Bắc Ninh xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển

TPO - Với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chủ lực, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là ưu thế hội tụ của các doanh nghiệp lớn.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Bắc Ninh, hiện có hơn 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI, chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Các số liệu cho thấy, nếu như năm 2012, Bắc Ninh mới có 126 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đến năm 2016 số doanh nghiệp tăng lên 430 và đến năm 2023 số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt hơn 500, bao gồm cả doanh nghiệp là vệ tinh cấp 1 và doanh nghiệp vệ tinh cấp 2. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp FDI và hầu hết đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore.

Đáng chú ý là ngành công nghiệp điện tử với sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như: Samsung (Hàn Quốc), Canon, Sumitomo (Nhật Bản), Foxcon (Đài Loan – Trung Quốc)… kéo theo sự thu hút hàng loạt các nhà cung ứng giúp cho Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất, lắp ráp điện tử hàng đầu trên cả nước.

Theo Sở Công Thương Bắc Ninh, sự phát triển công nghiệp hỗ trợ và số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngày càng gia tăng cũng giúp hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ vẫn bộc lộ nhiều tồn tại như sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chủ lực, Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh.

Cụ thể, tỉnh đã phê duyệt các quy hoạch, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với những mục tiêu cụ thể, chú trọng vào 3 ngành chính là điện - điện tử; cơ khí chế tạo và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao. Đồng thời, định hướng thành lập, chuyển một số cụm công nghiệp thành cụm công nghiệp hỗ trợ, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành trọng điểm trên và phát triển hạ tầng cụm công nghiệp hỗ trợ.