Một lần trò chuyện với khán giả, nghệ sĩ Vinh Sơn - đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam (ra đời năm 1997) chia sẻ một trong những thành công của bộ phim là đã lựa chọn được nhiều diễn viên phù hợp nhân vật để rồi họ đã có được vai diễn để đời như cậu bé An (Hùng Thuận), cậu bé Cò (Phùng Ngọc), ông Ba bắt rắn (Mạnh Dung), Võ Tòng (Lê Quang), Ba Ngủ (Hồ Kiểng), bà Tư Ù (Mai Thanh Dung), bác Ba Phi (Mạc Can)…
Mạc Can cũng thừa nhận ông được nhận vai bác Ba Phi bởi cuộc sống và tính cách của Mạc Can có nhiều nét tương đồng bác Ba Phi.
Bác Ba Phi (Mạc Can thể hiện) trong phim Đất phương Nam. |
Vẫn ở nhà thuê
Bác Ba Phi là nhân vật có thật tên là Nguyễn Phi Long (1884-1964) và quê ở Cà Mau. Ông giỏi võ, mê đờn ca tài tử và có tài kể chuyện. Hồi trẻ ông phải đi lính cho Pháp và lưu lạc đến nhiều nơi nên khi khi trở lại Cà Mau, ông có rất nhiều chuyện để kể. Tuy nhiên các kể chuyện của ông thường cường điệu hóa, như kiểu Trăn tát cá, Hổ xay lúa, Rùa đẩy ghe… đã gây được nhiều tiếng cười cho người nghe.
Những câu chuyện của bác Ba Phi thường được người đời kể lại, thậm chí cải biên, thêm thắt… làm phong phú thêm trong đời sống văn hóa của người dân vùng sông nước. Đó cũng là món ăn tinh thần của các chiến sĩ cách mạng trong căn cứ rừng U Minh.
Mạc Can có nhiều tính cách giống bác Ba Phi. |
Cũng từ đó, các câu chuyện mang thương hiệu “Bác Ba Phi” cũng được phát triển khiến tên tuổi bác Ba Phi trở thành huyền thoại. Những truyện kể của bác Ba Phi (hay là của ai đó gắn mác bác Ba Phi) vẫn được người nghe truyền khẩu, phổ biến trong miệt rừng U Minh rồi nhanh chóng thành một hiện tượng văn hóa đặc sắc trong khắp vùng Nam Bộ và lan tỏa rộng rãi.
Mạc Can trở thành "Nhà văn trẻ" ở tuổi U60. |
Mạc Can cho hay cuộc đời ông cũng có nét tương tự bác Ba Phi khi lưu lạc ở miệt lục tỉnh suốt thời trẻ. Về gương mặt, Mạc Can cũng có nét giống bác Ba Phi bởi sự tròn trịa, ánh lên sự hài hước châm biếm. Trong cách trò chuyện, Mạc Can cũng hay kể những câu chuyện hài hước, đem đến cho người nghe tiếng cười vui vẻ.
Khi được lựa chọn vào vai bác Ba Phi trong Đất phương Nam, Mạc Can tìm hiểu sâu hơn về nhân vật bác Ba Phi và nhận thấy giữa mình và nhân vật có những điểm tương đồng và khác biệt. Ví như trong bối cảnh của bộ phim Đất phương Nam, bác Ba Phi cũng trạc tuổi Mạc Can, khoảng trên dưới 50 tuổi. “Khác biệt là bác Ba Phi cao hơn tui, bác Ba Phi cũng nhậu giỏi, còn tui chỉ biết uống trà đá” - Mạc Can từng chia sẻ.
Nghệ sĩ Mạc Can trong những ngày sống trên đất Mỹ. |
Vì có nhiều điểm tương đồng nên Mạc Can không diễn mà đưa chính bản thân vào với vai diễn. Tài năng của Mạc Can là đã hóa thân thành bác Ba Phi giống sự tưởng tượng của nhiều người, gây ấn tượng mạnh với người xem dù chỉ là vai phụ trong phim. Để rồi sau này, dù tham gia nhiều bộ phim khác nhưng nói tới Mạc Can, người ta vẫn gọi ông bằng cái tên “bác Ba Phi”.
Sau thành công với vai bác Ba Phi, Mạc Can lại gây bất ngờ cho mọi người khi ông ra mắt tập truyện ngắn Món nợ kịch trường vào năm 1999. Tập truyện đã được giới chuyên môn đánh giá cao khiến ông trở thành “Nhà văn trẻ” ở tuổi U60. Từ thành công này, Mạc Can đã liên tục cho ra mắt hơn chục cuốn tiểu thuyết và tập truyện ngắn nổi tiếng. Trong đó, tiểu thuyết Tấm ván phóng dao được trao giải A cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng năm 2005.
Dù bệnh khá nặng, Mạc Can luôn giữ thái độ lạc quan. |
Bên cạnh viết viết lách, Mạc Can vẫn đi đóng phim, biểu diễn ảo thuật... Thương hiệu “bác Ba Phi” giúp ông được nhiều người yêu thích, nhưng không vì thế mà “bác Ba Phi” tìm cách làm giàu. Ông đóng phim, đi diễn vì niềm vui, tiền cát-xê ông đem giúp đỡ người khác.
Năm 2009, ông định cư tại Mỹ do người con gái bảo lãnh. Nhưng ở được hai năm, ông lại về Việt Nam khi sắp sửa được cấp thẻ xanh. Giải thích về chuyện này, Mạc Can bảo ông đi Mỹ là để trải nghiệm, còn sống lâu ở Mỹ thì với tính cách kiểu “bác Ba Phi”, ông không chịu nổi. Hành trang của Mạc Can trở về Việt Nam sau hai năm ở Mỹ là những trang viết.
Về lại quê mẹ, Mạc Can tiếp tục với công việc viết sách. Ông ít đóng phim, diễn ảo thuật hơn trước vì lý do sức khoẻ. Ông thuê một căn phòng trọ, sống tằn tiện và miệt mài trên trang giấy để tiếp tục cho ra đời các cuốn sách.
Ông cũng ít giao tiếp với bạn bè. Bởi thế, trong một lần Mạc Can bị đột quỵ, ông được hàng xóm đưa đi cấp cứu, thay vì bạn bè. Cũng đến lúc này, mọi người mới biết là trong tay ông, ngoài chiếc xe máy cà tàng và chiếc laptop cũ, ông không có tài sản gì đáng giá.
Người viết đã từng hỏi Mac Can là ông sống rất tằn tiện, thậm chí có bữa chỉ ăn một chén cơm và trái chuối, thì tiền có được ông để đâu? Mac Can không trả lời. Nhưng những người bạn thân của ông đã tiết lộ, ông sống theo phong cách “bác Ba Phi”, luôn hào phóng và thương người. Khi có chút tiền trong túi, thấy ai khó khăn ông lại móc cho hết. Ông không giữ lại cho mình chút nào.
Bởi thế khi bệnh tình trở nặng, Mạc Can đã phải sống nhờ ở nhà người thân để chữa bệnh. Tuy bệnh tình khá nặng, ông vẫn giữ thái độ lạc quan, yêu đời.
Hãy cứ để Trấn Thành đóng bác Ba Phi
Trao đổi với chúng tôi, “bác Ba Phi” khoe hiện mỗi tháng ông được lãnh hơn 2 triệu đồng do Hội nghệ sĩ sân khấu TPHCM cấp. Ngoài ra bạn bè cũng hỗ trợ để ông chữa bệnh. “Tôi đã làm xong thủ tục giấy tờ để vô khu an dưỡng Văn nghệ sĩ TPHCM. Ở đó có đồng nghiệp, có y bác sĩ chăm sóc nữa. Giờ tôi chỉ chờ ngày vô thôi!” - Bác Ba Phi cho hay.
Ngoài ra ông cũng khoe đang chờ ra cuốn sách mới. Cuốn sách viết chung với nhà văn Nguyễn Đông Thức, và là cuốn sách đầu tiên ông viết chung với bạn văn khác.
Diễn viên Trấn Thành trong một lần tới thăm Mạc Can. |
Nói về chuyện dư luận đang ồn ào việc diễn viên Trấn Thành vào vai bác Ba Phi (phim Đất phương Nam phiên bản điện ảnh, do đạo diễn Quang Dũng thực hiện), Mạc Can cho rằng bác Ba Phi là nhân vật của miền sông nước Nam bộ, đã trở thành huyền thoại trong dân gian nên ai cũng có thể đóng được.
“Tôi không cho rằng Trấn Thành còn trẻ thì đóng bác Ba Phi không đạt. Điều quan trọng là cậu ấy có thể vào vai với thần thái, tính cách của bác Ba Phi hay không thôi. Hãy cứ để cho cậu ấy thể hiện đã”- bác Ba Phi một thời chia sẻ.