UBND TP Cần Thơ đã áp dụng điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014 để xử phạt 180 triệu đồng. Theo cách áp dụng trên thì hành vi vi phạm của tiệm vàng giống với ông Rê là mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. theo khoản 3 Điều 24 trên thì mức phạt chỉ là từ 80 triệu đến 100 triệu đồng, đây là điều bất hợp lý và không đúng với quy định xử phạt.
Trong khi theo LS Đức, phải xem xét xử phạt tiệm vàng này ở khoản 7 Điều 24 Nghị định 96. Theo đó, phạt tiền từ 500 triệu đến 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép, hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép.
Có nên tịch thu tang vật vi phạm?
Theo LS Lê Trung Phát, Nghị định 96 quy định hình thức xử phạt bổ sung bằng việc tịch thu ngoại tệ, VNĐ đối với hành vi vi phạm là phù hợp. Bởi có như vậy mới đủ chế tài để mọi người phải nâng cao ý thức trong hoạt động này. Nếu không áp dụng hình thức phạt bổ sung thì rất có thể nhiều cá nhân, tổ chức chấp nhận đóng phạt nếu việc vi phạm chẵng may bị phát hiện.
Thực tế cho thấy nguyên nhân chính trong các vi phạm đến lĩnh vực ngoại tệ xuất phát từ các cá nhân, tổ chức biết mình không đủ điều kiện để hoạt động. vì lợi nhuận mà họ đã cố tình vi phạm, trong khi mức xử phạt hiện tại theo Nghị định 96 chưa thực sự cao. Vì vậy, cần nâng mức phạt đối với các tổ chức cố tình vi phạm, có như vậy họ sẽ không đánh đổi lợi nhuận với việc xử phạt để vi phạm.
LS Nguyễn Văn Hồng lại cho rằng việc mua bán, thu đổi ngoại tệ tại các tổ chức được phép thu đổi ngoại tệ là hành vi hợp pháp. Còn khi người dân mua bán, trao đổi ngoại tệ ở nơi không đủ điều kiện thì họ đã bị xử phạt. Do vậy, cần trả lại tang vật cho họ và hướng dẫn họ thực hiện thu đổi tại tổ chức có chức năng. Việc áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số ngoại tệ vi phạm là quá nghiêm khắc.