Tránh là không nên la rầy, doạ nạt khi trẻ đái dầm mà nên động viên, giúp trẻ không mặc cảm gây căng thẳng thần kinh. |
Vì sao trẻ đái dầm?
Tiểu tiện là một phản xạ thần kinh. Hệ thần kinh chỉ huy bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài - khi bàng quang căng đầy nước tiểu. Hầu hết trẻ càng trưởng thành nhờ hệ thần kinh đã phát triển nên trẻ nhịn đái được lúc đang ngủ. Tuy vậy trong cuộc sống hàng ngày có một số trẻ chỉ nhịn đái được lúc thức nhưng ban đêm không nhịn được gây nên đái dầm.
Về cơ chế bệnh lý, những yếu tố thường liên quan đến đái dầm là khả năng phát triển của bàng quang không tốt hoặc bàng quang quá nhỏ hoặc hệ thần kinh chưa phát triển, chưa hoàn thiện hoặc do mắc một số bệnh nào đó.
Một số trẻ mắc một số bệnh cũng làm gia tăng chứng đái dầm . Nhiễm trùng đường niệu cũng có thể gây đái dầm, đây là loại nhiễm trùng hay gặp ở trẻ. Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em gái gặp nhiều hơn trẻ em trai do niệu quản ngắn hơn, lỗ đái quá gần hậu môn, nhất là khi vệ sinh kém.
Trong các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu bệnh viêm bàng quang là loại hay gặp nhất do viêm ngược dòng. Một số bệnh làm giảm dòng chảy của nước tiểu từ thận xuống cũng gây nên đái dầm như viêm cấp tính, sỏi, dị dạng bẩm sinh và hẹp bao quy đầu ở trẻ con trai. Tỷ lệ các trẻ em trai hẹp bao quy đầu gây dái dầm chiếm tỷ lệ khá cao.
Ngoài ra một số bệnh như đái tháo đường, các bệnh về thận do đi tiểu nhiều lần làm giảm tỷ trọng nước tiểu cũng gây nên đái dầm (gặp chủ yếu ở người trưởng thành).
Đái dầm di truyền hay không đến nay chưa có kết luận, nhưng theo thống kê của một số nhà khoa học, nếu cha hoặc mẹ lúc bé bị đái dầm có tới 40% con cái cũng mắc chứng bệnh này và trường hợp cả bố và mẹ lúc bé đều bị - nguy cơ này lên tới trên 65%.
Có thể gặp loại đái dầm có từ lúc nhỏ, đái dầm liên tục trong tất cả các đêm (có khi đái dầm cả lúc ngủ ban ngày), loại này thường gặp ở lứa tuổi dưới 5 tuổi và chiếm khoảng 15 - 20%.
Có thể gặp đái dầm thứ phát, loại này đã có thời kỳ không còn đái dầm nhưng sau một thời gian vì lý do nào đó trẻ bị tái phát, loại đái dầm này thường gặp ở lứa tuổi từ 5 tuổi đến 12 tuổi chiếm khoảng từ 3 - 8%. Bên cạnh đó có một số tuy đã lớn tuổi (thậm chí đã ở tuổi trưởng thành) nhưng vẫn mắc chứng đái dầm, loại này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng từ 2 - 5%.
Chỉ bằng bài thuốc đơn giản sẽ khiến con bạn tự tin hơn và có giấc ngủ yên lành. |
Nên làm gì khi trẻ đái dầm?
Đối với trẻ dưới 5 tuổi - cha, mẹ không nên quá lo lắng, chỉ cần giúp trẻ tự chủ, ví như không nên cho trẻ uống nhiều nước trước khi đi ngủ. Cần đánh thức trẻ dậy đi tiểu vào những giờ cao điểm mà cháu thường dái dầm.
Nếu trẻ đã lớn và gia đình đã làm hết cách mà trẻ vẫn đái dầm thì nên cho trẻ đến bệnh viện để thử nước tiểu, siêu âm, chụp đường niệu, khám bao quy đầu (ở trẻ em trai) để xác định nguyên nhân và điều trị.
Một điều nên tránh là không nên la rầy, doạ nạt hoặc trêu chọc trẻ, đặc biệt là đối với trẻ đã lớn, đã biết xấu hổ với người xung quanh. Đồng thời nên động viên, giúp trẻ, không nên để trẻ có mặc cảm gây căng thẳng thần kinh.
Việc thuốc chữa đái dầm Tây y đã có một số loại, nhưng cần được chỉ định và theo dõi của thầy thuốc. Đông y cũng có nhiều bài thuốc tốt, ví dụ một bài thuốc đơn giản, các vị thuốc dễ tìm, rẻ tiền mà theo một số tác giả, khi dùng có thể đạt hiệu quả 80 - 90% (nếu không bị viêm nhiễm, sỏi, không bị dị tật về bằng quang hay chịt hẹp bẩm sinh hoặc hẹp bao quy đầu…).
Bài thuốc đó. gồm các vị: sinh khương (gừng tươi ) 30g; phá cố chỉ 12g, phụ tử chế 6g. Phụ tử và phá cố chỉ tán thành bột và trộn đều rồi cho sinh khương vào giã nát thành dạng cao, đắp vào rốn, cố định bằng băng vải, vài ngày thay một lần.
PGS. TS Bùi Khắc Hậu (Đại học Y Hà Nội)
Tri Thức Trẻ