Những chuyện chưa biết về các kỷ vật <BR>của tướng lĩnh Việt Nam :

Bài 4 : “Chiến lợi phẩm” của vị tướng anh hùng thu được của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Bài 4 : “Chiến lợi phẩm” của vị tướng anh hùng thu được của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Điều gây chú ý với chúng tôi là bộ sưu tập vũ khí cá nhân treo trên tường, trưng bày trong tủ. Toàn súng là...súng.

Mê súng từ nhỏ, trưởng thành từ một người lính “Biệt động Sài Gòn”, ông là một trong những người đầu tiên đặt chân vào Dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn. Được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Với mỗi chiến công, ông đều có những kỷ vật là...súng. Ông chính là cựu Chủ tịch UBNDTP Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh.

“Bảo tàng” súng trong... nhà

Ngôi biệt thự số 9, đường Tú Xương, phường 7, quận 3 là nhà ông. Cánh cửa sắt hé mở. Biết chúng tôi hẹn trước, người giúp việc nói: “ông đang đợi trong nhà”. Mặc dầu ông đã rời nhiệm sở từ mấy năm nay, nhưng ông vẫn khá bận rộn. Sau hai lần lỡ hẹn, lần này chúng tôi gặp được ông, khi đó kim đồng hồ đã chỉ 21 h.

Dáng cao gầy, đi lại nhanh nhẹn, vầng trán rộng trên khuôn mặt cương nghị. Ông nói vừa mới từ Tây Nguyên về, rồi sáng mai lại phải đi tiếp Cần Thơ. Công việc quá bận nên lỡ hẹn, mong chúng tôi thông cảm vì sự chậm trễ. Ông đưa chúng tôi lên căn phòng lưu niệm của gia đình. Ông cho biết, vật gì ở đây cũng gắn với ông, với những kỷ niệm về các trận đánh, về đồng đội, người thân, trong đó người còn, người mất. Chúng tôi ngạc nhiên vì ý thức giữ gìn và sự cẩn thận, tỷ mỷ của gia chủ.

Điều gây chú ý với chúng tôi là bộ sưu tập vũ khí cá nhân treo trên tường, trưng bày trong tủ. Toàn súng là...súng. Như đoán được ý nghĩ đó, ông lấy ra từng khẩu rồi kể: “Đây là Khẩu M-79 mang số hiệu A-90951, chiến lợi phẩm tôi thu được của bọn Mỹ năm 1963, khi chúng càn quét công xưởng ở Cồn Rừng, xã Thanh Phong, huyện Thanh Phú. Đây là khẩu AK kiểu báng gập Liên Xô sản xuất, mang số súng 61 K2615, do Xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh đội Bến Tre trang bị cho, khi tôi là đại đội phó của xưởng năm 1964. Đây là khẩu súng ngắn K-59 do Liên Xô sản xuất mang số súng 6237, tỉnh đội Bến Tre trang bị năm 1968... “Tất cả các loại súng này là vật bất ly thân, lúc nào tôi cũng mang theo sử dụng khi chiến đấu”, ông tâm sự. Khẩu AK dùng khi bắn thẳng, khẩu M-79 dùng bắn cầu vồng, khẩu K-59 dùng tự vệ hoặc khi chỉ huy bộ đội chiến đấu. Với các loại vũ khí này, ông đã cùng đồng đội chiến đấu nhiều trận, diệt hơn 180 tên Mỹ Ngụy, bắn hỏng một tàu chiến, bắn rơi và phá huỷ 5 máy bay lên thẳng của địch, góp phần bảo vệ căn cứ, đảm bảo an toàn cho xưởng sản xuất vũ khí từ năm 1964 đến khi tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh.
Và khẩu súng bắn tỉa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Bài 4 : “Chiến lợi phẩm” của vị tướng anh hùng thu được của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ảnh 1
Hai trong số 4 khẩu súng tướng Thanh trao tặng bảo tàng (súng dài thu được của Nguyễn Văn Thiệu)

Cầm khẩu súng bắn tỉa trên tay, ông say sưa giới thiệu: “Còn khẩu súng bắn tỉa này do Bỉ sản xuất ( Made in Belgium), kính ngắm của Mỹ sản xuất số 5x32393 ( Made in USA). Khẩu súng dài 108cm; cỡ nòng 7,62. Khẩu súng tuyệt đẹp, thậm chí bảo tàng Lịch sử quân sự cũng chưa có khẩu súng kiểu này. Trên thân, báng súng có chạm khắc hoa văn hình hoa lá, cò súng đặc biệt mạ kim loại màu vàng”. Ông kể rằng, trong chiến dịch Hồ Chí Minh với cấp bậc trung uý, chức vụ Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn đặc công biệt động 316. Ông cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu Dinh Độc lập, Bộ tổng tham mưu ngụy, cầu Sài Gòn, cầu Rạch Chiếc và Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Từ ngày 28 tháng 4, các mũi tiến công của đơn vị đã triển khai theo các hướng đánh chiếm các mục tiêu. Đêm 29 tháng 4, tôi cùng 3 cán bộ, chiến sỹ trinh sát đi hai chiếc xe hon đa 90 từ Tân Phú Trung đến Củ Chi, chỉ huy đơn vị đánh Trung tâm huấn luyện Quang Trung rồi từ đó phát triển mũi thọc sâu vào sân bay Tân Sơn Nhất... Khoảng 10 giờ ngày 30 tháng 4, nhóm trinh sát dưới sự chỉ huy của ông tới bên ngoài Dinh Độc Lập. Khi quân ta vào Dinh, ông nhờ một người trong Dinh chỉ đường lên lầu. Trước khi đến đây, ông không hề biết Nguyễn Văn Thiệu đã cao chạy xa bay, ở đây giờ chỉ còn tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính phủ Việt Nam cộng hoà. Trong phòng Nguyễn Văn Thiệu đồ đạc bừa bộn, có rất nhiều súng ống, trang bị. Vốn mê súng từ nhỏ, khi nhìn thấy cây súng bắn tỉa khác lạ, ông bèn bảo chiến sỹ trinh sát thu giữ (sau này, ông đề nghị cấp trên cho phép ông được lưu giữ khẩu súng này-TG). Biết được tình hình ở đây có vẻ yên ổn, các công việc tiếp theo giao lại cho một trinh sát biệt động, ông cùng nhóm lao đến tư dinh của Nguyễn Văn Thiệu ở 161 Pasteur, Thiệu đã trốn chạy mấy ngày trước đó, ông gọi một trung đội đến chốt giữ, còn mình sang tư dinh của Trần Văn Hương…

Đứa con mồ côi trở thành Trung Tướng-anh hùng

Ông sinh ra trên quê hương Bến tre, rợp bóng dừa. Tuổi thơ theo cha vào xưởng quân giới học chữ, học nghề lúc mới tròn 7 tuổi. Những năm tháng sống cùng cha ở Xưởng quân giới, “máu” thích súng đã ngấm trong ông. Lớn lên, tham gia Đội võ trang tuyên truyền. Năm 1959, cha mẹ ông đều bị địch bắt giam tại nhà tù Phú Lợi. Ngày 26 tháng 8 năm 1962, chúng giết hại, ném xác cha, mẹ xuống sông. Chuyện này ba năm sau ông mới được biết qua bà Ba Định, nguyên Phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Từ đó, lòng căm thù nguỵ quyền sôi sục trong ông. Rồi ông tham gia Đội biệt động, bị địch bắt. Ra tù, lại về binh công xưởng, được đề bạt làm Phó giám đốc công trường Bến Tre, chuyên sửa chữa vũ khí, làm mìn thuỷ lôi. Ông đã cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm tiêu diệt nhiều phương tiện địch. Ông được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 5 tháng 9 năm 1970.

Từ một cậu bé con mê súng, anh lính “biệt động”, ông trở thành Anh hùng, được thăng tới quân hàm Trung tướng. Ông từng làm đến chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục An Ninh. Trước khi nghỉ hưu, ông là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dầu rất yêu quý những kỷ vật của mình, nhưng ông đã trao tặng cả bốn khẩu súng đó (ông đều có giấy phép sử dụng-TG) cho Bảo tàng lịch sử quân sự, trong đó có cả khẩu súng bắn tỉa thu được của Nguyễn Văn Thiệu. “Vì mỗi người dân cần phải có nhiệm vụ đóng góp hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam cho các thế hệ sau, nhất là thế hệ trẻ”, ông nói.           

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.