Bài luận đầy cảm động của thí sinh I BET YOU CAN 2014

Thí sinh Nguyễn Thị Quyên tại vòng 3 cuộc thi I bet you can 2014.
Thí sinh Nguyễn Thị Quyên tại vòng 3 cuộc thi I bet you can 2014.
Gây sốt với thông điệp “Học bổng không dành cho người giỏi”, cuộc thi I BET YOU CAN 2014 còn chạm tới trái tim khát khao chinh phục học bổng của hàng trăm ngàn bạn trẻ, trong đó có Á quân Nguyễn Thị Quyên (khu vực Hà Nội). Hãy cùng xem cô gái thường tỉnh dậy vào lúc 4h sáng để học tiếng Anh, đã chia sẻ gì trong bài luận này nhé!

Kính gửi BTC chương trình I BET YOU CAN

Họ tên: Nguyễn Thị Quyên

Sinh viên năm 2 - Khoa Kinh tế đối ngoại

Trường: Học viện chính sách và phát triển

Sau đây tôi xin phép được trình bày bài luận của mình:

1. Lý do thật sự khiến trình độ Tiếng Anh hiện tại của bạn chưa được tốt?

Cuộc sống bon chen với bề bộn lo toan, khiến cho con người ta không nghĩ được tới ngày mai. Và tôi cũng không ngoại lệ, cuộc sống trẻ thơ gắn với những kí ức dữ dội nhưng cũng bình yên đến vô cùng khiến tôi quên mất rằng tôi đang lớn lên từng ngày. Tới khi nhận ra thì mình phải xa rời vòng tay bố mẹ, rời xa quê hương để tìm kiếm chân trời mới cho bản thân mình. Cô bé với đôi dép tổ ong trắng, cái quần vải, cái áo sơ mi cũ cùng bố thu dọn hành lí lên Hà Nội học. Đó là sự háo hức của một chuyến đi, nhưng sau đấy là sự tủi thân cô độc khi một mình trên Hà Nội.

Cô bé với bao ước mơ, hi vọng và mục tiêu đang hừng hực dũng khí để bắt đầu cho những tương lai của mình, nhưng cuộc sống đâu phải là dễ như vậy, mọi thứ tan tành, sụp đổ trước mắt tôi, tuyệt vọng vô cùng khi môn đầu tiên tôi học là môn Tiếng Anh. “Chao ôi, nó kinh khủng còn hơn cả phim kinh dị”, tôi không hiểu bạn bè nói gì, tôi không hiểu giáo viên nói gì, mặt tôi ngơ ngác, rồi nước mắt tự nhiên rơi. “Môn này mình làm sao được đây???” - ý nghĩ ấy cứ mãi ở trong tôi, tôi hối hận khi đã không học môn Tiếng Anh khi cấp 3. Một sinh viên khoa kinh tế đối ngoại ấy thế mà còn không biết các chào hỏi bằng Tiếng Anh ra sao.

Biết được sự quan trọng của tiếng Anh, tôi như một con thiêu thân lăn xả vào học hành chăm chỉ nhưng rồi sự cố gắng của tôi cũng chẳng là gì, vì môn tiếng Anh mà tôi mất học bổng loại xuất sắc. Tôi chọn cho mình một xó trên tầng thượng và khóc, tôi trách: “Tại sao tôi lại không có năng khiếu học tiếng Anh thế này? Giá như gia đình tôi không nghèo thì tôi đã đăng kí học Tiếng Anh tại một cơ sở nào đó rồi”. Nghe thấy có bước tiếng bước chân tôi vội vàng lau nước mắt, đó là chị họ của tôi. Chị tôi thấy vậy, chạy lại an ủi: “Em đừng tự trách mình như vậy! Cũng cùng một cái đầu học nhanh hay học chậm, tốt hay kém chỉ khác nhau ở phương pháp thôi em ạ! Em hãy tìm lí do tại sao mình học như vậy lại không thể tốt lên được? Chăm chỉ em có thừa, động lực em có, khát khao em có. Vậy em thử nghĩ đi lí do đấy nằm ở đâu?”.

Tôi ngồi nghĩ một lúc rồi quay sang hỏi chị: “Em học thế này, thế này.... thì sai ở đâu hả chị?”. Sau một hồi nói chuyện với chị và tìm phương pháp học trên mạng tôi nhận ra một điều, sai lầm khi tôi học tiếng Anh quá lớn. Phương pháp học Tiếng Anh của tôi đi ngược lại với mọi người. Tôi lao đầu vào học ngữ pháp, cứ học ngữ pháp mặc dù chẳng nhớ gì, học một cách hỗn độn để đối phó với những bài kiểm tra trên lớp. Rồi việc học từ vựng của tôi cũng rất sai lầm, tôi viết đi viết lại nó 20, 30 lần để nhớ nhưng học trước quên sau. Tôi cũng dành thời gian nghe tiếng Anh rất nhiều nhưng mà chỉ nghe thôi chứ không nhắc lại, nghe nhưng không biết họ nói gì. Tôi ở trên lớp vì quá kém tiếng Anh nên tôi chọn cho mình một xó lớp lí tưởng để không bị gọi lên bảng, tôi ngại nói vì lúc nào tôi cũng sợ sai, sợ các bạn chê cười, ngữ âm, ngữ điệu của tôi quá kém.

Tôi nhớ lần học đầu tiên môn Tiếng Anh cô bảo từng bạn trong lớp giới thiệu bản thân mình bằng Tiếng Anh, tôi ngoắc cả mắt ra các bạn nói siêu vậy, và cuối cùng cũng tới lượt tôi giới thiệu tên mình trước mặt các bạn: “Mai nêm i rờ Quyn”. Mới nói được có bây nhiêu thôi, các bạn trong lớp đã cười lăn ra rồi. Lúc ấy tôi xấu hổ vô cùng và nghĩ là: “Rồi sẽ có một ngày tôi sẽ hơn các bạn cho mà xem , hãy cứ cười đi”. Mặc dù đã chấn chỉnh rồi nhưng chính bản thân tôi mỗi khi học Tiếng Anh trên lớp vẫn cứ sợ hãi, tay run cầm cập mỗi khi cô gọi một bạn trong lớp đứng lên đọc. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho người cô gọi không phải là tôi. Một sai lầm nữa là tôi chỉ học một mình, không tham gia học nhóm hay câu lạc bộ, tôi cũng không có người định hướng để học tiếng Anh sao cho thật tốt.

2. Hãy trình bày kế hoạch của bạn để cải thiện điều đó trong vòng 6 tháng tới?

Ôi! tất cả mọi thứ bấy lâu nay tôi đang làm là sai các bạn ạ! Tôi cần phải sửa chữa càng sớm càng tốt. Tôi đi tìm kiếm mọi phương pháp học bằng cách hỏi những anh chị đi trước những kinh nghiệm để học tiếng Anh. Tôi hỏi cô, tôi dùng google seach để tìm thông tin trên mạng, đi học thử, dự hội thảo... Tôi đọc và chọn lọc ra phương pháp mà tôi nghĩ là nó có thể giúp tôi cải thiện Tiếng Anh một cách tốt nhất. Tôi đã lên kế hoạch học tập thật chi tiết. Cụ thể là:

Tìm cho mình bộ tài liệu học tiếng Anh chuẩn nhất.

Phát âm của tôi quá kém vì vậy đầu tiên tôi học phát âm, học theo một cặp âm, ví dụ như: âm /i/ với /i:/, /u/ với /u:/. Điều này khiến tôi dễ dàng phân biệt chúng, và đọc có trọng âm nhấn nhá hơn.

Tôi dừng ngay việc học từ vựng tiếng Anh một cách đơn lẻ mà thay vào đó là học các cụm từ. Tôi vẫn đang thực hành nó vì thấy nó rất hiệu quả, cũng giúp cho tôi học được ngữ pháp. Tôi sưu tập những cụm từ hay gặp và ghép nó vào một ngữ cảnh tôi thích, tôi dùng quyển sổ nhỏ viết thành các note có hình ảnh minh họa.

Tôi sẽ nghe rồi nhắc lại và trả lời câu hỏi các câu hỏi liên quan tới bài nghe.

Tôi sẽ dành ngày Chủ nhật để tham gia các câu lạc bộ, có thể là học nhóm

Tôi sẽ nhờ chị tôi nhắc nhở, theo dõi tôi lúc tôi chán nản và mất động lực

Tôi sẽ ghi âm lại khi tôi nói Tiếng Anh và nhờ cô dạy Tiếng Anh nhận xét

Khi đi đường cũng như làm việc nhà tôi sẽ nói bằng tiếng Anh

Vì thời gian là có hạn nên tôi nghĩ tôi nên dành khoảng 4h /ngày để học Tiếng Anh. Và cụ thể kế hoạch cải thiện trong 6 tháng của tôi là:

Bài luận đầy cảm động của thí sinh I BET YOU CAN 2014 ảnh 1

Một tháng 10 ngày.

- Học 3 bộ phát âm (1h) Đầu tiên học Master spoken english (Cái này rất hay, đầy đủ và chuẩn) sau đó có thể học thêm Pronunciation workshop, học xong rồi ghi âm ..

- Học nghe và làm bài tập nghe Series 1 tại: http://learnenglish.britishcouncil.org/en/elementary-podcasts (2h) 10 bài/20 ngày

Sau khi học xong phần Series 1 thì nghe và làm bài tập nghe Series 2 của link : http://learnenglish.britishcouncil.org/en/elementary-podcasts (1 2h) 10 bài/20 ngày

Dành 1 giờ xem phim Friend một series tầm 25 phút còn 35 phút còn lại học, tìm cho mình một đoạn mà mình thích rồi nhại lại (1h)

Một tháng 20 ngày.

- Học lại phát âm nếu thấy chưa ổn (30 phút) và ghi âm đối chiếu

- Học thuộc và chép lại Series 1 tại: http://learnenglish.britishcouncil.org/en/elementary-podcasts (2,5h) 10 bài /10ngày

- Nghe và làm bài tập nghe Series 3 tại : : http://learnenglish.britishcouncil.org/en/elementary-podcasts (2,5h) 10 bài /20 ngày. Từ bài 1 bài 10

- Học thuộc và chép lại Series 2 tại: http://learnenglish.britishcouncil.org/en/elementary-podcasts (2,5h) 10 bài /10ngày.

- Nghe và làm bài tập nghe Series 3 tại: http://learnenglish.britishcouncil.org/en/elementary-podcasts (2 ,5h) 10 bài /20 ngày. Từ bài 10 20

- Dành 1 giờ xem phim Friend, một series tầm 25 phút, 35 phút còn lại tìm cho mình một đoạn mà mình thích rồi nhại lại (1h)

Một tháng còn lại

- Học hoàn thiện phát âm (30 phút), ghi âm đối chiếu.

- Học thuộc và chép lại Series 3: http://learnenglish.britishcouncil.org/en/elementary-podcasts (2,5h/ ngày) 20 bài /30 ngày.

- Dành 1 giờ xem phim Friend, một tập khoảng 25 phút và còn 35 phút còn lại học, tìm cho mình một đoạn mà mình thích rồi nhại lại (1h)

Ngoài ra có thời gian như đi đường, nấu ăn... tôi sẽ nghe các bài hát tiếng Anh mà tôi thích.

Theo thông tin tôi tìm được trên mạng thì 3 bộ phát âm ấy được đánh giá là rất chuẩn. Vì tôi nói giọng địa phương, miệng rất cứng nên phải luyện tập phát âm nhiều.

Còn trang web nghe đấy là do tôi tìm được, nó là trang web cho người bắt đầu học tiếng Anh nên rất tiện, lại có cả bài tập trả lời phần nghe, và scipt, việc học thuộc các bài trong series giúp tôi có thể học các cụm từ vựng, đồng thời cả ngữ pháp. Ngoài ra, sau khi nghe xong đoạn hội thoại dài 10 phút về vấn đề đời sống thì có 2 giảng viên sẽ giải thích về ngữ pháp các câu nói của người tham gia hội thoại khoảng 5 phút, rất hay và tiện ích.

3. Hoạt động tình nguyện/ngoại khóa nào mà bạn ấn tượng nhất?

Đối với tôi, tình nguyện là hoạt động ngoại khóa mà tối rất yêu thích. Là sinh viên năm 2 nhưng tôi đã không thể đếm được bao nhiều lần tôi đi tình nguyện rồi. Ấn tượng khó quên nhất của tôi là lần đầu tiên tôi cùng các bạn đến thăm, chơi và quyên góp chút quà cho trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề. Tôi đã phải đi mất hơn 1h mới tới được nơi. Chúng tôi quyên góp quần áo cũ, góp tiền mua kẹo và quà cho các bé. Nói thật tôi khi ra Hà Nội, tôi đang còn mặc lại quần áo cũ của chị con nhà bác tôi thì lấy đâu ra quần áo để mà quyên góp, nhưng rồi lại nghĩ: mình có thể chỉ cần 2 bộ thôi, 3 bộ còn lại sẽ đi quyên góp.

Khi tới nơi, chao ôi, toàn là những em bé bị bố mẹ bỏ rơi, có bé bị mất tay, có bé bị mất chân, có bé thì mặt, mắt biến dạng, nhìn mà tôi ứa cả nước mắt. Nhưng điều làm tôi nhớ mãi là, khi tôi vào phòng cuối cùng, một em bé với nước da bánh mật, người gầy gò, một bên mắt bị tật cứ nhìn tôi chằm chằm. Tôi chạy lại và đưa kẹo, bé lắc đầu và tỏ ra không muốn nhận, tôi thấy hoang mang khi bé dưng dưng nước mắt. Tôi không biết phải làm gì ngoài việc chạy lại ôm và giỗ giành em đừng khóc nữa, và tôi nhấc bé lên, ôm vào lòng lúc đấy bé mới hết khóc. “À, hóa ra bé muốn được bế, được ôm nhưng không biết nói gì nên làm mặt khóc”.

Chơi với bé một lúc, rồi cũng đến giờ về, chia tay bé tôi dặn: “Bé ở lại ngoan ngoãn và ăn thật nhiều cho mập nhé”. Nhưng khi tôi đặt bé xuống, bé không chịu buông tay ra và khóc òa, tôi không biết làm sao cả, các bạn thì giục: “Cứ thả nó ra, nhanh lên kẻo muộn, nó khóc như vậy thì sẽ có mấy người chăm sóc ở đây dỗ dành”. Tôi nghe xong, thấy thất vọng các bạn vô cùng. Tôi vẫn bế em và dỗ dành “Khi nào có thời gian chị lại qua đây, lại ôm và cho bé kẹo nữa nhé”. Em nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, rồi hôn lên má tôi. Đôi môi nhỏ xinh xắn, lạnh lạnh chạm vào mặt tôi, cảm giác lạ tới mức tôi đã òa khóc. Tạm biệt bé với tâm trạng không mấy vui. Tôi tự nhủ, nhất định tôi sẽ quay lại đây để gặp lại em.

Xung quanh tôi vẫn còn nhiều người bất hạnh và tôi chợt thấy mình thật hạnh phúc, phải biết trân trọng cuộc sống này.

4. Bạn nghĩ yếu tố nào giúp bạn xứng đáng vượt qua những thí sinh còn lại để nhận được học bổng trong chương trình I BET YOU CAN?

Câu hỏi này của Ban giám khảo đưa ra rất là hay. Trong một cuộc thi với hàng trăm, hàng ngàn thí sinh ai cũng mong muốn dành được học bổng, tôi cũng không ngoại lệ.

Tôi xin được nói về việc: “Vì sao tôi lại biết tới I BET YOU CAN”. Sinh ra trong môt gia đình không khá giả, nhà có bốn anh chị em, tôi là chị cả. Cuộc sống của một con bé với thành tích 3 năm học sinh giỏi, thi học sinh giỏi tỉnh môn Hóa được giải 3 cũng như cuộc sống bình thường của bao học sinh cấp 3 khác. Nhưng sóng gió bắt đầu, khi 2 lần liên tiếp tôi bị thiếu nửa điểm, tôi đã không thể thực hiện được ước mơ của mình. Chìm sâu trong tủi nhục và uất ức, tôi quyết định xin bố mẹ nhập học vào Học viện chính sách và phát triển.

Ngày 2 bố con xách đồ ra Hà Nội, tôi mang theo bao nhiêu ước mơ, khát vọng. Tôi tự răn mình sẽ cố gắng hết sức để không làm bố mẹ thất vọng; rằng nếu có trượt đại học đi nữa thì con cũng sẽ không từ bỏ ước mơ của mình. Như một lời hứa, tôi luôn nhắc nhở bản thân: Nếu như không được học bổng tất cả các năm tôi sẽ không trở về nhà, dù có nhớ nhà, nhớ em, nhớ bố mẹ đến đâu. Hai kì của năm nhất trôi qua, tôi đều đạt được học bổng loại giỏi, nhưng thật sự không biết bao nhiều lần tôi chùm chăn khóc chỉ vì thiếu đi một tí xíu môn tiếng Anh là tôi sẽ đạt loại xuất sắc.

Tôi ghen tị, khi thấy các bạn của tôi đều được đi học thêm ở những nơi uy tín, ai cũng có tiếng Anh tốt cả, có người còn được cả IELTS 7.0, trong khi tôi lại là người kém nhất lớp. Tôi nghĩ:

“Giá như tôi có năng khiếu học tiếng Anh thì tốt biết mấy”

“Giá như gia đình tôi không nghèo thì tôi cũng đã xin được bố mẹ đi học thêm ở một cơ sở đào tạo tiếng Anh nào đấy rồi”

Tôi muốn học thêm nhưng thật trớ trêu, nào có đồng nào để học. Tôi cứ thấy chỗ nào cho đi học thử là tôi lại đi, đi để biết thêm được cách học. Nhờ đi hội thảo thường xuyên mà tôi đã tự gỡ cho mình được bao nhiều sai lầm trong việc học tiếng Anh. Tới một ngày, tôi tìm thấy được cái tên EQuest và sự khác biệt nằm ở dòng chữ “I BET YOU CAN - học bổng giành cho người muốn giỏi, hãy chứng tỏ quyết tâm học tiếng Anh của mình để nhận được học bổng 10 triệu” đập vào mắt tôi. Tôi như cá gặp nước, vui mừng đến sung sướng, tôi đọc kĩ từng chữ trong thể lệ cuộc thi và điều đặc biệt làm tôi thấy thích thú là học bổng này giành cho những người quyết tâm học tiếng Anh nhất, mà không đề cao tính giỏi nhất. Tôi mừng thầm: “Cơ hôi đã đến rồi!”.

Nhưng sau đấy tôi ngớ người ra với điều kiện làm bài thi Toeic của chương trình. Tôi cũng từng nghe tới nó nhưng chưa bao giờ thi nó cả. Tôi đi hỏi mọi người và đọc sách có liên quan tới thi Toiec. Tôi run rẩy và nghĩ: “Làm sao bây giờ, nó không đơn giản tí nào cả”. Tôi hoang mang đến tột độ nhưng tôi chấn tĩnh lại, bấy lâu nay mình học tiếng Anh cũng khá lên nhiều. Tôi lên mạng làm thử 1 bài test, tôi được 350 điểm - vậy cũng ổn! Tôi tự tin hơn, lấy một quyển sổ nhỏ ghi mục tiêu với dòng chữ to đùng: “I BET YOU CAN”. Tôi biết là rất khó để đạt được điều này nhưng bố tôi dạy: “Hãy cứ vươn tới những vì sao, dù con không với tới được thì tay con cũng không dính bùn. Đừng từ bỏ những gì con muốn, chỉ cần con cố gắng bằng cả khả năng của mình thì kì tích sẽ tạo ra”.

Trước ngày thi, tôi có trọng tâm một số điểm và hào hứng chờ đợi ngày thi tới. Nhưng khi vào phòng, môn nghe, tôi đã bật khóc vì tôi chỉ nghe được sơ sơ, ngữ pháp và từ vựng cũng biết rất ít. Tôi run rẩy, nước mắt tự nhiên cứ tuôn trào, mặt tôi nóng bừng, tim đập loạn... trong lúc đang là phần thi nghe. Tôi phải mất tới câu nghe thứ 5, mới trấn tĩnh lại được. Tôi tự nhủ: “Bình tĩnh nào Quyên, không có quyết tâm nào lại không được đền đáp xứng đáng”. Tôi nộp bài với một tâm trạng buồn bã khi thấy mọi người đều làm xong trước và đi về trước rồi. Hôm ấy trời mưa, tôi ra về, mắt ướt nhẹt và bộ quần áo cũng ướt.

Tôi nghĩ mình sẽ trượt nhưng vẫn mong đợi tới ngày 22/10 để nhận kết quả, và tôi đã òa khóc trước mặt bạn tôi, tôi sung sướng tới tột cùng: “Tớ được lọt vào vòng 2 rồi cậu ạ!”. Tôi nhảy lên vì sung sướng còn bạn tôi thì ngơ người ra, không hiểu chuyện gì, vì tôi giấu mọi người. Tôi lại quyết tâm giành bằng được học bổng này!.

Tôi nhận được tin nhắn của EQuest thông báo địa chỉ và lịch thi vòng 2. Hôm đó tôi học buổi sáng, đi học về tôi không kịp ăn trưa mà vội lên mạng tra lại địa chỉ cho chính xác. Ôi xa quá! Từ chỗ mình đi tới 99 An Trạch chắc phải mất một tiếng, hay đi xe buýt?. Mở ví ra, tôi còn đúng 10 nghìn, không đủ tiền đi xe buýt được, mà còn chưa ăn trưa nữa. Thế là tôi đi từ nhà lúc 1h với cái xe đạp mất cả 2 phanh và đôi dép tổ ong huyền thoại mượn của chị, tôi phóng như bay và dùng dép để phanh.

Thật trớ trêu khi tôi đi tới Kim Mã thì xe bị thủng săm, mặt méo mó, nước mắt rơm rớm, tôi nghĩ: Phải làm sao bây giờ??? Để giành được học bổng này lại khó khăn với tôi thế sao? Tại sao không phải lúc khác mà là lúc này... Tôi trấn tĩnh lau nước mắt và nghĩ: Tôi không thể đầu hàng dễ dàng thế được, tôi sẽ dắt bộ để đi. Tôi dắt bộ lâu lâu lắm mà không thấy có quán sửa xe nào cả, đến nhà hát Kim Mã thì có một bác xe ôm hỏi tôi: “Cháu bị thủng săm à?”. Mặc dù rất mệt nhưng tôi vẫn trả lời: “Cháu không thuê xe ôm đâu bác ạ!”. Bác nói: “Bác chỉ hỏi cháu thủng săm à, để bác vá cho!”. Tôi nghe xong câu ấy vui đến không tưởng được. Tôi cầu trời, cầu phật là tôi không bị muộn, và thật may là bác ấy chỉ lấy 10 nghìn và cũng thật may là tôi đã không ăn trưa.

Tôi sung sướng đạp nhanh như bay, gặp đèn đỏ tôi dùng dép phanh kịp thời (cái này tôi dùng nhiều cũng khá quen rồi). Đi một quãng, tôi nhìn thấy tấm biển báo Học viện Anh ngữ EQuest rẽ vào 200m, tôi vui quá nhìn đồng hồ mới chỉ 3h kém 15. Tôi gửi xe dưới tầng hầm và đi vào Học viện. Trước mắt tôi hiện lên một EQuest sao sạch sẽ, lung linh đến như vậy, đến cả nhà vệ sinh cũng đầy mùi thơm. Tôi đứng nhìn những tấm hình của các anh chị có thành tích cao, trong tôi lại cháy lên: “Tôi sẽ cố gắng, một con bé nhà quê như tôi sẽ cố gắng, để dành học bổng, để được học ở nơi này”.

Càng vào trong càng thấy đẹp lung linh, bước chân tôi không còn mệt mỏi nữa, chúng tôi được 2 cô giáo xinh đẹp và giỏi giang hướng dẫn nhiệt tình. Quên đi cả đói mệt, tôi tham gia buổi training một cách nhiệt tình, buổi học thú vị đến vô cùng. Sau đó, tôi nhận được đề với tâm trạng háo hức, lại đạp xe thật nhanh về nhà, mượn máy tính chị để làm. Nhưng về được tới nhà tay tôi run lên, mặt tôi bỏng rát, mắt nóng, tôi nghĩ chắc tại trưa không ăn và đạp xe mệt nên vậy. Tôi bắt đầu thấy lạnh ớn, đầu đau, các đầu ngón tay, chân nóng ran nhưng tôi không lên giường mà tôi ngồi luôn vào bàn máy tính của chị, viết ra những ý chính và bắt đầu làm.

Tôi loay hoay vì chưa bao giờ viết bài luận cả, làm sao bây giờ?? Tôi lại lên mạng tìm thông tin, trong khi đấy bụng sôi sùng sục, người phát rét nhưng tôi vẫn cố gắng. Tôi sẽ thức suốt đêm để làm nhưng tình trạng của tôi không hề ổn tí nào, đầu đau như bứa bổ, mắt nóng và nhức quá. Tôi vội vàng ăn cơm bạn nấu và uống nhanh một viên thuốc cảm sủi nhưng mà không thấy đỡ tẹo nào, chân tay chuyển từ trạng thái nóng sang lạnh tê buốt đến mức khó tả. Tôi phải trả máy tính cho chị làm việc, tôi ngồi nóng ruột đợi chị làm việc xong, đi ngủ, là tôi sẽ mượn máy. Chị và bạn thấy tôi như vậy lo vô cùng và khuyên tôi đi ngủ nhưng thiết nghĩ đây là cơ hội của mình, chỉ có cơ hội như thế này tôi mới có thể được học và cải thiện Tiếng Anh của tôi mà thôi. Bạn biết không bây giờ là 3h sáng, tôi đang quấn mình trong chiếc chăn nhung, người lạnh đến ghê người. Sau khi chị đi ngủ lúc 12h thì tôi nhảy vào bàn và mượn máy tính và tiếp tục làm tới sáng, rồi trả máy cho chị đi làm, trong khi bài vẫn chưa xong …

Tôi kể ra câu chuyện như vậy, tôi chỉ muốn nói rằng, cách tôi vượt qua các đối thủ khác chính là sự khát khao, quyết tâm vượt qua mọi thử thách để đạt được ước mơ - giỏi Tiếng Anh! Khát khao thay đổi, khát khao thoát nghèo... đó không chỉ là khát khao của tôi mà còn là khát khao của gia đình tôi. Mẹ tôi thường nói dạy “phải cố gắng học mới thoát khổ, thoát cơ cực được!”. Chính sự khát khao ấy làm cho tôi có quyết tâm động lực để vượt qua tất cả mọi chuyện, khi có khát khao thì bạn sẽ hành động và không bỏ cuộc giữa chừng.

Từ một con bé thi trượt đại học 2 lần, những thất bại đấy đã cho tôi một kinh nghiệm đấy là nếu không quyết tâm thì bạn sẽ không là gì cả. Tôi biết nếu tôi không giỏi Tiếng Anh thì tôi sẽ lạc hậu, tôi sẽ bị quên lãng, và bị đào thải ra khỏi thế giới này chính vì vậy tôi dành thời gian cho việc học tiếng Anh mỗi này. Tôi dậy sớm vào lúc 4h dùng máy tính của chị để nghe tiếng Anh hoặc bất cứ khi nào chị rảnh. Nhớ lần chị tôi phải thốt lên: “Máy tình giờ có còn là của tôi nữa đâu!”. Nhiều lúc tôi ước tôi có một cái điện thoại có thể nghe được Tiếng Anh thôi, chứ cũng không cần máy tính hay Smart phone gì cả. Thế là đủ rồi!

Qua cuộc thi này, tôi muốn gửi tới lời cảm ơn sâu sắc tới Ban tổ chức Chương trình “I BET YOU CAN”, đã tạo điều kiện cho chúng tôi một sân chơi lành mạnh và rất bổ ích. Tôi cũng muốn nói với các bạn tham gia cuộc thi là: “Ai cũng đều có quyền ước mơ, ước mơ mình sẽ là người chiến thắng, mình sẽ dành được học bổng. Điều đó không có gì là không thể, chỉ cần bạn có khát vọng và quyết tâm chinh phục nó”

Người viết bài luận

Nguyễn Thị Quyên

MỚI - NÓNG