Băm nát Măng Đen: Những ai phải chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, hàng loạt dự án xây biệt thự, nghỉ dưỡng nhanh chóng được chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên, sau nhiều năm, các dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy hoặc trên thực địa, chỉ có vài công trình tạm bợ được dựng lên. Ai đã băm nát Măng Đen và chịu trách nhiệm ra sao vẫn là câu hỏi còn để ngỏ...

Biệt thự “ma”, biệt thự trên giấy

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong số hơn 90 dự án (DA) đầu tư vào Kon Plông (Kon Tum), có tới 25 DA khu du lịch sinh thái, trong đó có 16 DA chậm triển khai. Điển hình như DA đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái V.T.B. Dự án có tổng diện tích hơn 200ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013, quyết định giao đất từ năm 2014 (đã giao gần 15ha), tổng vốn đầu tư dự án là hơn 565 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Theo Kết luận số 222/KL-TTCP ngày 18/2/2022 của TTCP, qua kiểm tra điểm trình tự, thủ tục 89 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ) tại thị trấn Măng Đen, thanh tra phát hiện nhiều vi phạm như ý kiến của cơ quan đăng ký đất đai trong đơn đăng ký cấp sổ đỏ không nêu căn cứ pháp luật về công nhận quyền SDĐ hoặc không ghi đầy đủ nội dung theo quy định.

Đáng nói, trong sổ đỏ cấp lần đầu cho các trường hợp giao đất xây dựng nhà ở biệt thự ghi không đúng quy định về mục đích SDĐ, thời hạn SDĐ. Trả lời PV, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết đang khắc phục, xử lý các sai phạm này theo hướng dẫn của TTCP.

Đối với khu đất biệt thự ngay đầu khu du lịch sinh thái Măng Đen, điều kiện được thuê đất ở đây là sau khi làm thủ tục, nhà đầu tư phải xây dựng trên đất theo thiết kế mà chính quyền đưa ra. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đã đối phó bằng cách chỉ xây thô nhiều căn nhà rồi để hoang.

Đến nay, Măng Đen có khoảng 200 căn biệt thự được đưa vào sử dụng. Hiện, Măng Đen vẫn trong đợt “sốt” đất, có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm về hỏi mua. Theo một cò đất tên T. sống ở đây lâu năm, giá đất Măng Đen đã tăng trên 20 lần so với cách đây 10 năm, 3 tỷ đồng chỉ mua được lô đất 350m2 (ở phân khúc rẻ). Riêng khu biệt thự có giá 13-30 tỷ đồng tùy theo vị trí và diện tích. Đất khu vực Nhà thờ Đức mẹ Măng Đen tầm 6 tỷ đồng/lô 300m2.

Để giải quyết thực trạng hàng loạt dự án ôm đất đầu cơ, chây ì không thực hiện, theo KTS Nguyễn Hồ (Hội KTS TPHCM), UBND tỉnh Kon Tum và các sở ngành liên quan cần cương quyết áp dụng các quy định về việc chuyển nhượng dự án bất động sản đã được quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản hiện hành.

“Với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt. Ngoài ra, cần tăng cường và triệt để thu thuế đối với tình trạng “lách luật” bằng chiêu trò mua một phần chứ không phải toàn bộ dự án”, KTS Nguyễn Hồ đề nghị.

Trong những ngày về tìm hiểu thực tế, chúng tôi tận mắt thấy còn nhiều DA xây dựng biệt thự hơn chục năm qua vẫn chỉ nằm trên giấy. Điển hình như DA khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen có quy mô gần 19ha tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long, tổng vốn đầu tư hơn 49 tỷ đồng.

Sau 14 năm triển khai chỉ có công trình trung tâm hội nghị với diện tích rộng gần 1.000m2 gần ngã tư đường Hồ Xuân Hương-Sư Vạn Hạnh. Hiện tại, công trình đã xuống cấp, cỏ mọc um tùm.

Dự án xây dựng 40 biệt thự nghỉ dưỡng của Cty Cổ phần Sài Gòn Măng Đen với tổng vốn đầu tư gần 136 tỷ đồng, hiện trở thành chòi nghỉ và chưa được cấp phép xây dựng.

Theo báo cáo của Huyện ủy Kon Plông, có nhiều DA, nhà đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện, triển khai chậm so với tiến độ cam kết, không đảm bảo về quy mô và mục tiêu của DA; có tình trạng lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để chiếm đất, giữ chỗ, bán sang nhượng DA.

Dự án “bánh vẽ” giữ đất

Tại đây, không chỉ các DA biệt thự, hàng chục DA của Măng Đen cũng giậm chân tại chỗ. Cụ thể, DA kinh doanh vườn hoa, cây cảnh và du lịch sinh thái của Cty Cổ phần Măng Đen triển khai giai đoạn 1 từ năm 2011-2013. Đây là quần thể vườn hoa, khu du lịch sinh thái, có 50 nhà nghỉ, cáp treo… quy mô gần 63ha ở tiểu khu 487 xã Đăk Long. Tuy nhiên, sau 10 năm, tất cả chỉ là “bánh vẽ” của nhà đầu tư, đất đai bỏ hoang.

DA bảo tồn và phát triển các loại hoa phong lan phục vụ du lịch sinh thái của Hợp tác xã Lan rừng Măng Đen được huyện Kon Plông bố trí 1 ha đất ngay trung tâm huyện. Thế nhưng, đến nay khu đất này chỉ có một căn nhà lụp xụp.

Băm nát Măng Đen: Những ai phải chịu trách nhiệm? ảnh 1

Hàng loạt dự án được giao hàng trăm ha đất nhưng chậm tiến độ

Năm 2021, Huyện ủy Kon Plông kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi 8 DA đầu tư treo trên địa bàn. Đến nay, có 3/8 DA được UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của liên ngành thu hồi, bao gồm: DA khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen (Cty Cổ phần Măng Đen); DA trồng cây việt quất dưới tán rừng tại thôn Măng Đen của Cty TNHH Kon Tum Bellest; DA đầu tư xây dựng biệt thự sinh thái cao cấp tại khu du lịch Măng Đen của Cty cổ phần Măng Đen Villa.

Kiểm tra toàn diện các dự án

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Duy Khánh - Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết, cơ quan chức năng đang rà soát, đánh giá lại toàn bộ các dự án đầu tư trên địa bàn. Có khoảng 40% dự án chậm tiến độ, nhiều sai phạm, cần xử lý nghiêm, có thể bị thu hồi.

“Hơn 2 năm kể từ khi tôi về đây, có thể thấy doanh nghiệp trên địa bàn “hứa” là chính. Một số doanh nghiệp không đủ năng lực lại có hiện tượng giữ đất. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ để có hướng xử lý. Nếu doanh nghiệp thiếu gì chúng tôi sẽ đáp ứng, còn giữ đất sẽ xử lý nghiêm”, Bí thư Huyện ủy Kon Plông khẳng định.

Tại Kết luận số 222/KL-TTCP ngày 18/2/2022 của Thanh tra Chính phủ (TTCP), đã chỉ rõ trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm trên thuộc về HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách; Giám đốc các Sở KH&ĐT, TN&MT, Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.

Để làm rõ thêm trách nhiệm cũng như quan điểm xử lý trong thời gian tới, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, hai vị lãnh đạo này từ chối tiếp phóng viên với lý do bận họp, đề nghị chúng tôi liên hệ với Chánh văn phòng UBND tỉnh để lấy thông tin. Khi phóng viên liên hệ làm việc với Chánh văn phòng thì người này báo “bận họp”...

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.