'Bắc cầu' cho những người lầm lỡ hoàn lương

Doanh nhân Hoàng Công Đoàn tại lễ trao giải thưởng TOP 10 Doanh nhân trẻ xuất sắc khởi nghiệp năm 2016. Ảnh: Bình Minh.
Doanh nhân Hoàng Công Đoàn tại lễ trao giải thưởng TOP 10 Doanh nhân trẻ xuất sắc khởi nghiệp năm 2016. Ảnh: Bình Minh.
TP - Khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi, trải qua những lần thất bại, doanh nhân trẻ Hoàng Công Đoàn (SN 1983, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Sông Thao) đang dần khẳng định được mình trên thương trường, đồng thời, mang lại cơ hội cho những người lầm lỡ hoàn lương, chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.

Truyền cảm hứng, cơ hội cho star-up

Đứng đầu doanh nghiệp, đảm trách vị trí Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam nên lịch làm việc của anh luôn kín. Gặp anh tại văn phòng ở Hà Nội chúng tôi cảm nhận được tốc độ làm việc khẩn trương và gánh nặng của doanh  nhân trẻ tuổi này.

Anh Hoàng Công Đoàn cho biết, CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam thành lập ban đầu chỉ có 8 thành viên. Đến nay, CLB có 436 thành viên ở khắp toàn quốc. Ý tưởng thành lập được anh nhen nhóm từ khi nhận giải TOP 10 Doanh nhân trẻ xuất sắc khởi nghiệp năm 2016. “CLB nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các bạn doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong độ tuổi dưới 45. Tôi kêu gọi 10 người đạt giải TOP 10 Doanh nhân trẻ xuất sắc khởi nghiệp năm 2016 thì có 8 người đồng ý tham gia thành lập CLB”, anh Đoàn nhớ lại. Anh tìm kiếm hội viên là những doanh nhân trẻ tiêu biểu xuất sắc được T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Hội Doanh nhân trẻ vinh danh.

Từ những trải nghiệm ngày đầu khó khăn khởi nghiệp, anh Đoàn cùng các thành viên CLB tạo điều kiện hỗ trợ cơ chế chính sách cho các hội viên mới khởi nghiệp. Đồng thời, tạo ra quỹ do mọi người đóng góp để hỗ trợ những ý tưởng tốt. CLB cũng có đội ngũ tìm kiếm những gì mới, tinh tuý của các doanh nhân thành công trên thế giới để chia sẻ lại cho các thành viên. “Khi là một người muốn khởi nghiệp thì bản thân mới hiểu cần gì, thiếu gì, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của toàn thế giới. Đó là thử thách không chỉ riêng doanh nhân trẻ mà cả doanh nhân toàn quốc vì Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn”, anh Đoàn nói.

Sau một năm thành lập, CLB có những hoạt động hiệu quả như bán chéo sản phẩm giữa các thành viên, dùng thế mạnh của mỗi thành viên để hỗ trợ lẫn nhau. CLB đã tổ chức 9 diễn đàn khởi nghiệp, 8 toạ đàm nói chuyện với quy mô 50-100 người tham dự. Đặc biệt, đẩy được doanh thu của CLB năm 2017 lên đến 2,2 lần so với năm 2016, bình quân 8 tỷ đồng/doanh nghiệp, tương đương 4.000 tỷ đồng.

“CLB đầu tư ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo xu hướng công nghệ 4.0. Chúng tôi vừa đầu tư cho một doanh nghiệp ở Bắc Ninh một tỷ đồng. Trước mắt, chúng tôi ưu tiên đầu tư cho hội viên CLB trước đã. Mình đẻ ra con mà mình không thể lo cho con thì chưa thể lo cho người ngoài được”, anh Đoàn chia sẻ.

Trước mỗi ý tưởng, dự án đầu tư, anh Đoàn cùng thường trực CLB gồm 5 người là 5 chủ doanh nghiệp sẽ thẩm định, đánh giá. “Chúng tôi nhìn nhận vấn đề họ chọn; đồng thời xem yếu tố con người, đạo đức con người là số một. Không nhất thiết bạn phải qua giỏi, có nhiều tiền, nhưng phải là con người chuẩn mực. Chúng tôi tìm kiếm con người chuẩn mực, bồi dưỡng và hỗ trợ thêm và chỉ mong các bạn ấy thành công”, anh Đoàn nói về nguyên tắc hoạt động của CLB.

Tạo việc làm cho người lầm lỡ

Để có tiền học ĐH Kinh tế TP HCM, Hoàng Công Đoàn đã phải làm đủ nghề, từ bốc vác, phụ hồ đến thợ xây. Sau khi tốt nghiệp ĐH, trở về quê ở Thái Nguyên, năm 2008, Đoàn thành lập Cty Cổ phần Đầu tư Sông Thao, chuyên nhận xây dựng nhà cho dân. Ban đầu với số vốn ít ỏi và chỉ có vài người đầu quân cho mình, anh nhận làm những công trình nhỏ. Với quyết tâm “làm tử tế để xây dựng dần thương hiệu”, chỉ vài năm sau công ty của anh được nhiều người biết đến. Anh bắt đầu nhận được những hợp đồng xây dựng giá trị lớn, tuyển thêm nhiều thợ lành nghề, Cty có những bước phát triển vững chắc. 

Nói về cơ duyên “bắc cầu” cho những người từng lầm lỡ hoàn lương, anh Đoàn kể, trong một lần Hội Doanh nghiệp Thái Nguyên giao lưu với Trại giam Phú Sơn 4, anh phát hiện hàng trăm hecta đất tại đây đang bị bỏ hoang. Một ý tưởng lóe lên trong đầu anh, nếu triển khai dự án nông nghiệp sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp phạm nhân học nghề, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù. Anh đặt vấn đề thuê lại diện tích này với lãnh đạo Trại giam Phú Sơn 4 và rất may được ủng hộ. Năm 2013 dự án xây dựng trang trại sản xuất và tiêu thụ nông sản đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 700 lao động là phạm nhân tại Trại giam Phú Sơn 4.

Dự án có tổng mức đầu tư 73 tỷ đồng, phân chia theo các giai đoạn từ năm 2013-2017. Dự án bao gồm các hoạt động: Cải tạo, trồng mới, chế biến chè chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ViệtGAP; xây dựng trại chăn nuôi lợn, gà khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y. Anh còn cùng Trại giam tổ chức dạy nghề và định hướng cho những người lầm lỡ tái nhập cộng đồng. Dự án của anh đã được Tổng cục 8, Bộ Công an và UBND tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao do có hướng phát triển bền vững và giàu tính nhân văn.

Doanh nhân Hoàng Công Đoàn khá kiệm lời về những điều mình đã làm được, nhưng lại rất say sưa khi nói về các bài học rút ra từ thất bại. Anh cho rằng người trẻ khởi nghiệp cần nhìn nhận, đánh giá tỉnh táo đối với các ý tưởng của bản thân, cũng như chuẩn bị tâm lý đương đầu khó khăn, thử thách. “Có những lúc khó khăn tưởng chừng phá sản, tôi tự nhủ phải đứng dậy, tự mình cứu lấy mình. Và đúng thất bại là mẹ thành công, mỗi lần vấp ngã tôi lại có thêm bài học quý giá trong kinh doanh”, anh bộc bạch.

Với những thành tích và giá trị mang đến cho cộng đồng, việc làm giàu tính nhân văn, doanh nhân Hoàng Công Đoàn đã được trao giải thưởng TOP 10 Doanh nhân trẻ xuất sắc khởi nghiệp năm 2016 và mới đây là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2017 do T.Ư Đoàn tổ chức, bình chọn.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.