Bác sĩ khuyến cáo người dân không 'dùng bia giã rượu'

TP - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, biện pháp “dùng bia giã rượu” chỉ được áp dụng phương pháp này tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện.

Ngày 10/1, trước thông tin một người đàn ông ở Quảng Trị sau khi bị ngộ độc methanol đã được truyền 15 lon bia, hơn 2 tuần sau, bệnh nhân tỉnh táo, ra viện, TS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Bệnh nhân được cứu sống là vì lọc máu không phải vì truyền bia. Lọc máu là giải pháp duy nhất để cứu bệnh nhân”.

Bác sĩ Chính lý giải: “Trong trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ vừa cứu sống, người bệnh bị ngộ độc methanol - một loại rượu công nghiệp cực độc chứ không phải ethanol (một loại rượu được sử dụng làm thực phẩm). Hai loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau nên khi cho người bệnh uống ethanol (ở đây là bác sĩ truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của methanol có trong máu. Ngoài ra, để điều trị ngộ độc methanol, các bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác như bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch và lọc máu cấp cứu. Nếu ngộ độc ethanol mà vẫn tiếp tục uống ethanol (ví dụ bia) thì người bệnh càng trầm trọng, nhưng nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc) mà cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc”. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, biện pháp “dùng bia giã rượu” chỉ được áp dụng phương pháp này tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.

MỚI - NÓNG