Bài thơ 9 điểm về Chí Phèo-Thị Nở có 1-0-2

Bài thơ 9 điểm về Chí Phèo-Thị Nở có 1-0-2
Đề bài 'Nếu em là người dân làng Vũ Đại...' được một cậu bạn chuyên Hóa phóng tác thành thơ cực dí dỏm.
Bài thơ của Trần Thế Hoàng Phước. Ảnh chụp từ FB THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu
Bài thơ của Trần Thế Hoàng Phước. Ảnh chụp từ FB THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu.

Được đăng tải trên fanpage THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu, bài thơ lục bát 70 câu kể chuyện làng Vũ Đại với nhân vật chính Chí Phèo - Thị Nở đang chiếm được rất nhiều cảm tình của người đọc. Tác giả của bài thơ này là bạn Trần Thế Hoàng Phước, lớp 11 Hóa 2.

Với đề bài mở: Nếu em là người dân làng Vũ Đại..., Hoàng Phước đã “phá cách” khi thể hiện bằng kiểu thơ lục bát. Nội dung bài thơ khắc họa cuộc đời nhân vật văn học nổi tiếng Chí Phèo và mối tình của Chí với Thị Nở (tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao). Hơn thế, bài thơ lột tả được thực trạng xã hội thời phong kiến khi người dân phải sống trong sự kìm hãm của địa chủ, quan lại.

Vì bất thình lình không nghĩ được ra cách làm bài văn xuôi nên Hoàng Phước “xuất khẩu thành thơ” và cũng nơm nớp lo sợ điểm của mình cũng “phiêu lưu” không kém:“Đến đây em cũng bí rồi/ Văn thơ chấm dứt một thời thăng hoa/ Người nào chẳng có lúc sa/ Vì văn không biết nên là làm thơ/ Mong cô ngoảnh mặt làm ngơ/ Đừng cho không điểm kẻo mờ em toi/ Đồng thời cô cũng săm soi/ Có gì sai sót góp lời cho em”.

Mặc dù cách gieo vần còn hơi cứng so với phong cách viết thơ lục bát nhưng với giọng thơ sinh động, ngôn từ gần gũi và đặc biệt là sự sáng tạo khiến teen đọc xong cứ thế ''đổ'' đứ đừ.

Bài thơ 9 điểm về Chí Phèo-Thị Nở có 1-0-2 ảnh 2

Phần nhận xét của giáo viên cho bài kiểm tra cũng “bá đạo” không kém. Bài thơ được chấm 9 điểm bởi sự sáng tạo, có tài của học sinh mặc dù hơi lan man và chưa sát với đề ra: “Thơ em viết thật là hay/Khiến cô cũng thấy vui lây thế nào/ Thấm tình Thị Nở Chí Phèo/ Càng thương tình cảnh đói nghèo lầm than/ Dù đôi ý có lan man/ Lại thêm chưa sát với đề cô cho/ Nhưng công sáng tạo ra trò/Con trai - chuyên Hóa giờ còn mấy ai?/Độc đáo lại cũng có tài/ Cô liền hạ bút chẳng sai: chín tròn!”.

Ngay khi đăng tải, bài thơ gây “chấn động” thần dân trong trường. Minh Ngọc bình luận: “Mình cảm thấy thật sự thích thú với bài kiểm tra của Phước. Mình thi đại học khối D sợ lắm mấy bài văn xuôi dài, vậy mà thông qua những câu thơ của Phước, mình có thể hiểu rõ hơn và nắm được ý chính của bài Chí Phèo hơn”.

Heo Lười chia sẻ bằng thơ: “Bảo rằng lớp Toán hay thơ/Nay trai lớp Hóa làm hờ đôi câu/ Gọi là cũng để góp vui/ Rằng trai lớp Hoá chẳng hề kém chi”.

Bình luận của cộng đồng mạng về bài thơ Chí Phèo - Thị Nở. Ảnh: Chụp từ màn hình
Bình luận của cộng đồng mạng về bài thơ Chí Phèo - Thị Nở. Ảnh: Chụp từ màn hình.

Nhiều comment khác tỏ vẻ mến mộ anh chàng chuyên Hóa lém lỉnh, chơi “chiêu”. Không ít bạn đã phong tặng tác giả danh hiệu “thánh thơ”, “VIP”, và xuất khẩu thành thơ: “Trường mình bá đạo văn thơ. Thi nhân múa bút trên tờ giấy thi”.

Nhiều bạn còn nhận định: Ai nói dân Tự nhiên không thể “nuốt” các môn Xã hội. Phước là một minh chứng cho điều đó là sai. Một anh chàng chuyên Hóa luôn kết thân với những phương trình hóa học dài loằng ngoằng vẫn xử ngon ơ một tác phẩm văn học tưởng chừng như khô khan.

Bạn Hoàng Phước nói: "Vì viết văn hơi dở, hôm đó lại gần nộp bài với lại đề cũng tự do nên mình thử làm thơ xem sao. Bài này mình làm trong vòng 1h30 phút. Khi được cô giáo khen và bạn bè chia sẻ như vậy mình cũng cảm thấy rất vui".

Hoàng Phước (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè và cô giáo. Ảnh: NVCC
Hoàng Phước (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè và cô giáo. Ảnh: NVCC.

Hoàng Phước có niềm đam mê làm thơ. Tuy không sáng tác thường xuyên nhưng "gia tài" của cậu bạn cũng ngót ngét gần 20 bài rồi. Khi được hỏi về danh hiệu "thánh thơ", Phước ngại ngùng chia sẻ: "Mình nghĩ bạn bè chỉ nói vui thôi. Bản thân mình không dám nhận danh hiệu đó đâu. Nếu được mọi người yêu thích và động viên thì mình sẽ cố gắng cho ra đời những bài thơ hay hơn".

Trước đó, một "thánh thơ" khác của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu - anh chàng Phạm Quốc Đạt (Cuốc Đất) học chuyên Toán cũng trở thành "hiện tượng". Quốc Đạt gây chú ý với đơn xin nghỉ học bằng thơ và hàng loạt bài thơ khác, trong đó phải kể đến bài thơ tóm tắt Truyện Kiềm 38 câu.

Hi vọng, teen sẽ còn nghĩ ra nhiều cách học thú vị cho các môn học khác để mỗi ngày đến lớp không còn là nỗi “ảm ảnh” với bài vở khô khan nữa.

Theo Ione

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG