Bám sát những vấn đề dân sinh của ĐVTN

Bám sát những vấn đề dân sinh của ĐVTN
TP - Những công trình, phần việc của tuổi trẻ được nêu bật tại đại hội Đoàn tỉnh Tây Ninh, Ninh Thuận và Thái Nguyên. Các đại hội đang quyết tâm triển khai nhiều mục tiêu lớn bám sát yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương và tìm hướng đi mới giải quyết những vấn đề mới phát sinh, tạo dấu ấn, sức sống mới cho Đoàn.

> Phát triển kinh tế, cảm hóa người chậm tiến

Trông từng con người cũng thấy những niềm tin

Đại hội Đoàn tỉnh Tây Ninh diễn ra ngày 2 và 3-10 với sự tham dự của 250 đại biểu đại diện gần 60.000 ĐVTN. Dự và chỉ đạo Đại hội có Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy.

Giáp ranh nước bạn Campuchia, ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền (huyện Châu Thành), vốn là vùng đất đỏ, bỏ hoang. Tháng 7-2010, làng thanh niên lập nghiệp với gần 50 hộ gia đình, tuổi 18-25 được thành lập.

Diện tích gần 250 ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 26,6 tỷ đồng. Đến giữa năm 2011, thanh niên trong làng vẫn phải miệt mài vỡ đất, khai hoang, cải tạo con đường gập ghềnh mịt mù bụi đỏ dẫn vào làng.

Chỉ hơn 1 năm sau, màu xanh đã phủ kín làng thanh niên lập nghiệp. Gần 100 hộ gia đình đã biến mảnh đất hoang 250 ha thành những cánh đồng lúa, rẫy mì, khoai, sắn…

Vốn là những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, với ý chí lập thân lập nghiệp, họ cùng nhau về đây xây dựng cuộc sống mới. Mỗi hộ gia đình được cấp 2 ha đất nông nghiệp và một ngôi nhà. Những vụ mùa đầu tiên đã biến đá sỏi thành miếng cơm, manh áo.

Con em trong làng đều được đến trường. Mỗi rẫy mì thu về hơn 20 triệu đồng. Những héc ta cao su đầu tiên đã ươm mầm, mang niềm tin về những cánh rừng cao su bạt ngàn trải dài biên giới. Những gương mặt rắn rỏi, lạc quan, trông từng con người cũng thấy những niềm tin (Tình đất đỏ miền Đông - Trần Long Ẩn).

 Đoàn ta phải chủ động ngăn ngừa và khắc phục bệnh hình thức, xu hướng hành chính hóa hoạt động đoàn thể các cấp”  

Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Phan Văn Mãi phát biểu: "Tây Ninh đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp, đòi hỏi các cấp bộ Đoàn phải tổ chức các hoạt động thiết thực: thành lập các chi đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các chi hội thanh niên nhà trọ, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho thanh niên công nhân, gia đình trẻ, xây dựng các khu vui chơi giải trí, nhà ở hỗ trợ thanh niên công nhân yên tâm sinh sống, làm việc”.

Anh Huỳnh Thanh Phương tái đắc cử bí thư bằng hình thức bầu trực tiếp tại đại hội.

Nơi thanh niên dễ ly nông, ly hương

Ngày 3-10, Đại hội Đoàn tỉnh Ninh Thuận khai mạc với sự tham dự và chỉ đạo của Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Dũng.

Nhiệm kỳ qua, Tỉnh Đoàn phối hợp với Đài PTTH tỉnh tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ” mỗi tháng một lần, trao tặng hơn 225 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ chương trình này, các huyện, thành Đoàn đã trao hơn 3.974 suất học bổng trị giá trên 519 triệu đồng.

Đoàn đã tư vấn nghề nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế thanh niên và tín chấp cho thanh niên vay vốn với số dư nợ 100 tỉ đồng; xung phong đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên như làm đường giao thông nông thôn, xây tặng nhà nhân ái, tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện giúp đỡ nhân dân vùng khó khăn…

Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An nhấn mạnh: “Chúng ta ở gần vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với những tỉnh có sức hút mạnh mẽ nguồn nhân lực như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An nên thanh niên dễ dàng “ly nông”, “ly hương”.

Thanh niên Ninh Thuận đang cần vốn, nghề nghiệp để nâng cao thu nhập, trình độ học vấn, chuyên môn, cần môi trường để lao động, cống hiến. Những nhu cầu đó đòi hỏi tổ chức Đoàn phải không ngừng đổi mới và theo hướng đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp.

Đặc biệt chú ý thực hiện các công trình, phần việc giúp đỡ nhân dân vùng núi, vũng bãi ngang, vùng đồng bào dân tộc, các vùng phải di dân để xây dựng nhà máy điện hạt nhân”.

Chống hành chính hóa, tránh độc thoại

Nhiệm kỳ qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, kỹ năng sống được tỉnh Đoàn Thái Nguyên triển khai với nhiều hình thức sinh động như: “Sinh hoạt đồng loạt - sự kiện lịch sử trong tuần”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ”, “Học kỳ quân đội”, “Khi tôi 18”… Các phong trào, hoạt động đều hướng về cơ sở, đối thoại trực tiếp là chính.

Tuổi trẻ toàn tỉnh đã làm gần 2.100 công trình thanh niên, trong đó, có: 500 biển nhắc về an toàn giao thông tại các tuyến đường; san nền, cấp nước, cấp điện cho khu tái định cư Hồ Xương Rồng…

Một số hoạt động khác như: xây mới và sửa chữa 222 ngôi nhà; tặng đồ dùng sinh hoạt cho các gia đình chính sách trị giá gần 3 tỷ đồng; tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 17.000 lượt người với tổng số tiền thuốc trên 2 tỷ đồng.

“Tập trung đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, hoạt động của chi đoàn, Đoàn cơ sở; gắn với sinh hoạt hoạt động của Đoàn với việc giải quyết những vấn đề bức xúc của đoàn viên ở địa bàn dân cư, vấn đề bức xúc của cộng đồng, đơn vị. Phát huy vai trò chủ thể của người đoàn viên trong mọi sinh hoạt, hoạt động của tổ chức Đoàn; khắc phục tình trạng hành chính hóa, sinh hoạt, hoạt động hình thức và độc thoại một chiều trong sinh hoạt Đoàn”- Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh tại đại hội.

Đại hội diễn ra trong ba ngày, từ 2 đến 4-10, có 277 đại biểu tham dự. Anh Dương Văn Tiến được bầu giữ chức bí thư.

Đại hội đề ra mục tiêu của nhiệm kỳ tới, hằng năm tư vấn và giới thiệu việc làm cho 15.000 - 20.000 ĐVTN, mỗi chi đoàn cơ sở, Đoàn cơ sở có ít nhất một công trình, phần việc thanh niên; cảm hóa ít nhất một thanh niên chậm tiến…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG