Những chuyện chưa biết về các kỷ vật  của tướng lĩnh Việt Nam 5

Bài 5: Tấm bản đồ chỉ đường cho Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Bài 5: Tấm bản đồ chỉ đường cho Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu có lần kể rằng, trong cuộc đời “binh nghiệp” của mình, ông không bao giờ quên được hình ảnh má Sáu Ngẫu. Hình ảnh bà má miền Nam này đã in  đậm trong tâm trí của những người lính Trung đoàn 27 (do ông làm Trung đoàn trưởng), kể từ cái đêm má mở cửa cho ông cùng đồng đội vào nhà, rồi má lục đục lấy ra tấm bản đồ chỉ nơi đồn trú của địch...

Lúc này đã sẩm tối. Đội hình hành quân của Trung đoàn 27 tạm dừng ở một vạt cao su bên lộ. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu ra lệnh cho mọi người tản ra theo đội hình chiến đấu, cử trinh sát đi kiểm tra khu vực tạm dừng, rồi triệu tập đồng chí Trịnh Văn Thư, Chính uỷ Trung đoàn, và tổ trinh sát hội ý. Ngồi phệt xuống bãi cỏ nghỉ chờ mọi người đến, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cau mày suy nghĩ. Anh tỏ vẻ lo lắng: Ngày mai Trung đoàn sẽ tiến công cửa Lái Thiêu để tiến vào Sài Gòn, vậy mà giờ này đơn vị vẫn chưa nắm được tình hình địch ở Lái Thiêu và tuyến tử thủ Sài Gòn. Trán ông lấm tấm mồ hôi, có giọt chảy rớt vào mắt làm cay xè...

Theo lệnh của Sư đoàn, Trung đoàn của Nguyễn Huy Hiệu có nhiệm vụ là mũi tiến công, thọc sâu vào mở cửa Lái Thiêu. Dưới sự chỉ huy của Phó tư lệnh Sư đoàn Lê Quang Thuý, Trung đoàn theo đường Tân Uyên - Tân Ba vào đánh chiếm Lái Thiêu, bảo đảm thông đường đúng thời gian quy định. “Khó khăn lớn nhất đối với Trung đoàn lúc này là chưa nắm được địch và tình hình khu vực. Vậy mà chỉ có đêm nay nữa thôi, mọi việc phải quyết định rồi”, Chính ủy Trịnh Văn Thư nhớ lại.

Bài 5: Tấm bản đồ chỉ đường cho Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu ảnh 1
Tấm bản đồ của má Sáu (ảnh phải)

Nhá nhem tối ngày 29 tháng 4, đội hình Trung đoàn đã đến Búng, triển khai sẵn sàng chiến đấu. Chính uỷ Trịnh Văn Thư, Tham mưu trưởng và trinh sát đã có mặt. Trung đoàn trưởng mở bản đồ, trải xuống đất rồi khoanh một vòng tròn đỏ, năm mái đầu chụm lại tìm cách đánh sao cho nhanh gọn và ít đổ máu. Để đảm bảo chắc thắng, chỉ còn một cách là phải quan hệ chặt chẽ với lực lượng tại chỗ của địa phương. Trung đoàn trưởng cùng Chính uỷ quyết định trực tiếp đi với trinh sát vào quận lỵ, phải dựa vào nhân dân để nắm địch. Trong lúc chưa biết bắt đầu từ đâu, thì tin từ Quân đoàn cho biết, ở chợ Búng, cách Lái Thiêu 3 km, có một gia đình cơ sở cách mạng. Đó là nhà má Sáu Ngẫu. Nhà má là một ngôi nhà tranh lụp xụp nằm ở giữa làng, bên cạnh đường 13. Trung đoàn trưởng quyết định phải vào quận lỵ ngay, tìm bằng được má Sáu Ngẫu.

Đêm đó, trời bỗng đổ mưa rào. Con đường vào quận lỵ chìm trong bóng tối và nước mưa. Tổ trinh sát đội mưa, lặn lội vượt qua bãi tha ma, bám theo hàng cây ven đường vào quận lỵ. Đến ngôi nhà nhỏ le lói ánh sáng đèn, Trung đoàn trưởng Hiệu, Chính uỷ Thư dừng lại phía ngoài, trinh sát vào nhà gõ cửa. Tiếng một bà già hỏi vọng ra: “Ai gọi gì đó!?”. Trinh sát trả lời: “Chúng tôi là Quân giải phóng, là bộ đội Cụ Hồ!”. Nghe đến tên Cụ Hồ, bà má mạnh dạn ra mở cửa, giơ cao ngọn đèn, nhìn kỹ từng chiến sỹ. Nhận ra là người của ta, má khẽ reo lên: “Hồ Chí Minh!”. Nhận được “mật khẩu”, biết chắc chắn đây là cơ sở cách mạng của ta, đồng chí trinh sát đáp lại mật khẩu: “Muôn năm!”. Má mừng quýnh lên, cầm tay từng chiến sỹ kéo vào nhà rồi khép cửa lại. Má kể, chồng má là ông Hai Nhượng trước đây hoạt động cách mạng bị địch bắt và giết hại hồi Tết Mậu Thân. Trong nhà hiện có con gái tên Phước 17 tuổi và cậu Đức 13 tuổi. Má cùng hai con tham gia hoạt động ở đây. Má đề nghị Trung đoàn trưởng có yêu cầu gì cần giúp thì cứ nói. Trung đoàn trưởng Hiệu đề nghị má cho biết tình hình địch và địa hình, đường đi vào quận lỵ Lái Thiêu. Rồi ông trải tấm bản đồ lên bàn, đối chiếu với lời má kể. Má khêu to ngọn đèn, nhìn tấm bản đồ rồi nói: “Bản đồ này má không quen, để má lấy bản đồ của má!”. Nói rồi, má vào nhà lấy tấm bản đồ đô thành Sài Gòn đưa cho chúng tôi. Má chỉ cho chúng tôi các trục đường, các vị trí đóng quân của địch và cho biết tình hình. Vừa nói, má vừa đánh dấu các vị trí: Hôm qua, địch đưa một tiểu đoàn bảo an từ Sài Gòn ra và hai khẩu pháo 175 từ Bình Dương về tăng cường cho Lái Thiêu. Từ trục lộ 13 vào Sài Gòn vấp trại Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. ở đây có khoảng 2.000 tên, có 2 chi đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo. Ngoài ra còn có một số tàn quân từ nơi khác chạy về. Các vị trí trong khu vực được cấu trúc kiên cố liên hoàn, ngoài có nhiều lớp dây thép gai, xen kẽ chướng ngại vật. Ban đêm địch thiết quân luật. Cầu Vĩnh Bình địch gài mìn, chất đầy chướng ngại vật, cầu Lái Thiêu mới làm lại, hẹp, xe tăng ta khó qua được...

“Chúng con hứa sẽ trả thù cho má !”

Trung đoàn trưởng Hiệu và Chính ủy Thư cùng các trinh sát xin phép má lên đường. Má “xin” trực tiếp dẫn đường cho đơn vị. Thấy má đã ngoài 60 tuổi, lại đêm hôm mưa gió, Chính uỷ Thư động viên má và hứa: “Anh em trong đơn vị sẽ quét sạch bọn địch ở Lái Thiêu, trả thù cho má và bà con cô bác”.

Có bản đồ, nắm được tình hình địch, Chính uỷ Thư và Trung đoàn trưởng Hiệu nhận định: Địch tuy đông, phòng thủ có chiều sâu, nhưng tổ chức ô hợp. Tàn binh chạy về gây tâm lý hoang mang. Trận đánh qua Lái Thiêu đập tan tuyến tử thủ Sài Gòn là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ của Sư đoàn. Trung đoàn 27 đánh nhanh hay chậm đều ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thọc sâu của Sư đoàn trong việc đánh chiếm mục tiêu. Vì vậy, bằng giá nào cũng phải tiến công đánh qua Lái Thiêu và tuyến tử thủ Sài Gòn theo đúng kế hoạch, thời gian. Quyết tâm của Trung đoàn là: “Nhanh chóng tiêu diệt địch ở chi khu và quận lỵ Lái Thiêu, bao vây chia cắt cô lập và bức hàng trung tâm huấn luyện của địch. Đồng thời nhanh chóng đánh chiếm cầu Bình Phước, cầu Vĩnh Bình và cầu Lái Thiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho Sư đoàn thọc sâu, đánh vào các mục tiêu chủ yếu trong Sài Gòn”.

Nắm được tình hình địch, Trung đoàn lên phương án tác chiến và bắt đầu tiến công Lái Thiêu lúc 4h15’ sáng 30/4/1975. Sau 2 giờ liên tục chiến đấu, Trung đoàn 27 đã hoàn toàn làm chủ Lái Thiêu. Cánh cửa Bắc Sài Gòn đã mở nhưng quân địch ở cầu Vĩnh Bình vẫn chống cự ác liệt. Đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, ngoài Trung đoàn 27 có Đại đội xe tăng của tiểu đoàn 66 tăng cường. Dưới sự chỉ huy dũng cảm mưu trí của đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, đại đội đã phát huy tối đa sức đột phá của xe tăng. Đồng chí Hoàng Thọ Mạc nhảy xuống xe chỉ huy bộ đội chiến đấu, tiêu diệt địch giành giật với chúng từng mét đường để quân ta tiến qua cầu. Hoàng Thọ Mạc đã anh dũng hy sinh trước lúc quân ta làm chủ cầu Vĩnh Bình. (Sau chiến dịch này, Hoàng Thọ Mạc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND).

Hoàn thành nhiệm vụ mở đường, Trung đoàn liên lạc với lực lượng địa phương do đồng chí Sáu Châu và nữ đồng chí Hai Mỹ dẫn đường cho Trung đoàn vào Sài Gòn đánh chiếm 13 mục tiêu của địch ở Gò Vấp.

“Trận đánh qua Lái Thiêu, đập tan tuyến tử thủ Sài Gòn đánh chiếm các mục tiêu thắng lợi của Trung đoàn 27 có sự đóng góp của má Sáu Ngẫu. Với tấm bản đồ nội đô Sài Gòn do má Sáu Ngẫu cung cấp, Trung đoàn 27 cùng với các đơn vị trong Sư đoàn tiến đánh các mục tiêu chính xác, làm giảm rất nhiều thương vong cho Trung đoàn”, cựu Chính uỷ Thư khẳng định.

Sau trận đánh này, tấm bản đồ được Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu giữ lại làm kỷ niệm. Sau này, cứ đến ngày kỷ niệm 30 tháng 4, chiến sỹ các thế hệ Trung đoàn 27 lại truyền nhau câu chuyện năm xưa về má Sáu Ngẫu với cái tên rất đỗi thân thương trìu mến “Bà má tham mưu” của Trung đoàn. Với sự tích đó nhạc sỹ Văn Thành Nho sau này đã viết bài hát “Tấm bản đồ má trao”. Tấm bản đồ và bài hát đã đi vào truyền thống Trung đoàn.
Nguyễn Huy Hiệu được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1973. Bây giờ ông là Thượng tướng, ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Mới đây, đơn vị đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tấm bản đồ Sài Gòn và bức ảnh chụp tại nhà má Sáu Ngẫu. Tấm bản đồ đã trải qua chiến đấu, nhiều năm tháng nó không còn được nguyên vẹn nhưng nó vẫn là một kỷ niệm sâu sắc gắn với cuộc đời chiến đấu và ký ức của những người lính Trung đoàn 27, Trung đoàn Triệu Hải Anh hùng. Chị Trần Thanh Hằng, nhân viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Tấm bản đồ, bức ảnh giờ trở thành hiện vật của Bảo tàng. Nó sẽ được trưng bày trân trọng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.