Bộ GTVT nói gì ?
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 14/12, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, thông tin việc gia hạn tiến độ như trên chỉ mới là đề xuất của Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - đơn vị tổng thầu của dự án.
“Việc chậm lại sẽ gây nhiều lo ngại, phát sinh các thiệt hại. Vì thế, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các yếu tố kỹ thuật, yếu tố về vốn… mới quyết định để trình Chính phủ” - ông Đông cho hay.
Đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT trực tiếp quản lý dự án này) cũng xác nhận, đây chưa phải là phương án cuối cùng trình Chính phủ. “Chúng tôi cũng đang rà soát để có phương án chính thức” - lãnh đạo ban này nói. Cũng theo lãnh đạo ban này, cũng như Cục Quản lý Xây dựng (Cơ quan quản lý chung các dự án trong quá trình xây dựng của Bộ GTVT) cho rằng, tiến độ của các dự án bị chậm do nhiều nguyên nhân như: Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam nên chưa chủ động về công nghệ, có nguyên nhân từ kinh nghiệm quản lý nhiều, đặc biệt là tắc nguồn vốn bổ sung của dự án.
Cụ thể về vốn bổ sung, hiệp định vay thêm 250,6 triệu USD cho dự án được ký kết từ ngày 11/5/2017 nhưng chưa thể giải ngân do các bên chưa thống nhất được về cơ sở pháp lý.
Mất thêm tiền, thêm ùn tắc
Với vốn vay từ Trung Quốc, mỗi ngày dự án phải trả lãi hơn 1,2 tỷ đồng. Số lãi này chưa tính vốn góp 198 triệu USD từ ngân sách để thi công dự án. Như vậy, nếu gia hạn thêm 11 tháng, số tiền lãi vay đã là 396 tỷ đồng; nếu tính dự án chậm trong 3 năm, số tiền đội lên sẽ hơn một nghìn tỷ đồng.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, người theo dõi và nghiên cứu kỹ lưỡng về dự án này cho hay, thiệt hại về lãi suất ngân hàng như trên là rất lớn. Tuy nhiên, đây mới là thiệt hại nhìn thấy được. “Thiệt hại lớn nhất khi tiến độ chậm 3 năm là kéo dài tắc nghẽn giao thông. Trong 3 năm dự án này chậm triển khai, phương tiện cá nhân trên tuyến này ít nhất tăng thêm 30-40%. Đó là thiệt hại không đo đếm được” - ông Thuỷ nói.
Cũng theo chuyên gia này, Cát Linh - Hà Đông là dự án trọng điểm, vì vậy, việc tiến độ liên tục bị “xin lùi” sẽ làm mất niềm tin của người dân đối với các kế hoạch lớn của Nhà nước. Ông Thuỷ cho rằng, việc lý giải tiến độ dự án chậm vì đây là loại hình mới, người Việt Nam không có kinh nghiệm là khó có thể chấp nhận. “Thủ đô đã giải phóng hàng chục năm, đất nước đã có hàng nghìn chuyên gia, không thể nói không nắm bắt được công nghệ tàu điện thế giới đã làm hơn một trăm năm nay. Ngoài ra, đây là dự án được thực hiện theo hình thức chìa khoá trao tay, không thể đưa lý do công nghệ mới ra để biện minh”- ông Thủy nói.
Ông Thủy đề xuất, Bộ GTVT cần xem đây là bài học đau đớn về ký kết, thực hiện hợp đồng và phải có giải pháp ngay để giải quyết. “Nếu vướng mắc về vốn, Bộ GTVT hãy quyết liệt, báo cáo đầy đủ với lãnh đạo Chính phủ bố trí có nguồn kinh phí nào đó ứng trước để hoàn thiện ngay dự án này. Vấn đề là Bộ GTVT có quyết tâm để làm và dám chịu trách nhiệm hay không ” - ông Thủy nói.
Ông Thủy tỏ ra rất băn khoăn việc Bộ GTVT đã không xử lý trách nhiệm rõ ràng đối với các cá nhân, tổ chức (thậm chí có cá nhân còn được thăng chức) nên đã xảy ra việc dự án đội vốn, chậm tiến độ triền miên, xảy ra nhiều tai nạn lao động. Cụ thể, với những thiệt hại rất lớn từ dự án này, ngoại trừ việc một quyền giám đốc ban quản lý dự án đường sắt bị chuyển công tác, lãnh đạo Cục Đường sắt bị tạm đình chỉ công việc rồi mất đột ngột tại trụ sở làm việc (trong thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT). Ngoài ra, cho đến nay, hiện chưa có cá nhân, tập thể nào bị kỷ luật.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga. Hiện tại, việc xây dựng hạ tầng dự án đã gần hoàn thiện nhưng các hạng mục toa tàu, thiết bị chạy tàu còn dở dang. Đến nay, chỉ mới 5/13 đoàn tàu của dự án được đưa về dự án.