Sản phụ may mắn này là chị L.T.K.N (34 tuổi, phường Long An, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Trước đó, chị N. được chẩn đoán trước mổ là mang thai lần 3, thai 38 tuần, rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược trên nền tăng huyết áp thai kì, mổ đẻ cũ. Chị N. đẻ thường 1 lần, mổ lấy thai 1 lần và có tăng huyết áp thai kỳ... TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, sáng ngày 4/2, ca cấp cứu của sản phụ N. đã trở thành ca cấp cứu đặc biệt đáng ghi nhớ của Bệnh viện Phụ Sản TW... Ở thời điểm đó, bệnh nhân N khi chuyển lên phòng mổ đã được tiến hành gây mê nội khí quản, kiểm soát hô hấp và huyết động chặt chẽ, đặt đường truyền lớn để đề phòng các nguy cơ.
"Ca mổ bắt đầu lúc 9h35 phút, bé trai nặng 4,3kg chào đời an toàn trong niềm hạnh phúc của gia đình. Những tưởng ca mổ lấy thai sẽ diễn ra suôn sẻ, nhưng chỉ tích tắc sau khi em bé chào đời, bỗng nhiên sản phụ rơi vào cơn nguy kịch thập tử nhất sinh do tắc mạch ối"- GS Ánh kể lại.
![]() |
Sản phụ được chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
BSCKII Bạch Minh Thu – Phụ trách khoa Phẫu thuật - Gây mê Hồi sức (Bệnh viện Phụ sản TW) - một trong những người trực tiếp tham gia cấp cứu sản phụ trong ekip cho hay: Lúc đó sản phụ bất ngờ tím tái, SpO₂ giảm nhanh. Dù được phát hiện và xử trí tích cực ngay lập tức nhưng tình trạng diễn biến rất cấp tính và biểu hiện rối loạn đông máu ngay lập tức.
Các thuốc đưa vào cơ thể gần như không đáp ứng, huyết áp tụt, bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn. Trên monitor vẫn thấy nhịp tim nhưng khi chúng tôi nghe bằng ống nghe bình thường, không có tiếng tim, chẩn đoán đây là một hiện tượng phân ly điện cực, tức nhịp tim trên monitor không chính xác. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngừng tim, ngừng tuần hoàn và nguy kịch đến tính mạng.
Ngay lập tức, đội ngũ y bác sĩ kích hoạt báo động đỏ toàn viện, huy động toàn bộ nhân lực cấp cứu, các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện.
"Cá nhân tôi đã gần 30 năm gắn bó với nghề nhưng đây là một trong những ca cấp cứu ngừng tuần hoàn dài nhất mà tôi từng chứng kiến. Tỷ lệ bệnh nhân có thể sống sót và hồi phục gần như bằng không. Đứng trước một ca bệnh như thế này, không chỉ tôi mà tất cả bác sĩ đều rất lo lắng. Tuy nhiên, đối với bất kỳ một bệnh nhân nào, sự bình tĩnh để quyết định là điều rất quan trọng. Do đó, chúng tôi dù rất căng thẳng nhưng vẫn phải vững về tinh thần để sao cho đưa ra những quyết định đúng, xử trí đúng, đặc biệt người chỉ đạo chung phải tìm ra được sự nhuần nhuyễn trong việc phân công ekip"- BS Thu chia sẻ.
![]() |
Sản phụ được cứu sống hơn cả một kỳ tích. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
BS Thu cho biết, ekip cấp cứu đã thực hiện ép tim ngoài lồng ngực liên tục, thông khí kiểm soát với oxy 100%, sử dụng vận mạch trợ tim, truyền các chế phẩm máu khẩn cấp.
"Điều khiến tôi căng thẳng nhất là tình trạng bệnh nhân ở thời điểm đó khó đáp ứng với thuốc và cấp cứu trong một thời gian dài. Thông thường, chúng tôi chỉ cấp cứu ngừng tuần hoàn.trong 3-5 phút nhưng riêng trường hợp này là trên 20 phút, tim bệnh nhân mới đập lại. Điều này thể hiện sự quyết tâm bằng mọi giá, khi thấy dấu hiệu còn có thể cứu được thì chúng tôi vẫn sẽ cố gắng. Chúng ta không thể đầu hàng khi vẫn còn cơ hội, vẫn cố gắng bằng tất cả sức lực và bằng nguồn lực"- BS Thu nói.
Sau hơn 30 phút căng thẳng tột độ, kỳ tích đã xảy ra bệnh nhân có tái lập tuần hoàn tự nhiên, tim bắt đầu đập có hiệu quả, huyết áp dần ổn định.
"Cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân kéo dài hơn 2 tiếng với sự tham gia của toàn bộ ekip hồi sức cấp cứu. Các bác sĩ đã phối hợp chặt chẽ, không ngừng đánh giá, hội chẩn, khẩn trương cấp cứu để mang lại cơ hội sống sót cho người bệnh từ những hy vọng mong manh. Chúng tôi như vỡ òa trong niềm vui"- BS Thu kể.
Sau khi qua cơn nguy kịch, sản phụ tiếp tục được điều trị tích cực, các bác sĩ cho hay mặc dù bệnh nhân có tái lập tuần hoàn tự nhiên nhưng sau đó là vô vàn vấn đề cần lo lắng. Sau khi tim đập có hiệu quả trở lại, mặc dù huyết áp được duy trì nhưng bệnh nhân phải dùng các thuốc vận mạch – trợ tim liều cao, toan chuyển hóa nặng, rối loạn đông máu khó kiểm soát và bắt đầu có dấu hiệu suy giảm chức năng các tạng sau ngừng tim.
"Chúng tôi lo ngại nhất là tình trạng tổn thương não bộ do ngừng tim kéo dài và các hậu quả của hội chứng tái tưới máu. Nhưng thật may mắn, đáp lại với sự hồi sức và cố gắng nỗ lực 24/24h của ekip, sản phụ dần tỉnh lại, tri giác tốt dần, các rối loạn được kiểm soát và được dừng an thần, dừng vận mạch, cai thở máy. Đây thực sự là một điều kỳ diệu"- ThS.BS Trịnh Xuân Khánh - Đơn vị chống đau, Bệnh viện Phụ sản TW bày tỏ.
"Những tưởng vợ tôi sẽ không thể quay trở về, nhưng kỳ tích đã xảy ra. Nhờ sự tận tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ, vợ tôi đã được cứu sống. Đến giờ phút này, khi vợ đã ổn định và có thể về bên gia đình, bên đứa con vừa chào đời, tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Những ngày qua là quãng thời gian đầy căng thẳng và lo âu, nhưng giờ đây, mọi thứ đã dần lùi lại phía sau. Gia đình tôi mãi mãi biết ơn các thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản TW – những người đã giúp vợ tôi có cơ hội được tái sinh một lần nữa, giúp các con tôi có mẹ và tôi cũng có gia đình nhỏ trọn vẹn"- chồng bệnh nhân xúc động nói...