Những chuyện chưa biết về các kỷ vật của tướng lĩnh Việt Nam

Bài 8 : Vị đại tướng đầu tiên và những kỷ vật vô giá

Bài 8 : Vị đại tướng đầu tiên và những kỷ vật vô giá
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam 128 hiện vật lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Ông là vị đại tướng đầu tiên của quân đội ta, là người giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng  suốt 30 năm. Mỗi kỷ vật của ông đều gắn với những câu chuyện đầy cảm động...

Những năm gần đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cho bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khá nhiều hiện vật lịch sử gắn với ông và quân đội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó có bộ quân phục đại lễ ông mặc trong lễ phong quân hàm cấp tướng của quân đội ta và bức ảnh Bác Hồ, cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp với các đồng chí được phong quân hàm cấp tướng năm 1958, tại Bộ Quốc phòng ở Hà Nội. Các tướng lĩnh được phong trong bức ảnh hồi đó còn rất trẻ, nhiều người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh các mặt trận, Quân khu…những vị tướng lừng danh đến kẻ thù khi nghe tên cũng phải nể trọng.

Cầm bức ảnh trên tay, vị tướng già bồi hồi nhớ lại kỷ niệm sâu sắc nhất suốt cuộc đời mình, một lễ phong quân hàm cấp tướng diễn ra trước sự kiện trong tấm ảnh 10 năm trời. “Đó là vào một buổi chiều ngày 25 tháng 1 năm 1948, ở Việt Bắc, tôi vinh dự được dự lễ phong quân hàm cấp tướng. Dưới vòm lá xum xuê của cây rừng, ven dòng suối nhỏ, một hội trường mới được dựng lên, trên lợp bằng phên nứa. Trong hội trường, hai bên tường là hai hàng khẩu hiệu cắt bằng giấy: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi; thống nhất độc lập nhất định thành công”. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, là bàn thờ Tổ quốc. Bác Hồ và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên. Hàng ghế trên cùng là các vị trong Hội đồng Chính phủ, phía sau là các đại biểu quân, dân, chính, đảng. Bác Hồ đọc Sắc lệnh 111/ SL, ngày 20 tháng 1 năm 1948, phong quân hàm cấp đại tướng cho tôi khi đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và nhiều đồng chí khác như: phong quân hàm trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình- Khu trưởng chiến khu 7, kiêm uỷ viên Quân sự Nam bộ; phong quân hàm thiếu tướng cho các đồng chí Hoàng Văn Thái- Tổng tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nguyễn Sơn- Khu trưởng khu 4, Chu Văn Tấn- Khu trưởng khu 1, Huỳnh Phan Hộ- Khu trưởng chiến khu 9, Trần Tử Bình- Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ, Văn Tiến Dũng- Cục trưởng Cục Chính trị, Lê Hiến Mai- Chính trị viên chiến khu 2, Trần Đại Nghĩa- Quân giới cục trưởng, truy phong thiếu tướng cho đồng chí Dương Văn Dương- Khu phó chiến khu 7 hy sinh năm 1946.

Bài 8 : Vị đại tướng đầu tiên và những kỷ vật vô giá ảnh 1
Bức ảnh kỷ luật lễ phong tướng năm 1958 mà Tướng Giáp tặng Bảo tàng.

Tôi được mời lên nhận sắc lệnh. Bằng một giọng trang nghiêm, Bác nói: “Hôm nay, thay mặt Chính phủ và nhân dân, nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Bác trao cho chú quân hàm đại tướng để chú điều khiển binh sỹ làm tròn nhiệm vụ mà quốc dân phó thác cho”. Đồng chí Phan Anh, thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu lời chúc mừng. Đồng chí Tạ Quang Bửu, thay mặt Bộ Quốc phòng bày tỏ lời chúc mừng và đọc lời hứa của toàn thể bộ đội nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng dưới sự lãnh đạo của đại tướng.

Kể đến đây, ông xúc động: “Cứ nhớ lại ngày ấy, tôi lại hồi hộp, mình còn quá trẻ, mới 37 tuổi nhận quân hàm đại tướng... Không thể diễn tả hết nỗi xúc động của lòng mình lúc bấy giờ, tôi phát biểu cảm tưởng với những ý nghĩ chân thành tận đáy lòng thương tiếc, biết ơn các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, biết ơn sự dìu dắt của Bác, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho tôi vinh dự cao cả này. Tôi nói: “Nhận trọng trách lớn lao mà Đảng, Bác giao cho, tôi hứa sẽ đem hết tinh thần, nghị lực làm tròn nhiệm vụ phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đóng góp cống hiến nhỏ của mình vào sự nghiệp cách mạng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”.

Sau buổi lễ, vị Đại tướng trẻ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và mọi người ngồi quây quần quanh Bác. Bác nhìn tướng Giáp căn dặn: “Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí.... Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt mà còn chưa thấy độc lập, tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, nhưng trước mắt còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người ngã xuống cho ngày hôm nay, chúng ta càng phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thoả mãn vong linh những người đã khuất”. Kể đến đây, giọng ông lặng đi: “Những lời nói tuy mộc mạc của Bác như người cha đối với những đứa con, cho đến giờ tôi vẫn thấm từng lời căn dặn của Người”.

Và tấm Huân chương Sao vàng

Còn đây là Huân chương Quân công hạng nhất, đây là Huân chương Hồ Chí Minh, tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng năm 1954. Đây là Huân chương Sao vàng, tôi được Nhà nước trao tặng dịp sinh nhật lần thứ 80. Đại tướng chậm rãi kể lại: “Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời được hai năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh xét rằng những người có công với nước phải được Chính phủ và Quốc dân nhớ ơn. Hội đồng Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 58 –SL đặt ra 3 thứ huân chương: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập. Những loại huân chương này để dùng thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những người có công với nước với dân, cũng có thể dùng tặng các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam. Ba loại huân chương này đều do Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng. Trong đó, Huân chương “Sao vàng” là huân chương quý nhất của nước ta.

Đây là tấm Huân chương Sao vàng, ông chỉ tay lên ngực, lặng lẽ cúi xuống tháo huân chương trao cho nhân viên bảo tàng, ông kể lại: “Chiều ngày 20 tháng 8 năm 1992, tại Phủ chủ tịch, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tổ chức lễ trao Huân chương Sao vàng cho tôi nhân dịp sinh nhật lần thứ 80. Chiều hôm đó, tôi đến Phủ chủ tịch sớm hơn giờ trong giấy mời. Đến nơi, tôi đã thấy đông đủ các đồng chí: Đỗ Mười, Tổng Bí thư, Ban chấp hành Trung ương Đảng; Phạm Văn Đồng, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Võ Văn Kiệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ngoài ra còn nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc. Sau lời tuyên dương công trạng về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước đọc quyết định tặng thưởng của Hội đồng Nhà nước. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thay mặt Hội đồng Nhà nước gắn Huân chương Sao vàng lên ngực cho tôi”.

Hôm đó, cũng như lần nhận Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, tôi thực sự xúc động nhớ tới Bác Hồ, các vị tiền bối cách mạng, đồng bào chiến sỹ, các bà mẹ Việt Nam trên cả nước đã hy sinh chiến đấu cho dân tộc để có ngày hôm nay. Công lao của cá nhân dù quan trọng mấy cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Những tấm huân chương cao quý đó vị tướng già luôn đeo trên ngực, nơi trái tim mình để luôn nhớ tới lời dạy của Bác Hồ: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì người tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Ông nắm tay nhân viên Bảo tàng lịch sử Quân sự, căn dặn: “Những kỷ vật quý giá nhất của cuộc đời tôi trao cho bảo tàng để góp phần giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thế hệ trẻ. Tôi tin tưởng rằng lớp con cháu chúng ta sẽ làm sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trong cuộc đời tham gia cách mạng, hoạt động trong quân đội, đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều tên nhưng đồng đội thường gọi ông với cái tên thân mật: anh “Văn”. Ông sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, quê ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Thân sinh ông là  cụ Võ Nguyên Thân, một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, dòng dõi khoa bảng. Chuyện kể rằng, vào khoảng năm 1946-1947, ở Huế, thực dân Pháp bắt được cụ, chúng tra tấn dã man và giam cầm cụ tại nhà lao thừa phủ. Tên mật thám Pháp mắng cụ: “Không biết dạy con để con dám chống lại quân đội Pháp hùng mạnh”. Cụ cười hiên ngang, vuốt râu nói rằng: “Tôi đẻ con ra, chưa kịp dạy thì con đã bỏ nhà đi làm cách mệnh. Chừ tôi có muốn dạy con thì còn mô mà dạy? Vậy tôi nhờ quân đội Pháp hùng mạnh đi bắt giúp con tôi về đây để tôi dạy thử, coi con tôi có chịu nghe không?”. Tên mật thám Pháp tức giận, tát cụ và nhốt cụ vào “ca sô âm phủ”. Rồi sau đó, chúng đem thủ tiêu cụ, bí mật chôn cụ lẫn lộn với thi hài của nhiều người khác bị chúng giết hại. Sau này, gia đình, cơ quan không tìm được hài cốt của cụ nữa.
Lúc còn nhỏ, trước khi cắp sách đến trường làng, Võ Nguyên Giáp được cha dạy chữ ở nhà. Ông thông minh và hiếu học. Năm 13 tuổi, ông vào Huế học ở trường Quốc học, sau đó học  Luật. Ông đỗ bằng cử nhân luật và kinh tế chính trị học vào loại ưu (năm 1937). Ông tham gia cách mạng năm 1925, khi đó mới 14 tuổi. Năm 1929, ông tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp. Sau mấy tháng bị cầm tù, do không có chứng cứ, địch buộc phải thả ông ra. Năm 1934, ông kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Minh Thái, sống ở nhà số 46 phố Nam Ngư, Hà Nội. Sau này, bà bị Pháp bắt và bị tra tấn chết trong lao tù của chúng (Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn với bà Đặng Bích Hà, con GS Đặng Thai Mai). Hai người sinh được bốn người con: Điện Biên, Hồng Nam, Hòa Bình, Hạnh Phúc. Cộng với người con gái Hồng Anh (con của đại tướng và bà Nguyễn Thị Minh Thái), tướng Giáp có 5 người con – PV) . Năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Năm 1939, với bí danh Dương Hoài Nam, ông cùng đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn ái Quốc. Được sự dìu dắt của Người, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Năm 1941, ông từ Trung Quốc trở về Cao Bằng hoạt động, tham gia lập Mặt trận Việt Minh. Từ đó, ông cống hiến cả cuộc đời mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc...

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.