Bác sĩ chỉ cách ăn uống tốt nhất cho bệnh nhân ung thư phổi

TPO - Người bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng trong quá trình điều trị thường sẽ gặp tình trạng chán ăn. Điều này xuất phát từ các rối loạn tiêu hoá, thay đổi vị giác, tâm lý lo lắng hoặc tác dụng phụ của các phương pháp trị liệu.

Chán ăn làm người bệnh ung thư không được cung cấp đủ dinh dưỡng trong quá trình điều trị, làm giảm đáp ứng với điều trị và dễ bị tác dụng phụ của hoá, xạ trị, chuyên gia dinh dưỡng TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết.

Ung thư phổi là một trong 3 ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Theo Globocan (dự án nghiên cứu ung thư quốc tế) năm 2022, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và 22.597 ca tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư phổi cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu do ung thư ở cả hai giới.

Dinh dưỡng có ý nghĩa như thế nào với bệnh nhân ung thư phổi

Theo một thống kê của bệnh viện Bạch Mai năm 2024, ước tính có từ 10-20% bệnh nhân ung thư tử vong do suy dinh dưỡng chứ không phải do chính khối u. Điều đó càng khẳng định, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư. Dinh dưỡng giúp cung cấp đủ năng lượng, tăng cường sức đề kháng, miễn dịch, phòng ngừa và phục hồi tình trạng suy mòn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để đảm bảo dinh dưỡng cần có một chế độ ăn hợp lý, tuân thủ nguyên tắc chung là cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Để đạt được điều đó thì chế độ dinh dưỡng cần được đảm bảo đầy đủ các thành phần chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt là vitamin A, C, B, E để giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Làm gì khi thay đổi vị giác?

Bệnh tật và quá trình điều trị thường làm thay đổi vị giác của bệnh nhân ung thư phổi. Khi bạn không còn cảm giác được mùi vị của thức ăn, khuyên bạn hãy “để mắt” đến mặt hấp dẫn khác của món ăn như màu sắc, cách bày biện. “Ăn bằng mắt” là một trải nghiệm thú vị- hãy luôn nghĩ đến mặt tích cực của vấn đề như vậy, chắc chắn bạn sẽ vượt qua được cảm giác chán ăn rất thường khi hành hạ người bệnh ung thư.

Người bệnh ung thư phổi nên ăn nhiều thực phẩm gì?

Bệnh nhân ung thư phổi nên tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều Omega 3, EPA: Cá hồi, dầu oliu, các loại cá biển sâu, cá da trơn... Ăn cá 3 lần/ tuần hoặc có thể uống bổ sung viên dầu cá 3g/ ngày.

Hàu chứa lượng kẽm cao, từ đó làm cho việc hóa trị ung thư phổi hiệu quả hơn. Thiếu kẽm cũng có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch yếu.

Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ và chất dinh dưỡng hơn ngũ cốc tinh chế. Đặc biệt, chất chống oxy hóa trong ngũ cốc nguyên hạt đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ bệnh ung thư. Ngoài ra, lúa mì, lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, hạt kê... dồi dào vitamin B và carbohydrate kích thích não sản sinh serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh giúp cơ thể giảm cảm giác thèm ăn, lo lắng, khó chịu.

Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, Selen có khả năng chống oxy hóa như: cà rốt, giá đỗ xanh, cà chua, rau ngót, rau muống… Rau thơm, gia vị: Tỏi, hành, hẹ...

Trái cây, củ quả màu cam: Cam, quýt, đào, đu đủ, ớt chuông đỏ, cà rốt đều có tác dụng bảo vệ giúp ngăn ngừa ung thư. Theo nghiên cứu, hàm lượng beta-cryptoxanthin cao có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi.

Trà xanh không chỉ được phát hiện có vai trò ngăn ngừa sự phát triển của bệnh ung thư phổi mà còn có lợi cho những người đã sống chung với căn bệnh này. Bệnh nhân ung thư phổi uống 2 tách trà xanh mỗi ngày có thể giúp cơ thể hấp thụ các chất polyphenol có trong trà xanh, góp phần phát huy tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa sự tiến triển của ung thư.

Các sản phẩm từ sữa: Sữa, phô mai, sữa chua... vốn chứa lượng canxi, protein dồi dào, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Đây là bữa ăn phụ lý tưởng cho bệnh nhân ung thư phổi- thường mệt mỏi, chán ăn- để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Chất béo thực vật là nguồn chất béo có lợi cho cơ thể, giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và ngăn ngừa tình trạng sụt cân bất thường ở bệnh nhân ung thư phổi. Ngoài ra, người bệnh nên dùng thêm các loại ngũ cốc, bơ đậu phộng, trộn với salad, ngũ cốc, sữa chua. Một số nguồn chất béo thực vật rất dồi dào như: dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu bơ...

Nên uống đủ nước trong khi điều trị ung thư, giúp cơ thể không rơi vào tình trạng mất nước và ảnh hưởng hệ thống miễn dịch.

Ăn thức ăn ở dạng mềm, lỏng, ấm và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày cũng là một bí quyết để người bệnh ung thư phổi được cung cấp chất dinh dưỡng ổn định và dễ dàng. Thường xuyên thay đổi món ăn mới. Thứ tự ăn hợp lý là: Ăn thực phẩm giàu protein trước như: thịt gà, cá, đậu, trứng, rồi sau đó ăn cơm, khoai củ,…tiếp đến là các loại hạt giàu chất béo, quả chín…

Người bệnh ung thư phổi nên tránh thực phẩm gì?

Hạn chế ăn thịt đỏ, thịt hun khói, đồ hộp, đường đã qua chế biến, dưa muối, cà muối… là biện pháp giúp người bệnh ung thư phổi duy trì trọng lượng cơ thể và lượng đường trong máu khỏe mạnh. Cả hai đều quan trọng để ngăn ngừa và chống lại bệnh ung thư.

Tốt nhất nên kiêng đồ uống có cồn trong khi điều trị ung thư phổi. Đồ uống có cồn như rượu có thể dẫn đến mất nước, làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Người bệnh ung thư phổi không nên ăn đồ ăn cay, vì một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư phổi là khó nuốt. Đồ ăn cay dễ làm tăng cảm giác buồn nôn và viêm họng, không phù hợp với cổ họng nhạy cảm của bệnh nhân ung thư phổi.

Tuyệt đối tránh dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần và luôn kiểm tra kỹ các thực phẩm dễ bị nấm mốc như: lạc mốc, đỗ đậu, hạt bí, hạt dưa bị mốc…