Bắc Giang mở hội nghị trực tuyến bán vải thiều trong nước và quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều ở trong và ngoài nước
Tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều ở trong và ngoài nước
TPO - Ngày 8/6, tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều với 8 điểm cầu quốc tế và 21 điểm cầu trong nước nhằm đẩy mạnh việc bán vải cho nông dân.

Tại điểm cầu Bắc Giang, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020).

Cũng theo ông Tuấn, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha (chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh), sản lượng ước đạt 125.000 tấn (chiếm 69,4% tổng sản lượng vải). Vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP có diện tịch 82 ha. Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn, vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, trong bối cảnh tình hình dịch COVID - 19 trên toàn thế giới, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh, có thể nói đây là hoạt động xúc tiến thương mại “con thoi”.

Bắc Giang mở hội nghị trực tuyến bán vải thiều trong nước và quốc tế ảnh 1
Tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều ở trong và ngoài nước

“Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang phát huy tinh thần hữu nghị, hợp tác với các bạn hàng truyền thống, có sự liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ từ các bạn hàng quốc tế, các tỉnh, thành phố bạn và doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh nông sản”, ông Dương nhấn mạnh.

Đại diện điểm cầu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho rằng, việc giao lưu trực tuyến trở thành phương thức quan trọng trao đổi thương mại, đôi bên cùng có lợi. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch, từ đầu năm đến nay, kim ngạch thương mại song phương tăng khoảng 40%. Trong đó, Vân Nam nhập nhiều hoa quả từ Việt Nam.

Tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại Cty TNHH MM Mega Market Việt Nam) cho hay, để chung tay tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, công ty thực hiện chương trình khuyến mãi từ ngày 1/6 đến ngày 16/6 với chủ đề “Hội chợ trái cây nhiệt đới” tại hệ thống các trung tâm MM Mega Market trên toàn quốc. Trong suốt chương trình, mỗi trung tâm sẽ trưng bày 1 đảo lớn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tại khu vực rau củ quả, trái cây nhằm chào đón Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch hàng năm). Ngoài ra, công ty tổ chức Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại Trung tâm MM Mega Market An Phú (tại Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

Bắc Giang mở hội nghị trực tuyến bán vải thiều trong nước và quốc tế ảnh 2

Vải thiều tỉnh Bắc Giang vào chính vụ

MM Mega Market sẽ quảng bá về Tuần lễ vải thiều Bắc Giang (đặc sản vùng Đông Bắc) lên các phương tiện truyền thông như Facebook, Zalo, các kênh khách hàng chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp ăn tập thể lớn và khách hàng tiêu dùng lẻ trên toàn quốc từ ngày 1/6 đến ngày 16/6.

Dự kiến lượng nông sản tiêu thụ cho Bắc Giang qua hệ thống của MM Mega Market là từ 500 đến 700 tấn bao gồm vải cắt cành đóng hộp (trưng bày và tiêu thụ trên cả nước), dứa, bí ngô và dưa hấu (trưng bày và tiêu thụ ở khu vực miền Bắc).

Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, sản lượng quả vải được trồng trong nước Nhật chỉ chiếm khoảng 5% thị phần tiêu thụ ở Nhật, được coi là mặt hàng cao cấp với giá bán rất cao. Nhật Bản nhập khẩu quả vải tươi từ Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Mexico, Honduras...

Cũng theo ông Nam, quả vải thiều tươi của Việt Nam gây được tiếng vang sau một năm xâm nhập thị trường Nhật Bản. Khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận.

Bắc Giang mở hội nghị trực tuyến bán vải thiều trong nước và quốc tế ảnh 3

Vải thiều Bắc Giang bán trong siêu thị của Nhật Bản

“Nhiều người Nhật đã dành lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam và họ cũng mua tặng gia đình, bạn bè. Bên cạnh đó, số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây khiến cho nhu cầu và hình ảnh của hàng thực phẩm Việt Nam ngày càng được nâng cao tại thị trường Nhật Bản, trong đó có quả vải thiều”, ông Nam cho biết.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu (năm 2020), vải thiều Việt Nam chiếm thị phần khoảng 10% tại thị trường Nhật (xếp thứ 3, sau Trung Quốc và Đài Loan). Vải thiều Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng thị phần trong năm nay. "Do năm 2020 là năm đầu tiên nên các công ty Nhật Bản nhập khẩu dè dặt nhằm thăm dò phản ứng thị trường. Do quả vải Việt Nam gây được hiệu ứng tốt, các công ty Nhật dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên gấp nhiều lần" - ông Nam nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.