Bài toán điều hành

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép trong nước đã có 4 lần tăng liên tiếp ở mức 1,8 - 2,2 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng/tấn. Hàng loạt công ty xi măng cũng thông báo tăng giá xi măng bao và rời từ ngày 20/3.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, trong nửa cuối tháng 3 có đến 14 doanh nghiệp thông báo tăng giá sản phẩm. Mức tăng phổ biến của các hãng xi măng là 100.000 đồng- 150.000 đồng/tấn.

Với người dân, việc giá xăng dầu liên tục tăng 7 lần liên tiếp từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá. Còn với các doanh nghiệp sản xuất, việc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa gửi hãng tàu về điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái - Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết... với mức tăng 10 - 30% so với đơn giá được duy trì từ năm 2019 đang khiến các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa.

Thực tế 2 năm trở lại đây, giá cước vận tải biển đã liên tục phi mã, tăng gấp 3-5 lần so với trước đây, khiến các đơn hàng của doanh nghiệp bị đội vốn rất lớn. Việc vận tải hành khách tăng 20% giá vé từ cuối tháng 3 rồi các hãng xe công nghệ cũng điều chỉnh tăng đồng loạt mức giá vận chuyển đã khiến vòng xoáy tăng giá hàng hoá bước vào chu kỳ mới. Đề xuất của các hãng hàng không về việc bỏ trần giá vé máy bay, tăng thêm ưu đãi cho ngành vận tải quan trọng này để có lực đón đầu mở cửa nền kinh tế cũng đang là bài toán đặt ra. Việc giá vé máy bay neo ở mức cao sẽ khiến ngành công nghiệp du lịch, trị giá nhiều tỷ USD, phải chậm lại đà mở cửa dù giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã hạ nhiệt chút xíu khi xăng E5 RON 92 có giá bán lẻ là 28.330 đồng (giảm 655 đồng/lít); xăng RON 95 có giá 29.192 đồng/lít (giảm 632 đồng/lít) vào ngày 21/3.

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại các vòng xoáy tăng giá thời gian tới sẽ để lại nhiều hệ luỵ khi giá đã lên mặt bằng mới, đương nhiên không có chuyện sẽ giảm nhịp theo giá xăng dầu thế giới. Lạm phát cao, giá hàng hoá leo dốc sẽ phá hỏng các chính sách phục hồi kinh tế mà Chính phủ đã nỗ lực đưa ra thời gian qua.

Cũng theo các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều nếu như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế không được triển khai kịp thời và đồng bộ. Sự điều hành lạc nhịp giữa các bộ ngành hoặc điều hành không “nhìn trước, ngó sau”, cân nhắc các lợi hại cũng sẽ khiến cho các cơ hội phục hồi bị bỏ lỡ.

Những ngày này, bữa cơm của không ít người nghèo, công nhân lao động đã thêm phần sa sút vì tác động của giá hàng hóa tăng theo giá xăng dầu. Những mong các phương án điều hành vĩ mô của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương – Tài chính với mặt hàng xăng dầu, sẽ kịp thời hơn nữa, để không tạo ra các cú sốc tăng giá trong tương lai. Việc điều hành biết “liệu cơm, gắp mắm” của cơ quan quản lý trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sẽ có ích rất nhiều với từng người dân, doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG