Từng là nền kinh tế khủng nhất Mỹ Latinh, Brazil nay là quê hương của một trong những án tham nhũng lớn nhất thế giới. Khoảng 1/3 thành viên nội các, 1/3 nghị sỹ, 1/3 thống đốc bang, rồi tổng thống, lãnh đạo các đảng chính trong quốc hội đều đang bị điều tra.
Trước thềm bầu cử tổng thống 2018, nhiều người hỏi tại sao ung nhọt tham nhũng nảy nở chủ yếu ở quốc doanh mà điển hình là Petrobras, hãng dầu lửa nhà nước lớn nhất nam bán cầu về vốn hoá thị trường, đẩy Brazil rơi vào cơn địa chấn điều tra hối lộ miết từ tháng 3/2014 đến nay.
Brazil tự hào sự đúng đắn quốc hữu hoá các cơ sở kinh tế thực dân đầu thế kỷ 20. Ngay từ 1937, khoáng sản và tài nguyên thuộc tài sản quốc gia. Sau thế chiến thứ hai, quốc hữu hoá thành trào lưu. Năm 1953, dầu mỏ được nhà nước độc quyền. Đến 1970, có 650 doanh nghiệp nhà nước khuynh loát hầu hết các ngành trụ cột.
Quốc hữu hoá được xem như thuốc thánh để xoá bất công. Suốt 60 năm, doanh nghiệp quốc doanh không đặt mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận mà là phi lợi nhuận, ổn định giá, lo cho nhóm thu nhập thấp, đảm bảo công bằng xã hội.
Trái khuáy ở chỗ Brazil vẫn là một trong những nơi phân phối bất bình đẳng nhất. Thu nhập đầu người ngày một tệ, giảm 9% từ năm 2013-2016. Kinh tế nhà nước phình to khiến chính phủ có quyền định đoạt tuyệt đối các nguồn lực nhưng, tiếc thay, không có tác dụng ràng buộc trách nhiệm quan chức. Các doanh nghiệp nhà nước trở thành nơi tập trung tham nhũng. Kết cục, kinh tế Brazil còn yếu hơn cả nhiều quốc gia khu vực như Argentina, Mexico, Columbia, và Chile.
Trong một động thái chưa từng, họ vừa khởi động kế hoạch tư nhân hoá, bán 57 công ty nhà nước trong đó có 11 đường dây tải điện biến thế, 14 sân bay, 15 cảng biển. Tại hội nghị BRICS ở Hạ Môn, một tháng trước đại hội 19 ĐCS TQ, sau khi đích thân tổng thống Brazil chào bán, TQ mua ngay 90% cổ phần công ty sở hữu cảng biển lớn thứ hai Brazil.
Bắt đầu chuyển nhanh sang tư nhân hoá, xu hướng được nhấn mạnh tại hội nghị APEC đang diễn ra ở VN, Brazil hẳn hiểu rằng nó cũng đầy rủi ro và chẳng phải thần dược. Dẫu sao, với tư duy mới, có vẻ họ thấm bài học coi quốc doanh là đũa thần để phân phối công bằng và tăng sức mạnh quốc gia.