Bắc Kinh sẽ ưu tiên cải thiện quan hệ với Washington

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS James Borton (Trung tâm Stimson, Viện Chính sách đối ngoại của Mỹ) cho rằng, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ về vấn đề Đài Loan, nhưng vẫn ưu tiên cải thiện quan hệ với Mỹ, nhất là trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Trung Quốc trong hai tuần tới.

Theo ông Borton, trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Blinken sẽ hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương để thúc đẩy đối thoại, tham vấn nhằm hiện thực hóa các cam kết, sự đồng thuận mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được ở Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022, trong đó có nối lại đàm phán chống biến đổi khí hậu, duy trì ổn định về tài chính, y tế và lương thực.

Ngày 1/1, ông Blinken điện đàm với ông Tần. Trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, ông đã thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc về quan hệ song phương và việc duy trì trao đổi giữa hai nước. Trước đó, ngày 30/12/2022, ông Tần Cương, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao ở tuổi 56. Theo ông Borton, trước mắt, hai ngoại trưởng sẽ duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ Mỹ-Trung. Về lâu dài, Trung Quốc sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với các nước phát triển, các đối tác thương mại, đầu tư lớn của Trung Quốc như Đức, Ý, Úc… để giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19, nâng cao khả năng tự cường về khoa học-công nghệ trong bối cảnh Mỹ và đồng minh áp dụng nhiều biện pháp hạn chế Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Ông Borton nhận định, trong vai trò ngoại trưởng, ông Tần Cương sẽ nhấn mạnh, thúc đẩy yếu tố Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại của nước này, đặc biệt là các sáng kiến của ông Tập Cận Bình, sức mạnh mềm, sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc trên nền tảng sức mạnh kinh tế. Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách ngoại trưởng, ông nói rằng, để giải quyết các thách thức chung, ngoại giao Trung Quốc sẽ cung cấp cho các nước, cho cộng đồng quốc tế “sự khôn ngoan của Trung Quốc, các sáng kiến của Trung Quốc và sức mạnh của Trung Quốc”.

Trả lời phỏng vấn năm 2013, ông Tần Cương nói về ngoại giao như sau: “Ngoại giao là một công việc phức tạp và có hệ thống. Nó có thể cứng rắn với một số nét mềm mại, hoặc mềm mại với một số nét cứng rắn. Nó cũng có thể vừa cứng vừa mềm. Khi thời gian và hoàn cảnh thay đổi, cả hai có thể chuyển hóa lẫn nhau”.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ NPR hồi tháng 1/2022, ông Tần Cương khẳng định, “mối quan hệ quan trọng nhất” của Trung Quốc là với Mỹ, dù vấn đề Đài Loan là “đốm lửa lớn nhất” trong quan hệ song phương, “nếu chính quyền Đài Loan tiếp tục đi theo con đường giành độc lập, rất có thể sẽ kéo Trung Quốc và Mỹ vào một cuộc xung đột quân sự”.

Chân dung tân ngoại trưởng trẻ nhất Trung Quốc

Giai đoạn 2014-2018, ông Tần Cương làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nên có nhiều dịp ở bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông tiếp đón, hội đàm, hội kiến các nhà lãnh đạo nước ngoài. Sau 3 năm làm thứ trưởng ngoại giao (2018-2021), ông Tần sang Mỹ làm đại sứ Trung Quốc với nhiệm vụ giải thích lập trường của Bắc Kinh, bảo vệ, quảng bá hình ảnh tích cực của Trung Quốc trong mắt người Mỹ và thúc đẩy đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng.

Bắc Kinh sẽ ưu tiên cải thiện quan hệ với Washington ảnh 1

Đoàn đại biểu Trung Quốc (ông Tần Cương ngồi ngoài cùng bên trái) tham quan nhà máy Boeing ở Washington, trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận BìnhẢnh: New York Times

Ông Tần tích cực tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí-truyền thông và khả năng tiếng Anh vì có nhiều năm làm người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Vụ phó Vụ Thông tin. Tài khoản Twitter của ông Tần có hơn 250.000 người theo dõi. Ngày 4/3/2022, ông Tần đăng ảnh mình ngồi trong ô tô nói chuyện với tỷ phú Mỹ Elon Musk và dòng tweet: “Vừa có một cuộc nói chuyện đầy cảm hứng với @elonmusk. Hôm nay trong ô tô trên đường, dưới những ngôi sao trên bầu trời, nghiên cứu về bộ não con người, ý nghĩa của cuộc sống trên Trái đất và tương lai của chúng ta trong không gian. Nhìn lên và nghĩ xa hơn!”.

Ông Tần Cương giàu kinh nghiệm làm việc với phương Tây: Năm 1988, vào làm việc tại Bộ Ngoại giao, được phân công làm trợ lý báo chí cho hãng thông tấn Mỹ UPI - văn phòng Bắc Kinh; những năm 2000 làm bí thư thứ ba và thứ hai tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh.

Ông Tần thường thể hiện quan điểm cứng rắn với phương Tây, được coi là “chiến binh sói” với những phát biểu mạnh mẽ liên quan Mỹ và các nước phương Tây mà Trung Quốc coi là thù địch. Năm 2020, ông nói rằng, hình ảnh của Trung Quốc ở phương Tây đã xấu đi vì người châu Âu và người Mỹ, đặc biệt là giới truyền thông, chưa bao giờ chấp nhận hệ thống chính trị và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, mức độ “chiến binh sói” của ông Tần giảm khi công tác ở Mỹ. Khi mới sang Mỹ (tháng 7/2021), ông nói với các phóng viên rằng, quan hệ Trung-Mỹ “có tiềm năng và cơ hội rất lớn”, “cánh cửa quan hệ Trung-Mỹ đã rộng mở rồi và không thể đóng lại”. Tuần qua, ông Tần có bài viết trên tạp chí Mỹ National Interest nhận định rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, hai siêu cường thế giới, không phải là kiểu người thắng ăn cả kẻ ngã về không.

MỚI - NÓNG