Ba tuần trong “vùng khủng bố”: Thăm trang trại “bò sữa có học”

Ba tuần trong “vùng khủng bố”: Thăm trang trại “bò sữa có học”
Ở trang trại nuôi bò sữa của Kibbutz Mashabbe Sade thuộc vùng Nagev, bò được huấn luyện rất kỹ, cứ đến giờ là tự tìm đường về trạm cho sữa, không cần người dẫn dắt.

Khi những tia nắng cuối cùng trong ngày đang dần tắt, ấy là lúc các “cô” bò trên đồng cỏ đã căng bầu sữa. Những “cô” bò bước lặc lè tìm đường về trạm vắt sữa tự động, để tặng cho đời những giọt sữa tinh khiết quí giá nhất của mình…

Bò tự tìm đến nơi vắt sữa

Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan trại nuôi bò sữa của Kibbutz Mashabbe Sade ở vùng Nagev, Giáo sư Yeahoshua làm việc tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế, Bộ Ngoại giao Israel gọi những “cô” bò ở đây là “bò sữa có học”.

Điều này hoàn toàn không ngoa vì bò  ở trang trại này đã được huấn luyện rất kỹ, cứ đến giờ là tự tìm đường về trạm để cho sữa, không cần người dẫn dắt.

Ông giục các nhà báo quốc tế phải khẩn trương tới trạm vắt sữa vì thời gian xuống sữa của bò rất ngắn nên giờ vắt sữa cũng không thể kéo dài. Ở trang trại này có hơn 3.000 bò đang cho sữa.

Trạm vắt sữa là một tòa nhà dài có nhiều cỗ máy vắt sữa cùng những đường dẫn cho bò vào, ra riêng biệt. Mỗi cỗ máy vắt sữa là một tổ hợp hình tròn trông giống như một cái mâm lớn bên trên có những khoang trống. Mỗi khoang chỉ vừa đủ cho một bò đứng quay đầu vào tâm của mâm, mông ra ngoài.

Các khoang này được đánh số thứ tự từ 1 đến 28, ngăn cách nhau bởi một khung sắt hình ống tròn to bằng cổ tay. Mỗi mâm có thể đón một lúc được 28 “cô” bò sữa. Khi làm việc, cỗ máy vắt sữa cứ từ từ quay theo ngược chiều kim đồng hồ.

Tại cửa dẫn vào, các “cô” bò căng sữa đang xếp hàng một cách kiên nhẫn trong trật tự chờ đến lượt mình được vào cho sữa. Khi cửa dẫn vào tương đương với một ô trống trên mâm cỗ máy, “cô” bò đứng gần nhất ở hàng đầu tự động bước lên mâm, đầu hướng vào tâm vòng tròn, mông quay ra ngoài, để lộ bầu sữa căng tròn nặng trĩu.

Người công nhân điều khiển máy vắt sữa dùng một vòi phun (trông giống như vòi phun thuốc trừ sâu ở Việt Nam) để xịt một thứ thuốc làm sạch bầu vú bò. Tiếp đó, người công nhân nâng một bộ gồm 4 đầu ống hút chụp vào các đầu vú bò để hút sữa ra một bình chứa lớn đặt ở một nơi cách xa vài chục mét.

Máy vắt sữa cứ tiếp tục làm việc đến khi bầu sữa đã cạn, bò tự biết co một chân đạp nhẹ để bộ đầu ống hút sữa bật ra. Sau khi đã cho sữa, bò kiên nhẫn đứng chờ chiếc mâm quay từ từ đến khi mông bò tương ứng với cửa ra thì nó tự biết bước lùi từ từ ra khỏi cỗ máy theo đường dẫn ra ngoài, để lại một chỗ trống cho “cô” bò khác.

Mâm cỗ máy tiếp tục quay đến khi khoang trống này tương đương với cửa vào thì lại một “cô” bò khác tiếp theo biết tự bước vào máy để cho sữa mà không cần người dắt.

Các chuyên gia chăn nuôi Israel từng nổi tiếng thế giới về công nghệ lai tạo giống bò sữa cho năng suất cao. Một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cho biết, theo đề nghị của Chính phủ Trung Quốc, vừa qua Israel đã cử chuyên gia sang làm việc tại một trang trại nuôi bò sữa ở ngoại ô Bắc Kinh.

Với công nghệ Israel, các chuyên gia đã nâng sản lượng sữa của giống bò Trung Quốc lên gấp 10 lần so với trước đó. Nghe nói hiện nay, các chuyên gia Israel cũng đang giúp Việt Nam nâng số lượng và chất lượng đàn gia súc.

Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi, Israel còn đang giúp Việt Nam công nghệ nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

Trồng trọt nhờ… máy tính

Trong những ngày ở Israel, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu công nghệ trồng chuối tiêu xuất khẩu. Một bãi sa mạc trước đây ở cao nguyên Golan nay đã trở thành một cánh đồng chuối mênh mông. Có được điều này là nhờ công nghệ tưới tiêu và nhân giống gen cây trồng.

Những cây chuối giống phát triển từ mô tế bào cấy trong vườn ươm. Khi đã đủ độ lớn, các cây non này được tách ra trồng vào một ống chất dẻo. Sau đó những cây non được cấy thẳng hàng xuống vườn. Mỗi một hốc chuối non có hai đường ống nhựa màu đen to bằng ngón tay cái chạy vòng xung quanh và được nối với hệ thống tưới công nghệ cao.

Gốc cây chôn một ẩm kế nối với một máy tính điện tử kiểm soát độ ẩm của đất. Máy tính sẽ tự động ra lệnh cho hệ thống tưới nước thường và nước có chứa khoáng chất làm thức ăn cho cây trồng bơm số lượng nước hoặc dung dịch chỉ vừa đủ theo nhu cầu của cây.

Điều đáng khâm phục ở đây là các chuyên gia nông nghiệp Israel đã hiểu đến chi li vào giờ nào trong ngày cây cần “ăn” chất gì và cần uống bao nhiêu nước? Trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, thời điểm nào cây cần tưới lượng nước bao nhiêu. Tất cả những nhu cầu của cây được các nhà nông học Israel cung cấp chỉ vừa đủ, chẳng khác nào chăm nuôi một đứa trẻ.

Cả một vườn chuối rộng lớn hàng trăm ha, nông dân Israel dựng lên những mái che nắng. Mái che này cũng được điều khiển bằng computer. Khi cây cần nhiều ánh nắng mặt trời thì tấm che được mở ra đến mức đủ theo nhu cầu của cây. Khi cây chuối đến độ ra hoa kết trái, mỗi buồng chuối lại được chụp thêm một túi nilon màu xanh để giữ trái không bị xây xước.

Việc trồng chuối theo công nghệ mô tế bào có ưu điểm lớn là cây phát triển đồng đều, ra hoa cùng một thời điểm. Do vậy, chuối cũng chín cùng lúc, cho phép thu hoạch đại trà với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Chuối trồng theo công nghệ này cho trái đều nhau về kích thước, chất lượng, màu sắc…Đối với các cây trồng khác như nho, táo, vải, xoài, v.v. các nhà nông học Israel cũng áp dụng công nghệ tương tự như với cây chuối.

Nhờ đó, năng suất và chất lượng cây trồng ở Israel rất cao. Các quan chức Israel cho biết, công nghệ sinh học, nông nghiệp của Israel hiện nay đứng hàng đầu trên thế giới. Đây là một trong 3 lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn của nước này được coi là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của nền kinh tế quốc dân.

(Còn nữa)

Kỳ sau: Israel - Thị trường tiềm năng của Việt Nam

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.