LTS: Nhà văn Tô Hoài, tác giả của tập truyện 'gối đầu giường' với biết bao nhiêu thế hệ độc giả 'Dế mèn phiêu lưu ký' đã qua đời sáng nay, 6/7/2014 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.
Báo Tiền Phong trân trọng giới thiệu lại bài viết "Bác Tô Hoài - Ngày rộng tháng dài" của nhà văn Hồ Anh Thái, đã được xuất bản trên báo Tiền Phong tháng 2/2014.
Có dạo cứ chiều chiều thỉnh thoảng tôi lại đến thăm bác Tô Hoài. Đấy là dạo bác cho tôi xem bản thảo cuốn
Chiều chiều sắp đưa in. Chữ viết tay nhỏ li ti, hình như ở Hội Nhà văn ngày trước chỉ có vài nhân viên đánh máy quen chữ của bác, khi nghỉ hưu rồi, bác vẫn hay quay lại thuê họ đánh máy. Một số chữ có dấu sắc không cần thiết thì bác có thói quen bỏ dấu: hêt sạch, ich lợi, quả ơt, sưt mẻ.
Tô Hoài quan niệm, gốc rễ của nghề văn là ngôn ngữ. Thì đúng là như vậy. Người nhiều chữ, dồi dào chữ, điều khiển được chữ thì mới diễn tả được tư tưởng và cảm xúc. Có những cây bút vốn đi nhiều hiểu rộng, tình cảm đầy tràn, nhưng chữ nghĩa thì nghèo và khô cứng, kết quả là sách viết ra không thể hiện được cái tài thực của mình.
Tô Hoài chú trọng tìm chữ, thấy chữ nào hay chữ nào mới trong dân gian là ghi nhớ. Có khi tự cấu tạo từ mới, thao tác theo kiểu sử dụng nguyên âm hoặc phụ âm sẵn có ghép với một phụ âm hoặc nguyên âm khác, ra một từ tượng thanh mới tượng hình mới. Trên cành lúc lỉu những quả. Chữ lúc lỉu này bây giờ đây đó có người dùng lại thành quen quen, thực ra ban đầu là của Tô Hoài. Phụ âm e lờ gợi cảm giác lung lay lủng lẳng. Nguyên âm úc ỉu gợi cảm giác lúc nhúc chen chúc. Trái cây rất sai, chen chúc lủng lẳng trên cành.
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Cũng chỉ trong hệ thống ngôn ngữ của Tô Hoài, mới thấy chữ “cỏ xanh eo éo”. Nó xanh là màu sắc, chứ đâu phải là âm thanh mà eo éo lên như vậy. Nhưng mà nó xanh rợn xanh biếc xanh đinh tai nhức óc, xanh như bật lên cả âm thanh rất chua giọng mái. Xanh eo éo.
Cũng là bác Tô Hoài từng kể, cứ băn khoăn mãi câu Kiều: Một vùng cỏ áy bóng tà/ Gió hiu hiu thổi một và bông lau. Cho đến lần đi thực tế ở Thái Bình, thấy dân vùng ấy gọi cỏ áy là loại cỏ bị héo bị ngả vàng, cỏ úa. Lúc ấy nhà văn mới nhớ ra Thái Bình là quê mẹ Nguyễn Du, đại thi hào đã dùng một chữ của quê ngoại, cũng như đã dùng nhiều chữ của quê nội Hà Tĩnh trong Truyện Kiều.Viết tự truyện, hôi ký, bút ký, những hồi ức kiểu chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài chủ ý chỉ viết những điều mình thấy mình biết, không viết những gì mình chỉ mới nghe người khác kể lại. Bác kể trong hồi ký là mình học hành dở dang rồi đi làm cách mạng. Nhưng cái dở dang của anh Nguyễn Sen, tên chào đời của bác, cũng giúp cho nhà văn Tô Hoài tự học thêm để đọc được sách tiếng Pháp.
Tô Hoài thích nhà văn Ý Alberto Moravia, thích những cuốn như Thiếu phụ thành Rome, Hai người đàn bà… Bác đọc những cuốn này bằng tiếng Pháp từ rất lâu trước khi sách được dịch ra tiếng Việt.
Văn Tô Hoài không ảnh hưởng cái khúc chiết sáng rõ của tiếng Pháp mà hơi dích dắc lan man, theo dòng cảm xúc chập chờn sương khói. Văn chỉ viết những gì mình biết nên cái hiểu cũng là hiểu những gì thiết thực rõ ràng.
Nhà văn xa lạ với những học thuyết, những tâm trạng trí thức phức tạp, như kiểu triết gia Trần Đức Thảo có lần nói với Tô Hoài: “Đã lâu, tao không còn muốn quen thêm một ai trên đời này nữa”. Nhắc lại, Tô Hoài bình: “Nghe câu triết lý cùn mà xa xôi, mà lạnh lẽo, tôi đành chịu” và nhấn thêm: “Người đã sợ cả người” (hồi ký Chiều chiều). Lối nghĩ thiết thực rõ ràng và nhập thế kiểu Tô Hoài thì chắc hẳn phải coi những quan niệm như vậy là xa xôi, không khác được.
Có nhà thơ nữ viết một câu như thế này: chỉ có cô hở ra thì cậu ấy mới biết. Bác Tô Hoài bảo: Cô này vô ý. Bác lấy bút thêm vào bản thảo một chữ “nói”, giữa chữ “cô” và chữ “hở”: chỉ có cô nói hở ra. Không nhầm được nữa, chứ cô hở ra là hở ra cái gì bây giờ.
Một lần khác, bác Tô Hoài duyệt bài cho báo. Trên một bài thơ, tác giả viết: tặng XYZ. Bác xóa ngay câu đề tặng này, bảo: Muốn tặng nhau thì mua thêm một tờ báo mà tặng. Hàm ý bài in lên là để cho công chúng rộng rãi, không hẳn là thứ để giao đãi riêng giữa tác giả và một XYZ nào đó.
Tinh về chữ nghĩa, bác Tô Hoài cũng rất bài bản trong làm báo làm sách. Tập sách nhiều tác giả, mỗi người góp một vài bài, các nhà xuất bản hay ghi lên bìa dòng chữ: nhiều tác giả. Ghi đúng vào phía trên bìa sách, đúng chỗ người ta hay đặt tên tác giả. Nhiều tác giả. Bác Tô Hoài cầm cuốn sách lên cười: Ông này họ Nhiều tên Giả. Cái cười khiến cho chữ Nhiều Tác Giả trên bìa sách bỗng hóa ra quê.
Nhà văn không cần những danh hiệu gì khác, chứ nếu mà tặng thêm thì Tô Hoài phải xứng với danh hiệu kiểu anh hùng lao động chiến sĩ thi đua. Một tấm gương lao động suốt đời, bền bỉ, cần mẫn. Nhà báo đặt bài, xong, lại nhắc thêm một câu: Bác viết cho cháu đúng hạn bác nhé. Tô Hoài thủng thẳng: Cô yên tâm, ngày rộng tháng dài. Nữ nhà báo kính cụ luôn, trời ơi, một ông già gần chín mươi tuổi mà nói ngày rộng tháng dài, như không.
Bác Tô Hoài sinh năm 1920, những năm tuổi gần chín mươi mà vẫn viết hàng ngày, viết đều đặn, viết minh mẫn, nói mạch lạc. Đầu xuân 2010, Hội Nhà văn Hà Nội chúng tôi tổ chức chúc thọ bác tại nhà, chín mươi xuân, nhà văn vẫn nói năng rành rẽ. Tôi tặng bác một con dế mèn bằng đá tình cờ thấy trong một hiệu đồ lưu niệm ở Sa Pa, tôi còn nhắc rằng bác có dự định viết hồi ký về những câu chuyện tình. Có chứ, tôi sẽ viết, bác bảo.
Một người viết suốt đời, không bỏ phí một chi tiết nào trong đời mình, không phí một chi tiết nào thu nhận được từ đời sống. Có lẽ là không. Tô Hoài khác hẳn một vài bạn viết cùng thời, khác với những vị suốt đời chỉ dọa viết. Chữ “dọa” là của bác Tô Hoài. Ông ấy chỉ dọa viết chứ không viết thật. Ông ấy viết tên truyện lên đầu một trang giấy trắng, kẹp trang giấy ấy vào một tấm bảng, để trước mặt. Bao nhiêu ngày tháng trôi đi vẫn chỉ có cái tên truyện, không bắt đầu viết được chữ nào.
Tô Hoài bảo phải ngồi vào bàn và huy động cảm hứng đến. Đêm nằm nghĩ ra ý tưởng, nghĩ thì hay ho lắm, nhưng sáng ra ngồi vào bàn thì nó đi đâu hết. Bác Tô Hoài không nói thêm, nhưng tôi hiểu đấy là một cách làm việc chuyên nghiệp: nhà văn tài năng là người có đủ kỹ năng để chủ động khơi dậy cảm hứng chứ không thụ động chờ nó đến. Chờ thì có khi chẳng bao giờ nó đến.
Nhà văn làm gì thì cũng chỉ để nhằm một mục đích là để viết được. Yêu. Đi. Làm việc. Tất cả đều phải gây thêm cảm hứng cho việc viết. Yêu mê mải, đi mê mải, lên diễn đàn tuyên ngôn mê mải… rồi không viết được nữa, thì đấy là điều hại cho nhà văn. Chung cuộc, người ta hỏi nhà văn tác phẩm của anh đâu, chứ không nghĩa lý gì mà biết anh đã trải bao mối tình, đi bao nhiêu chuyến gần xa, khuấy động được bao người trên những diễn đàn ồn ào to tát.
Nghề văn cũng như mọi nghề làm hàng. Viết bài báo Tết, Tô Hoài gọi là làm hàng Tết. Hầu như ai đặt viết cũng nhận, hầu như báo nào đặt bài cũng nhận. Thập kỷ chín mươi, tôi đặt bác Tô Hoài viết cho một chuyên mục theo kiểu chuyện cũ Hà Nội. Viết. Đều đặn hàng tuần. Bài có khi bị tòa soạn cắt bớt. Bài có khi bị trả hơi thấp. Tôi cầm báo và nhuận bút đến cho bác, tỏ ra áy náy. Nhưng Tô Hoài đặt tờ báo và phong bì nhuận bút sang bên, dẫn tôi sang quán bia cạnh nhà, chuyện trò như không. Đấy là xử sự của một người từng trải, một người làm báo đã thành tinh, việc cắt bài, việc hạ nhuận bút không hề xa lạ. Cắt cũng được, trả bao nhiêu cũng được. Tự tin. Không phải vì thế mà suy giảm giá trị của mình.
Một lần tôi có nói gì đó về một ông nhà báo bây giờ làm quản lý. Tô Hoài nghe, tiếp tục uống bia, kể chuyện về ông chủ quán bia trẻ vốn đi làm ăn ở Đức về. Một lát sau, như đã xa ra chuyện khác rồi, thì bác bảo: văn là văn, báo là báo, báo là một nghề khác.
Tôi kể vừa mua cuốn sách mới của một nhà văn lão làng, rồi đưa cho bác ấy ký lưu niệm. Tô Hoài gật đầu: Ừ, như vậy lịch sự hơn. Đúng là lịch sự hơn người cứ gặp tác giả là nhắc nhở tặng sách.
Tô Hoài đi nhiều. Thời Tây Bắc kháng chiến, viết Vợ chồng A Phủ, sau này là Miền Tây, dọc ngang khắp rừng núi. Thời hòa bình sau 1954 thì được điều đi làm cải cách ruộng đất, đi vào đời sống của công nông gọi là tìm hiểu thực tế. Rồi làm quản lý ở Hội Nhà văn được mời đi khắp các nước xã hội chủ nghĩa và các nước thế giới thứ ba. Đi đến mức ông bạn là nhà văn Nguyễn Tuân phải nói thành thực: Mày mới là thằng đi nhiều, tao chỉ là đi vờ mà thôi.
Tô Hoài kể lần cuối cùng gặp nhau, Nguyễn Tuân bảo vừa từ chối một chuyến sang Paris, đôi chân phong thấp đi lại đã khó khăn. “Cái tâm sự nát lòng của người ta thì không một lời chữ nào thổ lộ và giãi bày cho hết được. Hai cái chân đã rỗng cả ống của con người vốn khỏe đi ấy gây cái khó vô cùng cho sự đi, xóa mờ cả tấm tình sông hồ rồi” (hồi ký Cát bụi chân ai). Tô Hoài thấy vậy, không dám khoe rằng mình sắp đi Cát Bà, không thể khoe với người muốn đi mà không đi được nưa.
Nhiều chuyến tôi đi liên hoan nhà văn nước này nước nọ về, bác Tô Hoài hỏi chuyện đi những đâu làm những gì, rồi bình một câu: Tôi bây giờ có cho đi như thế cũng chẳng đi được nữa.
Lại nhớ chuyện bác Tô Hoài kể. Lần ấy, Tô Hoài định vui chuyện nói với Nguyễn Tuân rằng mình sắp đi Cát Bà. Nguyễn Tuân thì vừa chống gậy đi đâu về, mệt mỏi nằm ra giường, bảo Tô Hoài tự lấy chai rượu rót ra mà uống. Được một lúc thì Tô Hoài len lén ra về. Thôi, không kể chuyện mình sắp đi xa một chuyến, không kể với người thèm đi mà chân cẳng như thế không đi được nữa.
Tôi đọc rất tốn
Không chỉ là tấm gương lao động, Tô Hoài có lẽ cũng là tấm gương sống nhiều sống thọ. Năm 2014 này, bác đã sang tuổi ta chín mươi lăm. Cứ sống bình thản trước mọi sự, không giận dữ, không dồn sức, không tự gây khó cho mình bằng những cố lên cố lên. Làm việc không nghỉ một ngày, tham gia công việc của cơ quan của phường phố, tản bộ ung dung chứ không nhất thiết phải gắng sức tập tành… Cứ thế mà đi trọn một thế kỷ.
Nhà văn Ma Văn Kháng bảy mươi chín tuổi mới vào viện kiểm tra lại ba cái ống stent cài trong tim từ dăm năm trước, bây giờ nó đã hỏng, không thay được mà cũng không lấy ra được nữa. Chung sống với nó thôi, Ma Văn Kháng bảo. Tôi động viên, mong anh cũng sẽ được lâu lâu minh mẫn rành rẽ như bác Tô Hoài. Thì bác Tô Hoài đúng là tấm gương sống thọ cho nhiều nhà văn noi theo.
Mới đây một chị bạn văn gửi thư điện tử kể bác Tô Hoài bây giờ mắt mờ, không đọc được nữa. Chị có chuyển lời hỏi thăm của tôi từ xa đến bác. Tôi nhớ bác Tô Hoài đọc báo hàng ngày, đọc từ bài dài cho đến những mẩu tin con con, “tôi đọc rất tốn báo” như lời bác nói. Rất tốn sách nữa.
Có người bảo tôi bác Tô Hoài nhận được sách tặng của mọi người, đọc, ghi lại đôi dòng để nhớ, rồi bỏ cuốn sách. Chắc là kiểu triết lý buông bỏ như tôi từng viết và bắt đầu thực hành. Bác bảo đọc là học, đọc cái dở cũng học được. Đúng là vậy. Không phải học theo cái dở, mà rút được kinh nghiệm từ cái dở. Không nên dẫn chuyện kiểu này, không nên lộ quan điểm và cảm xúc kiểu này, không nên sử dụng ngôn ngữ kiểu này.
Chuyện trò lan man thế nào, chị bạn bảo tôi đang ở xa, vậy để hôm tới chị mua cuốn sách mới của tôi mang đến cho bác. Tôi vội nói: Đừng chị ơi, bác không đọc được, sao lại đưa sách đến. Chị bạn lúc ấy như mới nhớ ra.