Bài dự thi “Ký ức mùa Hè của tôi”: Tuổi thơ nào đẹp trắng màu hoa, nâu màu quả dẻ

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Những ngày nào mưa, không đi nhặt hạt dẻ được, chúng tôi gom mớ hạt dẻ nhỏ vào một chỗ rồi rang lên. Cả lũ ngồi ăn hạt dẻ và kể chuyện trên trời dưới bể. Vỏ hạt dẻ lăn đầy sàn nhà. Ruột trắng quện vào đầu lưỡi, vỏ giòn giòn tách ra ăn thật sướng.

Thế là đã hết những ngày cánh rừng phía sau nhà trắng màu hoa dẻ. Cây bắt đầu cho quả và kết thành chùm.

Những buổi chiều lũ chúng tôi thường dong trâu lên bìa rừng, chọn những chỗ cỏ xanh không bị cháy nắng để thả. Lúc trâu chăm chú ăn cỏ thì cả lũ kéo nhau xuống khe đá bắt cua. Những con cua đá đen bóng, to bằng ngón chân cái, thi nhau chui xuống hốc đá. Cua đá thì nhiều nhưng mỗi lần bắt về chúng tôi chỉ giữ lại vài con cho vào một cái lọ để làm cảnh, còn lại thì cho gà ăn hết. Chúng tôi không nấu ăn vì nghe mẹ bảo cua đá không có nhiều chất đạm và béo như cua đồng. Vì năm tháng ở trên núi nó chỉ có rêu và nước khe.

Bài dự thi “Ký ức mùa Hè của tôi”: Tuổi thơ nào đẹp trắng màu hoa, nâu màu quả dẻ ảnh 1

Khi cánh rừng hết màu trắng của hoa, biết rằng mùa quả dẻ đến. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Khi thời tiết đổi sang nóng hơn, lũ cua chui hết cả vào hang thì cũng là lúc mùa hạt dẻ đến. Chúng tôi gác lại việc bắt cua, hằng ngày mỗi đứa một cái bị vải nho nhỏ kéo nhau đi nhặt hạt dẻ. Dưới những gốc dẻ to xù xì chúng tôi chia nhau ra mỗi đứa một gốc để nhặt. Thường thì hạt dẻ chín có màu nâu sẫm, vỏ cứng và rơi vãi xung quanh gốc. Việc của chúng tôi là tìm hạt chắc, mẩy cho vào túi. Hạt nào chắc ruột nó sẽ cứng và nặng hơn những hạt bị hỏng.

Tuy có kinh nghiệm nhặt hạt dẻ qua mấy mùa nhưng lũ chúng tôi vẫn bị nhầm lẫn. Thỉnh thoảng có đứa vẫn nhặt phải phân dê khô cho vào túi. Vì phân dê cũng đen đen, tròn tròn và cưng cứng như hạt dẻ, thế nên khi về nhà nhặt kĩ mới nhận thấy được.

Bài dự thi “Ký ức mùa Hè của tôi”: Tuổi thơ nào đẹp trắng màu hoa, nâu màu quả dẻ ảnh 2

Chúng tôi mỗi người một túi nhặt dẻ cho vào. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Mỗi buổi chiều ngồi dưới gốc dẻ nhặt nhạnh, chúng tôi có thể kiếm được vài ba bát hạt dẻ chắc. Số dẻ nhặt được chúng tôi gom lại phân ra loại hạt nhỏ, hạt to rồi phơi kĩ. Hạt nhỏ được cất dành cho những ngày mưa. Còn hạt to phơi khô thì đem bán cho các cửa hàng. Ngày nào cũng có dẻ bán thì sang năm học mới chúng tôi có thêm một khoản tiền kha khá để mua cặp, bút sách vở.

Những ngày nào mưa, không đi nhặt hạt dẻ được, chúng tôi gom mớ hạt dẻ nhỏ vào một chỗ rồi rang lên. Cả lũ ngồi ăn hạt dẻ và kể chuyện trên trời dưới bể. Chuyện ở trường, ở lớp, chuyện gỉ gỉ gì gì cũng có. Vừa kể vừa cùng nhau ôm bụng cười ha hả. Vỏ hạt dẻ lăn đầy sàn nhà. Tuy nó nhỏ nhưng ruột chắc và thơm lắm. Ruột trắng quện vào đầu lưỡi, vỏ giòn giòn tách ra ăn thật sướng.

Bài dự thi “Ký ức mùa Hè của tôi”: Tuổi thơ nào đẹp trắng màu hoa, nâu màu quả dẻ ảnh 3

Hạt to chúng tôi đem bán, hạt nhỏ chúng tôi rang ăn. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Nhặt hạt dẻ được vài ba tuần thì nó cũng hết dần. Có hôm chúng tôi phải trèo lên cao để níu lấy cành dẻ. Cành dẻ tuy to nhưng rất giòn. Nếu đứa nào trèo cao mà suýt ngã thì có cứu đằng trời. Tôi nhớ có lần thằng Duy đang cố sức với cành dẻ về phía tay mình thì “rắc”, cành dẻ gãy đôi ra. Cu cậu hoảng hốt la oai oái. May mà cành dẻ thấp và lúc đó Dũng - em của Duy đang cắm cúi cắn hạt dẻ cho vào túi. Nghe anh kêu, Duy chỉ kịp ngẩng đầu lên thì “bộp”, ông anh tội nghiệp đã an toạ ngay trên vai Dũng.

Hậu quả là Duy chỉ ê mông một tí còn Dũng thì lại bị sái cổ cả tuần liền vì sức nặng của Duy đè lên. Dũng đau lắm nhưng chẳng dám nói với bố mẹ vì sợ hôm sau anh Duy không cho đi nhặt hạt dẻ cùng nữa. Đến lúc cái cổ của Dũng sưng vù lên thì bố mẹ mới biết, tra hỏi đủ cách và tá hoả đi tìm thuốc đắp cho Dũng. Vậy là anh em Dũng bị bố mẹ cấm không cho đi nhặt hạt dẻ nữa.

Bài dự thi “Ký ức mùa Hè của tôi”: Tuổi thơ nào đẹp trắng màu hoa, nâu màu quả dẻ ảnh 4

Những ngày tháng ấy thật nhiều niềm vui. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Thế là cả lũ lập kế hoạch cho Duy ở nhà. Mỗi ngày Duy phải đạp xe đem số dẻ nhặt được của chúng tôi đi bán ở cửa hàng. Trời mưa thì gom dẻ nhỏ rang cho cả bọn ăn và chăm cho những hạt dẻ to không bị ướt. Chúng tôi trích tiền bán dẻ để chia cho Duy một phần. Cả lũ cứ nghĩ là nó cũng để dành mua đồ dùng học tập. Ai ngờ chiều nay thấy nó loạng choạng ngoài ngõ, chúng tôi chạy ra thì thấy nó đang cố sức kéo mấy cây sào có móc phía trước vào nhà.

“Quà cho bọn mày đấy, tao lấy tiền bán dẻ bọn mày chia cho tao đặt mấy cây sào có móc để bọn mày hái cho thật nhiều mà không phải trèo nữa.”

Bài dự thi “Ký ức mùa Hè của tôi”: Tuổi thơ nào đẹp trắng màu hoa, nâu màu quả dẻ ảnh 5

Hẹn một ngày lại cùng nhau nhặt dẻ nhé! (Ảnh minh họa: Pinterest)

Cả lũ nhìn Duy rồi nhìn nhau. Chúng tôi không ngờ là Duy quan tâm chu đáo cho cả bọn như thế. Thảo nào mấy ngày nay cứ thấy nó đạp xe đi về phía nhà bác Hoà làm chổi phía bên làng Cũ.

Chúng tôi cảm động mà chẳng nói được lời cảm ơn nó, nhưng những ánh mắt nhìn nhau đều biết rằng mùa dẻ năm sau cả lũ sẽ lại cùng đi nhặt dẻ thật nhiều, thật nhiều. Lại cùng góp những hạt dẻ nhỏ, rang lên, kể chuyện cho nhau nghe và cùng cười trong những buổi chiều quê yên ả.

Bài dự thi “Ký ức mùa Hè của tôi”: Tuổi thơ nào đẹp trắng màu hoa, nâu màu quả dẻ ảnh 6

Để cánh rừng trong ký ức lại trắng hoa, nâu quả lần nữa. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Để tham gia cuộc thi viết "Ký ức mùa Hè của tôi", bạn có thể gửi bài dự thi đến truyennganh2t@gmail.com với tiêu đề email "Ký ức mùa Hè của tôi + Tên bài viết". Bạn có thể đọc thêm thể lệ cuộc thi ở đây.

Bài dự thi “Ký ức mùa Hè của tôi”: Tuổi thơ nào đẹp trắng màu hoa, nâu màu quả dẻ ảnh 10
MỚI - NÓNG
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.